Việt Nam và bài toán về du lịch biển bền vững, Covid-19 có thể là một cơ hội

0
106
Cam kết bền vững là duy trì vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị văn hóa vô giá của bờ biển. (Nguồn: ĐQC)

Việt Nam có thể tận dụng suy thoái để thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của du lịch ven biển, song song với cam kết bền vững là duy trì vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị văn hóa vô giá của bờ biển.

Cam kết bền vững là duy trì vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị văn hóa vô giá của bờ biển. (Nguồn: ĐQC)

Trang Mekong Eye, do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ, mới đây có bài phân tích cho rằng, “Việt Nam cần ít khách du lịch hơn, chứ không phải là nhiều hơn bởi các chính sách thiếu cân nhắc kỹ trong lĩnh vực du lịch sẽ làm suy yếu tính bền vững trong quan hệ kinh tế-xã hội của Việt Nam với biển và làm nảy sinh nguy cơ đe dọa những khả năng thương mại có thể mang lại lợi ích phát triển của đất nước dành cho các thế hệ tương lai”.

Năm 2019, du lịch Việt Nam không thể khả quan hơn với mức kỷ lục 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, giống như những nơi khác trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã khiến những con số này giảm mạnh. Suy thoái kinh tế đặc biệt rõ ràng dọc theo 3.200 km bờ biển của Việt Nam, nơi những bãi biển đầy cát trắng trải dài đóng góp 70% tổng thu nhập của khách du lịch vào năm 2017.

Câu hỏi về tính bền vững?

Sự mở rộng nhanh chóng và ngẫu nhiên của ngành du lịch đã làm lộ ra những rạn nứt trong các chính sách bảo vệ môi trường, trong khi các ưu tiên phát triển đang ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành cũng như mối quan hệ kinh tế – xã hội vững chắc một thời của Việt Nam với biển.

Nhiều người đang đặt ra câu hỏi liệu doanh thu du lịch chóng vánh này có thể tiếp tục được bao lâu, bất chấp tham vọng của chính phủ là mỗi năm thu hút 50 triệu du khách quốc tế và 160 triệu du khách trong nước kể từ năm 2030.

Bảo tồn văn hóa – bước cần thiết để phát triển bền vững

Phan Thiết, một thành phố cảng cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 200 km về phía Bắc, đã phát triển thành một trung tâm du lịch ven biển. Vịnh Hàm Tiến kéo dài từ thành phố đến thị trấn Mũi Né, đã trở thành trung tâm nghỉ dưỡng. Mũi Né, vừa được thêm vào mạng lưới các điểm du lịch quốc gia, sẽ sớm tổ chức khai trương khách sạn nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, Apec Mandala Wyndham với 2.912 phòng.

Ông Võ Đình Vân, Phó Giám đốc Chương trình giáo dục phổ thông tại Đại học Thái Bình Dương, Khánh Hòa, cho biết, ban đầu hầu hết cư dân hào hứng và chào đón các nhà đầu tư – giống như nhiều khu vực ven biển khác: “Họ có thể kiếm tiền dễ dàng từ việc bán nhà, nhưng nhiều người lớn tuổi hối hận khi nhận ra rằng họ đã đánh mất quá khứ và những ngành nghề truyền thống từng rất quan trọng đối với mục đích và cuộc sống của họ”.

Việc người dân địa phương từ bỏ các nghề truyền thống kéo theo sự để mất vốn sống và các giá trị văn hóa đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Theo ông Vân, không chỉ có khách du lịch nước ngoài mà ngay cả khách du lịch trong nước cũng ngày càng ưa chuộng hình thức du lịch trải nghiệm hoặc giáo dục hơn là đơn thuần nghỉ dưỡng ở các resort sang trọng ven biển. Trải nghiệm ở đây có thể là việc học các kỹ năng và kinh nghiệm đánh bắt cá, hoặc các chuyến khám phá và bảo vệ môi trường mang đậm bản sắc và văn hóa ven biển vô giá của Việt Nam.

Trả giá với các khu nghỉ dưỡng ven biển quy hoạch kém

Trong nhiều năm qua, các khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né báo cáo thiệt hại mỗi năm lên đến hàng trăm mét bãi biển và hàng chục nghìn USD do tình trang phá hoại cơ sở hạ tầng và sự quay lưng của những du khách du bất mãn vì thiếu bãi biển. Niềm tự hào một thời của Mũi Né là một trong những bãi biển tốt nhất châu Á đã trở nên mờ nhạt.

