Việt Nam lọt Top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới

0
165
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 – Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN. (Nguồn: Báo Công Thương)

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, cao nhất trong những năm qua, đưa Việt Nam lọt Top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, cùng Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (khoảng 11 tỷ USD).

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 – Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN. (Nguồn: Báo Công Thương)

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD). Đây là con số cao nhất từ trước đến nay ngành đạt được. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1- 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021).

Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, ước năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn; nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.

Kết quả này đã vượt mức tăng trung bình hằng năm trong giai đoạn 2021-2030 theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Đặc biệt, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021; riêng sản lượng khai thác biển đạt 3,66 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021. Nuôi trồng thủy sản đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% với năm 2021 (4,85 triệu tấn) và tăng 3,7% theo kế hoạch (5 triệu tấn).

Trong năm 2022, ngành Thủy sản đã xử lý tốt những vấn đề mang tính phát sinh, nhất là về thị trường. Trong đó, khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước.

Kết quả ngành thủy sản đạt được trong năm 2022 chính là tiền đề, nền tảng để Bộ NN&PTNT đánh giá, chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành tựu xuất khẩu thủy sản kỷ lục trong năm 2022 này cũng đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.

Được biết, kế hoạch năm 2023, ngành thủy sản cơ bản giữ ổn định diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha. Ngành tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Để thực hiện kế hoạch, ngành chủ động dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế.

Đồng thời, tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể, rong biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, trong năm tới, ngành cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Ngoài ra, theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là thách thức về việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.

Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn từ tháng 8/2022. Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt, Bộ NN&PTNN sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của 2023.

Đồng thời, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bên cạnh đó, ngành cần coi “thẻ vàng” IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.

Box:

Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2021-2030

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển NTTS hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NTTS; Đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 sản lượng NTTS đạt 7triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025: Đến năm 2025, tổng sản lượng NTTS đạt 5,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình 4%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 50% nhu cầu tôm sú bố mẹ và trên 25% nhu cầu tôm thẻ chân trắng bố mẹ, trên 70% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống;

Chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng NTTS tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm NTTS.

Giai đoạn 2026-2030: Đến năm 2030, tổng sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình trên 4,5%/năm.Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; Cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng NTTS tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm NTTS.

Chương trình có 6 nội dung chính gồm: Phát triển sản xuất giống thủy sản; Phát triển NTTS; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng NTTS; Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ NTTS; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong NTTS.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here