Việt Nam và Nhật Bản hợp tác bền chặt trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng

0
29
Lễ khánh Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM, ngày 30/8/2024. (Ảnh: VGP/Nguyễn Trần)

Tại “Hội nghị Việt – Nhật lần thứ 9 về lĩnh vực xây dựng” diễn ra ngày 19/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay, tính đến cuối quý II/2024, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.369 dự án với tổng vốn đạt 76,76 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Nhật Bản là nhà tài trợ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ 4 cho Việt Nam với nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực hạ tầng, phát triển công nghiệp, và đào tạo nguồn nhân lực. Các dự án ODA đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, và quản lý công trình. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, một số hợp tác đã bị gián đoạn. Với lĩnh vực bất động sản, Nhật Bản cũng đóng góp nhiều dự án phát triển nhà ở và hạ tầng.

“Chính phủ Việt Nam đã thông qua các văn bản pháp lý mới, như Luật Nhà ở và Quy hoạch đô thị nhằm cải thiện môi trường đầu tư và quản lý phát triển bất động sản. Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình lớn, như kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 và cung cấp 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng đến việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Do đó, hai bên cân tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và chia sẻ nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao trong ngành xây dựng. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực chuyên môn, công nghệ và thương mại, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện quản lý thị trường bất động sản tại Việt Nam trong những năm tới”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Yosuke Tsutsumi, Phó Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch chia sẻ, Việt Nam và Nhật Bản đã duy trì một mối quan hệ hợp tác bền chặt và sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng.

Những năm qua, hai nước đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác song phương, từ việc triển khai các dự án ODA cho đến việc chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ xây dựng, quản lý công trình và đào tạo nguồn nhân lực.

“Những thành tựu này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam mà còn củng cố mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia”, ông Yosuke Tsutsumi nói.

Ông Yosuke Tsutsumi nhận xét, lĩnh vực xây dựng hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn, từ việc đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, đến việc phát triển các dự án hạ tầng phù hợp với yêu cầu đô thị hóa nhanh chóng và bền vững.

Qua sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, Nhật Bản và Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn này và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xây dựng.

Chia sẻ về những điểm mới trong Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Luật Nhà ở, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho haym nhà đầu tư, chủ đầu tư và chủ sở hữu đất đai có vai trò quan trọng trong việc phát triển các dự án này.

“Mối quan hệ giữa các bên là chặt chẽ và có sự phối hợp trong việc thực hiện mọi quy định pháp lý. Một trong những yếu tố quan trọng là việc chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định về đầu tư, bảo vệ quyền lợi cộng đồng và đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình triển khai dự án”, bà Hạnh nói.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here