Vĩnh Phúc “mạnh tay” đưa 13 sản phẩm ra khỏi danh sách OCOP

0
14
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dành kinh phí ngân sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là 32,5 tỷ đồng. (Nguồn: tapchicongthuong.vn)

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa đưa ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP đối với 13 sản phẩm của 7 chủ thể thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

13 sản phẩm bị đưa ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm: Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên – ăn kiêng, Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên – vị mặn và Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên – vị ngọt của Công ty cổ phần Thực phẩm Điện Biên, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; Mật ong gừng sả của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh của Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô; Xúc xích thảo quế Bình Minh, Thịt lợn thảo quế Bình Minh của Hợp tác xã chăn nuôi Bình Minh, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch; Rượu cỏ đĩ của hộ kinh doanh Phạm Thị Hải Yến, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương; Nấm sò Tam Đảo; Đông trùng hạ thảo Tam Đảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; Sữa chua uống Tam Đảo, Sữa chua nha đam Tam Đảo, Sữa chua thanh trùng Tam Đảo của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo.

Các sản phẩm này đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP năm 2021, đến nay, các sản phẩm đã hết hạn chứng nhận và không tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định.

Trong khi đó, trong tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có thêm 28 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2024 thuộc các huyện, thành phố Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Lũy kế, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 156 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP, trong đó, 126 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 30 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, khi các sản phẩm bị ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP, các chủ thể sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩn. Trong trường hợp nếu vẫn cố tình sử dụng và lưu hành trên thị trường sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các sản phẩm truyền thống, chủ lực, lợi thế ở mỗi địa phương. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dành kinh phí ngân sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là 32,5 tỷ đồng.

Theo đó, riêng kinh phí hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình hơn 18 tỷ đồng. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể có cơ hội mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương, sở ngành tổ chức nhiều hội chợ với qui mô khu vực, kết nối kinh tế vùng miền và hội chợ kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sắp xếp nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn. Đồng thời, Sở Công Thương cũng tham gia nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc ở các hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại ở một số tỉnh thành trong cả nước. Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của Vĩnh Phúc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh kết nối thị trường tiêu thụ, hợp tác và phát triển.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển là cơ hội thuận lợi để đưa các sản phẩm OCOP vào quảng bá, tiêu thụ. Trên cơ sở đó, ngành Công Thương đã tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi bán lẻ… giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nâng cao sức tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Nhằm tìm kiếm đầu ra cũng như lan tỏa các giá trị của những sản phẩm OCOP, trong giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương.

Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phấn đấu hình thành từ 10- 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại (GO!BigC, Co.opmart…), khu du lịch (Tam Đảo, Tây Thiên…), khu đô thị trên địa bàn tỉnh, trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện.

Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch, lễ hội…; xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, đối tác thực hiện chương trình.

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here