Việt Nam đang ở đâu trong CMCN 4.0?

0
131

Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc cách mạng công nghệ đó, định vị đất nước trong dòng chảy này để tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp nhằm tận dụng tốt cơ hội và hạn chế các thách thức của CMCN 4.0.

Việt Nam có sẵn sàng CMCN 4.0?

Để tận dụng cuộc CMCN 4.0, trước mắt cần tạo dựng một môi trường và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và nắm bắt. Mặc dù là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor), nhưng Việt Nam đã có nhiều thành quả trong việc xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng thông tin để tận dụng CMCN 4.0. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội[1]. Hiện tại, 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động; 27% dân số sử dụng máy tính bàn và 18% sử dụng di động để tìm kiếm sản phẩm cần mua; 24% dân số mua hàng trực tuyến thông qua máy tính bàn và 15% thông qua điện thoại. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 cho biết, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 170 USD; doanh số thu từ thuương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước, ước tính tăng 20% so với năm 2015.

Ngoài ra, nhận thức về CMCN 4.0 từ doanh nghiệp, học giả đến người dân đều rất tích cực, tạo tiền đề cho việc tập trung nguồn lực vào một ưu tiên chung. Cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay CMCN 4.0 ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến trong các ngành, các cấp, từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến các cơ sở nghiên cứu, báo đài; các cuộc hội thảo, nghiên cứu về CMCN 4.0 diễn ra sôi động. Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có giao cho các Bộ, ngành tăng cường năng lực, nghiên cứu giải pháp tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực của CMCN 4.0. Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt sáng kiến liên quan đến CM4.0 được triển khai, như phong trào Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Bến Tre với mục tiêu thu hút 1 tỷ USD cho Quỹ khởi nghiệp; Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV) lần thứ Nhất do Ngân hàng Nhà nước khởi động và Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Công (Mekong Business Initiative MBI), Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ; Cuộc thi thiết kế phần mềm AI Edtech Asia Hackathon 2017 do Công ty TOPICA triển khai. Theo Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng này và đa số cho rằng sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Tất cả các yếu tố trên tạo nên một nền tảng bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0 và là lợi thế rất quan trọng để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ cao vào Việt Nam và từ đó phát triển một hệ sinh thái công nghệ thông tin hiện đại, giúp bắt nhịp với các tinh hoa và cơ hội từ CMCN 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

Trên cơ sở các nền tảng trên, một số biểu hiện của CMCN 4.0 đã manh nha và nhanh chóng nở rộ tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

In 3D[2] đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng. Công nghệ in 3D đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2003 và hiện được nhiều công ty sử dụng trong thiết kế và sản xuất sản phẩm. Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các máy in 3D đa dạng với nhiều kích thước và có thể tạo sản phẩm với nhiều chất liệu khác nhau (nhựa và kim loại). Không chỉ nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, hiện đã có máy in 3D sản xuất tại Việt Nam, theo đó khách hàng có thể đặt hàng máy in theo nhu cầu sản xuất hoặc thiết kế của mình. Trong y học, thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, các bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho bệnh nhân L.N.T 17 tuổi để chữa trị cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Sau khi được phẫu thuật ghép mảnh sọ nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã xuất hiện tại Việt Nam với sự tham gia của đông đảo các công ty phần mềm như FPT, Viettel, Topica, Bkav, VNG, VC Corp, Viện công nghệ thông tin IOIA… ở các mảng như ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông… Viettel đã đẩy mạnh nghiên cứu và cho ra đời những giải pháp Chính phủ điện tử, quản lí giáo dục (SMAS), quản lý và đôn đốc bán hàng cho chuỗi phân phối (DMS.One), hệ thống công tơ điện tử một pha hộ gia đình (SMMS.One), hệ thống văn phòng điện tử (Voffice),… Tổ hợp giáo dục trực tuyến lớn nhất Việt Nam cũng khởi động Topica AI Lab với “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự, được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu… Bkav triển khai sản phẩm phần mềm quản lý nhà thông minh (Smart home)… Ait Việt Nam đang phát triển một chatbot thay thế con người triển khai các dịch vụ hỗ trợ khách hàng như trả lời điện thoại, email, đặt lịch làm việc.

