Việt Nam ký kết JETP: Các nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh, chuyên gia đánh giá cao tiềm năng hợp tác Việt Nam-Anh

0
482
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. (Nguồn: Baodautu)

JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam khỏi điện than.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. (Nguồn: Baodautu)

Ngày 14/12, Việt Nam đã trở thành quốc gia mới nổi mới nhất đồng ý với Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu, nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Thỏa thuận được thống nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch và EU nhân chuyến tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cap EU-ASEAN tại Bỉ.

Các Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam khỏi điện than.

Việt Nam là quốc gia thứ ba ký kết triển khai JETP, sau Nam Phi (tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu -COP 26) và Indonesia (tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay).

Ngay sau khi Việt Nam ký kết triển khai JETP, lãnh đạo một số nước đã chúc mừng và hoan nghênh động thái này.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Việt Nam là nước tiên phong với một khuôn khổ mới nhằm đạt được chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo với một quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đầy tham vọng nhằm đạt được an ninh năng lượng lâu dài.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, cam kết lịch sử của Việt Nam sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và đầu tư, tạo ra cơ hội đáng kể cho người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết rằng Canada sẽ tiếp tục là đối tác cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam vì một tương lai năng lượng sạch và bền vững ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận JETP đối với Việt Nam được xây dựng dựa trên Đối tác Nhóm G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) do Anh khởi xướng, nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Sau khi ký kết, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã có bài phát biểu và chúc mừng Việt Nam về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng Sunak ca ngợi mô hình JETP như một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sử dụng viện trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ USD tài chính tư nhân.

Ông Sunak cho rằng: “Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, năng động ở trung tâm của Đông Nam Á. Khoản đầu tư mà chúng tôi đang thực hiện ngày hôm nay có nghĩa là đất nước có thể cắt giảm lượng khí thải đồng thời tạo ra việc làm mới và tăng trưởng. Cùng nhau, chúng ta sẽ mang đến một tương lai xanh hơn, sạch hơn cho Việt Nam và hành tinh của chúng ta”.

Trong khi đó, ông Jack Richardson, Điều phối viên các Chương trình Khí hậu tại Mạng lưới Môi trường của đảng Bảo thủ và nghiên cứu về An ninh-Môi trường tại Hội đồng Địa chiến lược – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, đã bày tỏ sự phấn khích và lạc quan về thỏa thuận mà Việt Nam vừa mới đạt được.

Chuyên gia này cho biết: “Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy sự đầu tư và hợp tác lớn giữa các nước G7, Việt Nam và các đối tác khác của JETP. JETP nên tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu, thông qua tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, đồng thời chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, đặc biệt là năng lượng tái tạo”.

Trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa Anh và Việt Nam sau khi ký kết JETP, ông Richardson cho rằng, Anh nên hợp tác đặc biệt chặt chẽ với Việt Nam trong việc sản xuất các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chẳng hạn như khoáng sản đất hiếm.

“Việt Nam có nguồn lực và chuyên môn mà các nước khác cần. Chúng ta nên làm việc cùng nhau để thúc đẩy các hoạt động khai thác bền vững hơn và thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, đặc biệt là về tái chế”, ông nói thêm.

Chuyên gia Richardson cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đang trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Anh nên dựa trên hoạt động của JETP mới với Việt Nam (vốn là thành viên của Hiệp định CPTPP), để làm cho Hiệp định trở nên xanh hơn. Anh nên ưu tiên các công nghệ, dịch vụ và công nghiệp sạch, điều quan trọng là bảo vệ và phục hồi thiên nhiên”.

Trong 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc với sự hỗ trợ của các nước đối tác để xây dựng và thông qua Kế hoạch huy động nguồn lực của JETP Việt Nam, kế hoạch này sẽ cho phép thực hiện chiến lược và tài trợ của JETP.

Trước đó, tại COP 27 diễn ra vào tháng 11/2022, Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP) cũng cho biết sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện việc chuyển đổi năng lượng sang mô hình năng lượng sạch, trong đó có Việt Nam.

Liễu Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here