Các rào chắn tạm bợ để ngăn sóng vẫn còn đây đó dọc theo bãi biển. Những rào chắn này đã mang lại kết quả khả quan, song lại chặn hoàn toàn lối xuống biển của du khách và tạo ra những bậc thang lớn và nguy hiểm cho người đi bộ.

Tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh dấu Phan Thiết là một trong 6 điểm nóng trong báo cáo 230 trang về tình trạng xói mòn nghiêm trọng tại nhiều địa điểm du lịch. Báo cáo có đoạn: “Các trận bão có thể gây sạt lở vài chục mét, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu du lịch trên địa bàn phường Hàm Tiến. Hậu quả của sự xói mòn là số lượng khách du lịch giảm 20% trong năm 2018 và đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm”.

Báo cáo ghi nhận tình trạng xói lở ở 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, “đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch”. Báo cáo cũng lưu ý, 42% khách sạn ven biển gần các bãi biển xói mòn. Chú Hai, một ngư dân địa phương đã sống cạnh bờ biển Mũi Né hơn 45 năm, cho biết “Giờ đây, việc ra biển khó hơn nhiều do lượng cát bị mất đi rất lớn. Hầu hết ngư dân đã rời bỏ khu vực này để trồng trọt các loại cây như dừa và thanh long nhằm có thu nhập chắc chắn hơn. Một số bỏ đi vì sản lượng khai thác cá suy giảm”.

Khả năng phục hồi cao hơn nhờ chất lượng

Alexandra Michat, Giám đốc Bền vững của Du lịch EXO và Giám đốc Quỹ EXO, lo ngại rằng lượng khách hiện tại của Việt Nam sẽ càng làm tăng nguy cơ đối với cơ sở hạ tầng và “phá hủy vẻ đẹp tự nhiên vốn có và cơ duyên đã khiến Việt Nam ngay từ đầu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn như vậy”.

Để duy trì ngành du lịch và bảo tồn những tài sản thiên nhiên này, chuyên gia  này khuyến nghị: “Việt Nam nên tránh sử dụng mô hình dựa trên kết quả hẹp và sử dụng các biện pháp định tính hơn, tính đến những thứ như sự hài lòng và ý kiến của du khách, bên cạnh quan điểm của người dân địa phương”

Việt Nam đang tập trung thu hút lượng khách ngày càng tăng từ các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới, du khách từ các quốc gia này chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, khách từ các quốc gia này thường được gọi là du khách có năng suất thấp. Điều này làm giảm thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam từ 11,1 ngày trong năm 2013 xuống 10,2 ngày trong năm 2017 và chi tiêu hàng ngày chỉ ở mức 96 USD/ngày.

Mức tăng tổng lượng khách có thể ấn tượng, song phía sau đó là sự sụt giảm đáng kể trong lợi suất kinh tế tổng thể của Việt Nam từ du lịch, chưa kể đến áp lực gia tăng đối với môi trường và cơ sở hạ tầng.

Ngày càng nhiều quan điểm cho rằng sự chuyển hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng khách du lịch là chìa khóa để bảo vệ môi trường và tính bền vững. Nhiều phân tích về phát triển du lịch kết luận rằng việc thúc đẩy khách chi tiêu nhiều hơn thường tương đương với thời gian lưu trú dài hơn và sự phân tán rộng hơn trên nhiều điểm đến. Chiến lược này dẫn đến xu hướng xây dựng các nền kinh tế đa dạng và mạnh mẽ hơn, đồng thời giảm các tác động và chi phí tiềm ẩn liên quan đến du lịch đại chúng.

Các quốc gia áp dụng tư duy hướng đến chất lượng hơn số lượng khách du lịch chứng minh rằng, sự sụt giảm số lượng khách du lịch thường được bù đắp bằng chất lượng tốt hơn. Kết quả là các tiêu chuẩn cao hơn cũng giúp nâng cao tỷ lệ quay lại của du khách, điều mà Việt Nam đang gặp khó khăn – theo báo cáo của Hiệp hội lữ hành châu Á-Thái Bình Dương là 6%.
Theo bà Alexandria, để giúp mang lại những thay đổi tích cực, các cộng đồng địa phương phải được duy trì và sử dụng các kỹ năng-kiến thức của họ để phát triển các hoạt động và dịch vụ thay thế có khả năng thu hút những khách du lịch giàu có và thích trải nghiệm hơn.
Bà gợi ý rằng, với sự khuyến khích và ủng hộ từ các nhà hoạch định, Việt Nam có thể tận dụng suy thoái để thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của du lịch ven biển, song song với cam kết bền vững là duy trì vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị văn hóa vô giá của bờ biển.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here