Sáng kiến “Một hành trình, ba quốc gia” là đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhằm thúc đẩy ngành du lịch ba nước Campuchia- Lào-Việt Nam.
Trang sbm.news của Campuchia cho biết, tại cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Campuchia-Việt Nam bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh (Saudi Arabia), Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Manet với Sáng kiến “Một hành trình, ba quốc gia”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Campuchia về kết nối tuyến cao tốc Phnom Penh-Bavet với Bavet – TP. Hồ Chí Minh, cũng như kết nối tuyến đường sắt nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và du lịch giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển, tiến bộ của hoạt động hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật và nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là hoạt động hợp tác đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại và phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự ổn định, phát triển và tiến bộ của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet và cho biết Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Hun Manet thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Campuchia cũng đã nêu đề xuất thảo luận về dự án phát triển tuyến cao tốc trên tại cuộc gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi hai nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Dự án đường cao tốc Phnom Penh-Bavet được khởi công xây dựng ngày 7/6 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Đây là tuyến cao tốc thứ 2 của Campuchia có tổng chiều dài 138 km, với 2 cây cầu dài 2,7 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Truyền thông Việt Nam hồi tháng 6/2023 cho biết Việt Nam đã phê duyệt giai đoạn 1 dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh-Mộc Bài dài 50 km, đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến biên giới giáp Campuchia.
Hợp tác kinh tế là một điểm sáng nổi bật trong hợp tác hai nước mấy năm gần đây. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 5,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Campuchia 3 tỷ USD và Campuchia xuất sang Việt Nam là 2,3 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, với lợi thế về điều kiện địa lý, mối quan hệ tốt đẹp của lãnh đạo 2 nước, cũng như sự tương đồng về sản phẩm hàng hóa, giao thương giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Việt Nam sẽ là thị trường xuất khẩu lớn của Campuchia, mang lại giá trị và hiệu quả, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tham vấn cấp cao và các cơ chế song phương, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh kết nối giữa hai nền kinh tế; tiếp tục phát huy giữ đà tăng trưởng thương mại, đầu tư song phương; xem xét đưa ra chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực kết nối giao thông, du lịch, nông-lâm-ngư nghiệp, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, lao động, tài nguyên và môi trường…, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước và hợp tác trong khuôn khổ Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV).
Riêng về hợp tác du lịch, ngay trong 3 tháng đầu năm 2023, Campuchia đã đón khoảng hơn 200 ngàn lượt khách Việt Nam tới Campuchia và lượng khách du lịch Campuchia tới Việt Nam cũng có sự tăng trưởng cao. Ngành du lịch Campuchia đang triển khai nhiều giải pháp để kích thích sự phát triển của du lịch như xây dựng cảng biển đa năng tại tỉnh Kampot nhằm thu hút khách du lịch đến Campuchia bằng đường biển.
Đánh giá cao việc Việt Nam phát triển du lịch ở Phú Quốc, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, ông mong muốn có sự kết nối giữa du lịch Phú Quốc và tỉnh Siem Reap. Để làm được điều đó thì hai bên cần kết nối để có chuyến bay thẳng giữa hai địa danh du lịch nổi tiếng này.
Nhằm cụ thể hóa cà mục tiêu do Lãnh đạo hai nước đặt ra, trong Bản ghi nhớ giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, tháng 5/2023, hai bên nhất trí củng cố và phát triển du lịch vì lợi ích chung của hai bên; thúc đẩy dòng khách du lịch giữa hai nước qua việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới và tạo thuận lợi cho du lịch qua lại biên giới và tăng tần suất chuyến bay thẳng giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch thông qua việc triển khai các hoạt động cụ thể trên cơ sở khung khổ luật pháp quốc gia hai nước, các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên, nâng cao năng lực trong các nhóm ngành liên quan đến du lịch và dịch vụ lữ hành ở cả hai nước.
Chu Văn