Về kinh tế chia sẻ[3], các dịch vụ mô hình này cũng nở rộ tại Việt Nam với các tên tuổi từ nước ngoài như Uber, Grab, Airbnb, Trivago, Booking… cũng như nhiều start-up trong nước như Ahamove, jupviec.vn, taxigiare.net,… Nhiều chuyên gia nhận định “kinh tế chia sẻ” đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam như mang đến trải nghiệm mới đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả; đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương. Đồng thời “kinh tế chia sẻ” giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển CMCN 4.0 của thế giới.

Về công nghệ tài chính (fintech), với khoảng hơn 30 triệu người dùng mỗi năm và hàng nghìn người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, FinTech đang trở thành trào lưu tài chính hiện nay, đặc biệt là ở thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam. Việt Nam hiện có trên 40 công ty Fintech hoạt động, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp như ngân hàng, mà các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Fintech cung ứng đã và đang thu hút được một số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngoài các ông lớn ngân hàng nước ngoài, thị trường Việt Nam có nhiều công ty fintech Việt như ví điện tử Momo, Money lover, Bankgo, F88…

Về chuỗi khối (blockchain)[4] và tiền ảo, mặc dù chưa được chính thức công nhận tại Việt Nam[5], số người sở hữu tiền điện tử và sử dụng blockchain ở Việt Nam đã chiếm khoảng 1% dân số và dự báo trong khoảng 10 năm tới số lượng người sử dụng blockchain ở Việt Nam có thể lên tới 30 triệu người[6]. Doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam, cho biết thị trường bitcoin tại Việt Nam tăng trưởng đến 2 con số mỗi năm về lượng người dùng, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày hiện lên đến hàng nghìn USD. Gần đây, Đại học FPT tuyên bố sẽ thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên ngoại để tạo điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ blockchain.

Tự phát hay chủ động?

Tất cả các biểu hiện trên về CMCN 4.0 tại Việt Nam cho thấy cuộc cách mạng này không phải ở thì tương lai xa xôi mà đã và đang dần hình thành và thay đổi các thói quen về tiêu dùng và sản xuất vốn hiện hữu tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm và dịch vụ của CMCN 4.0 tại Việt Nam chủ yếu là do tự phát và phần giá trị Việt trong các sản phẩm và dịch vụ này không nhiều. Các công ty in 3D chủ yếu nhập nguyên chiếc hoặc lắp ráp máy in 3D và nguyên liệu (nhựa hoặc kim loại) từ Nhật, Đức và các nước phát triển khác; các sản phẩm kinh tế chia sẻ và fintech nước ngoài đang chiếm phần lớn thị trường tại Việt Nam; các sản phẩm AI tiên tiến (chatbolt) do chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam phát triển (Công ty AIt Việt Nam là công ty con của Công ty AIt Nhật Bản).

Điều đó cho thấy rằng, một khát vọng tiếp cận CMCN 4.0 cùng với một thị trường sẵn sàng cho cuộc cách mạng này là chưa đủ. Để CMCN 4.0 kết hoa thơm trái ngọt cho Việt Nam, với trình độ của Việt Nam, rõ ràng ta buộc phải tận dụng công nghệ nguồn từ các nước tiên tiến và đứng trên “đôi vai của người khổng lồ” để phát triển. Tuy nhiên, ta cũng cần xác định đây chỉ là bước khởi đầu trong quá trình bắt nhịp với CMCN 4.0 và về lâu dài, ta cần giải quyết nhiều thách thức về trình độ công nghệ, nguồn vốn và trình độ lao động để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của CMCN 4.0./.

Phúc Phan

[1] Theo thống kê của wearesocial.net.

[2] In 3D còn được gọi là công nghệ “chế tạo cộng”. Nó khác với công nghệ sản xuất vật liệu thông thường ở chỗ không phải gọt giũa phôi (chế tạo trừ) để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, ngược lại nó được chế tạo theo từng lớp, bổ sung dần dần cho đến khi khi sản phẩm hoàn thiện.

[3] “Kinh tế chia sẻ” có thể được định nghĩa là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.

[4] Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó. Blockchain chính là chuỗi tạo ra tiền ảo, trong đó có đồng Bitcoin.

[5] Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm các “tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán do loại tiền này tiềm ẩn nhiều rủi ro do có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch…

[6] Thông tin tại hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối Blockchain” ngày 9/9/2017 tại Hà Nội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here