Việt Nam: GDP năm 2022 cao nhất trong 12 năm, điểm sáng xuất khẩu và thị trường lao động

0
2918
(Internet)

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. (Nguồn: Baodautu)

Như vậy tính chung năm 2022, GDP tăng tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III năm 2022, sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, “Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022”, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

“Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%

Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch COVID-19.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Điểm sáng lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2022 là xuất nhập khẩu hàng hoá. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Đáng chú ý năm nay có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).

Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hoá năm 2022 ước tính đạt 11,2 tỷ USD.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

Trước đó, theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ gói hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng cho hàng triệu lao động đang làm việc và quay trở lại thị trường; các doanh nghiệp đều đã cố gắng khắc phục khó khăn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, thị trường lao động năm 2022 có nhiều diễn biến tích cực.

Trong quý III/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng tới 3,5 triệu người so với quý III/2021. Trong tổng số 50,8 triệu lao động có việc làm trong quý III/2022, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm 39%; công nghiệp và xây dựng chiếm 33,4%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm 27,6%. “Đây là sự chuyển dịch tích cực của thị trường lao động”, ông Tiến đánh giá.

Đặc biệt, thị trường lao động không chỉ đang “ấm” dần, mà thu nhập của người làm công, ăn lương cũng tăng qua từng quý thay vì giảm như năm 2020 – 2021 (giai đoạn nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm 2019, trước khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here