Việt Nam-Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau

0
112
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc. (Ảnh: TGVN)

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đang trở thành đối tác rất quan trọng của nhau – “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc. (Ảnh: TGVN)

Hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã đạt nhiều thành quả thiết thực trên các lĩnh vực, trong đó, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng, với thương mại và đầu tư là điểm sáng trong hợp tác hai nước.

Đối tác Chiến lược toàn diện

Ngày 5/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Cùng với hàng loạt lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị; lao động, y tế, giáo dục; khoa học công nghệ, thông tin truyền thông; phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng… được nhấn mạnh tăng cường hợp tác, hợp tác kinh tế là một trong những mục tiêu trọng tâm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chứng kiến lễ ký 9 văn kiện hợp tác. (Ảnh: TGVN)

Theo đó, hai bên hướng tới mục tiêu mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. Hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, các khu tổ hợp chuyên sâu và khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàn Quốc đề nghị Việt Nam hỗ trợ tích cực để các tổ chức tài chính của Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Việt Nam ghi nhận và sẽ xem xét tích cực vấn đề này.

Việt Nam mong muốn Hàn Quốc mở rộng hơn nữa các khoản viện trợ hoàn lại và không hoàn lại. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, đường sắt hạng nhẹ, tàu điện ngầm.

Lạc quan nhìn về tương lai với niềm tin mới, động lực mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh mẽ hòa trong dòng chuyển động của cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu về chuyển đổi nền kinh tế số, tăng trưởng xanh với năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Tất cả hợp tác đều vì sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 Nhà đầu tư lớn nhất

Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt khoảng 80 tỷ USD. Quy mô dự án bình quân của các nhà đầu tư Hàn Quốc là 7,9 triệu USD/dự án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch tài chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho, cùng các đại biểu dự Diễn đàn đã chứng kiến lễ ký các thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. (Ảnh: TGVN)

Hàn Quốc cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 78 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của Xứ sở kim chi như: Samsung, LG, Hanhwa, Doosan, Hyundai, Posco… đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế các địa phương của Việt Nam, từng bước giúp Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực như: điện tử, ô tô, cơ khí, luyện kim…

Trong những năm gần đây, bên cạnh số lượng vốn, Hàn Quốc ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam do dòng vốn hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, bất động sản đến tài chính ngân hàng, start-up đến cổ phần hóa DNNN, logistics đến dịch vụ…

Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển, tạo việc làm cho trên 700,000 lao động ở nhiều địa phương.

Nhiều dự án từ nhà đầu tư Hàn Quốc có quy mô lớn, triển khai nhanh, tác động lớn tới kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Các dự án quy mô lớn gần đây mà Samsung, LG, Posco, Hyundai, Lotte… đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đã có mặt tại 59 tỉnh thành phố của Việt Nam (trong đó có khu vực dầu khí). Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, chiếm khoảng 14,9% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam; đứng thứ hai là Hải Phòng, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư; thứ ba là Hà Nội, chiếm 10,8%; tiếp theo là Đồng Nai, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh.

Không chỉ đầu tư bằng tiền, nhà đầu tư Hàn Quốc còn chia sẻ trách nhiệm xã hội với địa phương thông qua các hoạt động như xây dựng nhà ở cho người lao động, hỗ trợ xây dựng đường giao thông, hạ tầng, hỗ trợ thiết bị y tế, tài trợ sách, học bổng…

Hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả

Cùng với hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019. Hai năm tiếp theo, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc vẫn tăng đều đặn. Năm 2021, đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 56,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Hàn Quốc đứng thứ 2 về thương mại với tổng kim ngạch năm 2022 đạt khoảng 90 tỷ USD, phấn đấu 2030 sẽ đạt 150 tỷ USD. Hai quốc gia đã cùng nhất trí, tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam tới thăm tỉnh Gyeonggi ở miền Tây Hàn Quốc. (Ảnh: TGVN)

Các giai đoạn của dòng vốn Hàn Quốc gồm: giai đoạn đầu gắn với các dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Nhưng giai đoạn tiếp theo đã có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp.

Các công ty Hàn Quốc hiện đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam, như: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam, trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh… với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính trước mắt nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.

Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh và có khả năng huy động vốn với giá thấp. Vì vậy, tài chính – ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới, với bài toán hỗ trợ tài chính cho hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sẵn sàng đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) khung pháp lý cho lĩnh vực này tại Việt Nam sớm được hoàn thiện.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục giữ xu hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, các cấp, ngành và địa phương đều có sự quan tâm đặc biệt trong công tác thu hút đầu tư với định hướng phù hợp với thế mạnh phát triển của các nguồn vốn từ một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á này.

Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc sâu rộng và thực chất trong hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực, trong đó hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều.

Hàn Quốc cũng là một trong số ít các quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như: AKFTA, VKFTA, RCEP…; Và cũng là quốc gia có nhiều cơ chế hợp tác với Việt Nam như: Ủy ban Liên Chính phủ, Cơ chế Đối thoại cấp Phó Thủ tướng về hợp tác kinh tế; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại; Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…

Nổi bật trong các cơ chế hợp tác, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam và Hàn Quốc là hai đối tác quan trọng, sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để Hiệp định đi vào thực thi từ đầu năm 2022. Đây là cơ sở quan trọng để hai quốc gia cùng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, tiếp tục củng cố vị thế là các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của nhau, cũng như phát triển sâu rộng quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Với các ưu đãi thuế quan (trong đó có việc loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đến 2040), hài hòa hóa các cam kết, tiêu chuẩn và giảm bớt thủ tục xuất khẩu, Hiệp định được kỳ vọng tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Chu Văn

BOX: Một số dự án tiêu biểu của Hàn Quốc tại Việt Nam

  • Dự án SAMSUNG DISPLAY VIỆT NAM, cấp phép ngày 01/07/2014. Nhà đầu tư là Sam Sung Display Co.,Ltd. Tổng vốn đầu tư đăng ký 6,5 tỷ USD, dự án được đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh
  • Dự án LG DISPLAY HẢI PHÒNG, cấp phép ngày 15/04/2016. Nhà đầu tư là LG Display Co.,Ltd. Tổng vốn đầu tư đăng ký 4,65 tỷ USD tại Hải Phòng.
  • Dự án Tổ hợp công nghệ cao SamSung Thái Nguyên – giai đoạn 2, cấp phép ngày 17/11/2014. Nhà đầu tư Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD tại Thái Nguyên.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here