Việt Nam – ngôi sao quyền lực mới nổi trong ngành bán dẫn

0
41
Chuyên gia thảo luận tại Hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội”. (Nguồn: VINASA)

Thị trường bán dẫn Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn toàn cầu như là Intel, Amkor, Marvell…

Trong khuôn khổ Hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á” đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” ngày 3/12.

Đánh giá cao những lợi thế trong phát triển bán dẫn của Việt Nam, bà Linda Tân, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á cho rằng, trong thập kỷ qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực.

“Việt Nam giống như ngôi sao quyền lực mới nổi trong ngành bán dẫn. Điều này xuất phát từ việc Chính phủ đã có nhiều tầm nhìn chiến lược và lộ trình rõ ràng, bên cạnh đó, một lý do đặc biệt quan trọng là Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, nằm trung tâm của các tuyến hàng hải giao thương, là cửa ngõ giao thương của của các chuỗi hàng hóa từ nhiều thị trường”, bà Linda Tân nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, với lợi thế địa chính trị ổn định, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi về chính trị – xã hội, song khi tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, đối với những yêu cầu từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện của Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được đầy đủ để tiến tới hợp tác.

Ông Quang khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện điều kiện, cơ sở hạ tầng sớm nhất, đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Trong phần phát biểu tham luận, ông CY HUANG, Chủ tịch, Tập đoàn FCC Partners, cho biết rất ngưỡng mộ chính sách xây dựng hệ sinh thái của Việt Nam. Thung lũng Silicon là nơi hội tụ của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Meta, Google hay Microsoft không dựa vào chính sách của Chính phủ mà có những môi trường riêng. Trong khi đó, Việt Nam đã hình thành những chính sách định hướng dài hạn, cụ thể, rõ ràng để hình thành hệ sinh thái bán dẫn, tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông CY HUANG cũng cho biết FCC Partners đang tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp việt nam như FPT, thiết lập các quỹ – nguồn tín dụng dồi dào để phát triển nhân lực cho Việt Nam và luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, tham gia hội nghị, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc phát triển kinh doanh MediaTek, cũng tuyên bố MediaTek sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp điện tử Việt Nam để sản xuất thiết bị điện tử đầu cuối, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp việt nam thông qua hỗ trợ R&D phần cứng… giúp Việt Nam tiếp cận hệ sinh thái đối tác toàn cầu của Mediatek.

Chia sẻ về sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư thiết kế chíp bán dẫn. Hiện tại, Việt Nam có 6.000 kỹ sư bán dẫn (tính cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Thêm nữa, nhiều trường đại học bắt đầu đẩy mạnh tuyển sinh ngành học này. Một yếu tố nữa là kinh nghiệm từ các công ty FDI, đó là tiến hành đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho các nhân sự đang là kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, điện tử…

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lịch, trong số 50.000 nhân lực bán dẫn, Tập đoàn FPT cam kết cung cấp 10.000 kỹ sư lĩnh vực này. Đây cũng sẽ là lợi thế để Hà Nội thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Thủ đô.

Hồng Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here