Dư địa hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) còn rất lớn, có thể tạo ra dòng vốn phục vụ cho hoạt động đầu tư, thương mại ở khu vực châu Á và thế giới.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Chương trình giao lưu “Hong Kong: Cửa ngõ tài chính kết nối Việt Nam với khu vực vịnh lớn, châu Á và thế giới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong tại Singapore (HKETOSIN) cùng Phòng Xúc tiến Đầu tư Hong Kong (InvestHK) tổ chức, tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/12.
Theo đó, Hong Kong (Trung Quốc) không chỉ là một biểu tượng văn hóa và tài chính châu Á, mà còn là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới (đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số GFCI mới nhất). Hong Kong có thế mạnh là cửa ngõ kết nối tài chính giữa Trung Quốc với khu vực và thế giới thông qua các sáng kiến “Vành đai, Con đường”; “Khu vực Vịnh Lớn Hong Kong – Quảng Châu – Macao”. Với hệ sinh thái tài chính sôi động và lâu đời, Hong Kong là một đối tác hợp tác tiềm năng và chiến lược đối với Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin: Tp. Hồ Chí Minh là một trung tâm tài chính quốc gia của Việt Nam với tiềm năng trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Thực tế, từ năm 2020, Trung tâm tài chính Tp. Hồ Chí Minh đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index – GFCI).
Đến tháng 9/2021, Tp. Hồ Chí Minh đứng đầu trong số 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá (148/150). Việc xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập.
Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh nhằm thu hút đầu tư; xác định mô hình trung tâm tài chính quốc tế để phát triển; xây dựng hệ sinh thái công nghệ tài chính, ngân hàng số. Cùng đó, Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh tính quốc tế của các dịch vụ và hoạt động tài chính thông qua kết nối, học hỏi và hợp tác với trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Những dịch vụ tài chính của thành phố hiện nay vẫn phục vụ thị trường tài chính và nền kinh tế nội địa là chủ yếu.
Theo ông Võ Tân Thành, Tp. Hồ Chí Minh có thể học hỏi nhiều từ mô hình quản lý tài chính của Hong Kong, từ cách xây dựng một hệ sinh thái mở và linh hoạt đến phương thức thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Việc hợp tác với Hong Kong không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam mở rộng thị trường, hợp tác kinh doanh mà còn giúp nâng cao chất lượng quản lý và khả năng thích ứng với biến động của thị trường tài chính quốc tế.
Ông Christopher Hui, Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính và Kho bạc Hong Kong cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á với dân số đông và trẻ; nền tảng công nghiệp vững mạnh và đa dạng; tinh thần kinh doanh năng động và sáng tạo; đồng thời có vai trò chiến lược và nòng cốt trên trường khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng là đối tác thân thiết và quan trọng của Hong Kong, có lịch sử hợp tác, trao đổi lâu dài và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư. Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 7 của Hong Kong trong năm 2022 với kim ngạch đạt 32,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Hong Kong cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam.
Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hong Kong cũng đã nới lỏng chính sách thị thực liên quan đến việc làm cho nhân sự Việt Nam đi công tác và du lịch. Đây là những điều kiện thuận lợi để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Hong Kong và Việt Nam trong các lĩnh vực trao đổi nhân lực, phát triển kinh doanh và du lịch.
Theo ông Christopher Hui, Hong Kong đã và đang phát huy vai trò, lợi thế với tư cách là trung tâm đầu tư và tài chính hàng đầu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đây không chỉ là cửa ngõ tài chính của khu vực mà còn của châu Á và thế giới.
Tính về trái phiếu do các tổ chức có trụ sở tại châu Á phát hành quốc tế, khối lượng do Hong Kong thu xếp đứng đầu trên toàn cầu trong 7 năm liên tiếp kể từ năm 2016, vượt 100 tỷ USD và chiếm 30% thị trường thế giới vào năm ngoái. Với năng lực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, Hong Kong có thể đóng vai trò then chốt kết nối các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư của những dự án có nhiều bên tham gia.
Ông Christopher Hui cho rằng, Hong Kong có vị trí tốt nhất để kết nối Việt Nam với Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao (GBA). GBA có dân số hơn 86 triệu người và GDP hơn 1,9 nghìn tỷ USD, tương đương với Úc hay Hàn Quốc. GBA cũng có cơ sở công nghiệp mạnh mẽ và đa dạng, bao gồm sản xuất tiên tiến, đổi mới và công nghệ, thương mại và hậu cần, dịch vụ tài chính…
“GBA mang lại cơ hội to lớn cho Hong Kong tận dụng thế mạnh và sự bổ sung của mình với các thành phố khác trong khu vực, đồng thời mang lại cơ hội về một thị trường hội nhập và quy mô lớn cho các đối tượng tham gia thị trường quốc tế như các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam”, ông Christopher Hui chia sẻ thêm.
Để thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư, Hong Kong đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường. Những sáng kiến này bao gồm việc thu hút doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Hong Kong, thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư và mở rộng thị trường tài chính xanh và bền vững.
“Chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính Việt Nam tận dụng thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu của Hong Kong để huy động vốn, chia sẻ các cơ hội hợp tác, cùng đồng hành trong mục tiêu phát triển của đôi bên” – ông Christopher Hui chia sẻ thêm.
Xuân Anh