Việt Nam không lo ngại về áp lực cạnh tranh khi tham gia RCEP

0
129
Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. (Nguồn: Vnxpress)

Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại (FTA) với mức độ cao hơn so với RCEP, vì vậy, áp lực cạnh tranh chắc chắn sẽ có nhưng Việt Nam đã lường trước được điều này.

Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. (Nguồn: Vnxpress)

Tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) do Bộ Công Thương tổ chức sáng 19/11, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực – RCEP được 15 thành viên thực thi bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước có ký kết các FTA với ASEAN (ASEAN+) sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

Ông Lương Hoàng Thái cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp…, góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.

Ông Lương Hoàng Thái nhận thấy, đây là một Hiệp định với thành viên rất đa dạng. Hiệp định này lần đầu tiên được ASEAN – những nước nhỏ đứng ra dung hòa mối quan hệ của những nước lớn nên được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Chia sẻ về áp lực cạnh tranh khi Việt Nam tham gia ký kết RCEP, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, Việt Nam hoàn toàn không lo ngại vì Việt Nam đi trước một bước bởi Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại (FTA) với mức độ cao hơn so với RCEP.

Điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia có mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh. Trong khi đó, RCEP có mức cam kết thấp hơn, do vậy, áp lực cạnh tranh chắc chắn sẽ có nhưng Việt Nam đã lường trước được điều này.

Vì vậy, theo ông Lương Hoàng Thái, để khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia RCEP, quy tắc xuất xứ của hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại…

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cơ hội của RCEP đến chính là từ quy tắc xuất xứ nội khối. Trong các nước thành viên của RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu, do vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo hiệp định, dễ được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Còn bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

“Hiệp định RCEP sẽ tạo ra cơ hội cũng đi cùng thách thức. Nếu doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội, sẽ chịu sức ép cạnh tranh ở chính trên sân nhà. Nhất là khi các nước khác trong RCEP khi tận dụng được cơ hội của RCEP, họ sẽ đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam”, bà Nga cảnh báo.

Tại buổi sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng thông tin rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà RCEP đem lại, Bộ đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về hiệp định cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ mà ta có thế mạnh và tiềm năng.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước RCEP; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các DN, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here