Trong những ngày vừa qua, một số tờ báo quốc tế và khu vực tiếp tục đưa tin, khai thác khía cạnh Việt Nam là nước được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, dù phần kết luận của bài báo nhận định bên cạnh cơ hội, các nền kinh tế liên quan cũng đối mặt với không ít thách thức.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng có bài bình luận tiêu đề “Có một nước chiến thắng cuộc chiến thương mại, không phải Mỹ, không phải Trung Quốc”. Bài báo cho rằng người chiến thắng trong cuộc chiến này là Việt Nam. Với thỏa thuận nối lại đàm phán giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Osaka vừa qua có thể nói hiệp 1 của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vừa kết thúc và là lúc để nhìn lại xem ai thắng, ai thua. Hiện có hai luồng quan điểm: quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng [Mỹ] “dễ dàng chiến thắng trong cuộc chiến thương mại” và quan điểm ngược lại của các nhà kinh tế cho rằng không ai là người chiến thắng.
Thứ nhất là Mỹ với mức thuế 25% áp cho 200 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục duy trì. Theo các nhà kinh tế học, bao gồm cả IMF, chính các doanh nghiệp Mỹ hoặc người tiêu dùng Mỹ là những người phải trả thuế. Nếu điều này đúng thì Mỹ rõ ràng là người thua cuộc tuy rằng điều này không dễ nhìn thấy trong các chỉ số kinh tế: chỉ số lợi nhuận doanh nghiệp đang ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng ở mức dưới 1,66%, thấp hơn nhiều mức mục tiêu 2% của FED. Như vậy, khó có thể nói là doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ đang thua. Nhưng có thể nói Mỹ thua khi không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Số liệu thống kê 12 tháng qua cho thấy, thâm hụt thương mại song phương với Trung Quốc giảm từ 420 tỷ $ của tháng 12/2018 xuống mức trên 400 tỷ vào tháng 5/219. Tuy nhiên, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới đã tăng 15 tỷ USD, trong đó, tỷ lệ tăng thâm hụt thương mại của Mỹ tăng nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế. Vì thế, khó mà nói Mỹ thắng.
Tiếp đến là Trung Quốc. Tính từ tháng 11/2018, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm từ 481 tỷ USD xuống 464 tỷ USD. Nhìn thì có vẻ như Trung Quốc thua nhưng nếu tính đến mức độ giảm giá của đồng NDT thì hầu như không có sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu quy đổi ra NDT. Vì thế, chưa thể nói là Trung Quốc thua. Tuy vậy, mặc dù có vẻ như vượt qua được sự kiềm tỏa của Mỹ trong xuất khẩu, các công ty Trung Quốc vẫn bị thua do Washington cấm các công ty Trung Quốc không được mua các công nghệ cao. Và theo nghĩa này thì Trung Quốc là bên thua cuộc trong cuộc chiến thương mại.
Châu Âu, nơi mà tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Á nằm trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc chính là cái neo giúp cho các nước thành viên không bị chìm vào suy thoái. Với việc nhu cầu vào hàng hóa vốn và đồ dùng xa xỉ của Trung Quốc và châu Á giảm mạnh do cuộc chiến thương mại, tăng trưởng của khu vực đồng euro đã giảm hơn 1 nửa trong vòng 12 tháng tính từ tháng 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, vẫn có một số nền kinh tế được hưởng lợi trong hiệp một của cuộc chiến Mỹ – Trung. Nổi bật lên là Việt Nam. Với việc Mỹ đánh thuế Trung Quốc, các nhà máy Việt Nam tăng cường sản xuất điện thoại di động, quần áo, giày dép để tận dụng tối đa lợi thế về chi phí. Nhờ thế, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 29% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong quý 1 năm 2019 và khoảng 1/3 các hợp đồng đầu tư là đến từ các công ty có trụ sở tại Hồng Công, với mục tiêu chuyển khoảng 1/3 lượng sản phẩm ra khỏi Trung Quốc. Về dài hạn, sự dịch chuyển này sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, tạo việc làm, thu hút công nghệ, và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khiến cho Việt Nam là người chiến thắng rõ ràng.
Tuy nhiên, trước mắt, cuộc chiến thương mại không hẳn chỉ là tin tốt khi mà tuần trước, Mỹ đã tấn công vào thép trung chuyển từ nước thứ ba qua Việt Nam xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế. Một số hành động tiếp theo nhằm vào hàng hóa Trung Quốc dán nhãn “made in Việt Nam” sẽ được tiến hành. Nhu cầu về hàng hóa vốn và các linh kiện để thúc đẩy công nghiệp chế xuất đã biến Việt Nam từ nước thặng dư thành nước thâm hụt cán cân thương mại. Tệ hơn, việc chính phủ Việt Nam kiểm soát tỷ giá Việt Nam đồng so với USD đồng nghĩa với việc đồng tiền này trở nên kém cạnh tranh so với các đồng tiền châu Á khác và làm cho các nhà máy của nước này kém cạnh tranh hơn, trong khi đó Việt Nam không thể phá giá đồng tiền vì việc này sẽ ngăn cản dòng đầu tư vào Việt Nam và khiến Mỹ có cớ để quy Việt Nam là một nước thao túng tiền tệ.
Kết luận lại, các nhà kinh tế học đã sai khi nói rằng không có ai chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, nhưng Trump cũng sai vì ngay cả các nước trung lập, việc chiến thắng cũng không hề dễ dàng. Trước đó, CNN Business cũng có bài phân tích cho rằng có 4 nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gồm Việt Nam, Đài Loan, Bangladesh và Hàn Quốc – các nước cung cấp thay thế các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế.
Trong 5 tháng đầu năm 2019 nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam tăng 36%, từ Đài Loan tăng 23%, từ Bangladesh tăng 14% và từ Hàn Quốc tăng 12%. Hàng xuất khẩu của Đài Loan và Hàn Quốc chủ yếu là hàng công nghệ cao còn Việt Nam và Bangladesh thì vẫn đang tập trung vào các mặt hàng nhân công giá rẻ như may mặc và giày dép./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)