Việt Nam và Ấn Độ đang đón nhận dòng đầu tư trực tiếp lớn từ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, công bố hôm 20/6 vừa qua cho biết Việt Nam và Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng bùng nổ dòng đầu tư từ các công ty Trung Quốc, vốn đang tìm cách chuyển năng lực sản xuất của họ ra nước ngoài nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nghiên cứu cho thấy: “Các khoản thuế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy các công ty chuyển một phần năng lực sản xuất của họ ra nước ngoài”.
Theo nghiên cứu, chi phí lao động và giá đất rẻ là động lực chính đằng sau việc các nhà máy di dời tới Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, mối lo ngại về thuế quan thương mại đã làm gia tăng động lực cho sự tái phân bổ trên.
Bức tranh về chuỗi cung ứng công nghệ ở khu vực Trung Quốc Đại lục đang thay đổi khi các công ty sản xuất linh kiện điện thoại thông minh, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao khác đang chuyển cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều.
Một nghiên cứu dựa trên kết quả phỏng vấn các công ty cho biết hơn 34 công ty niêm yết trong chuỗi cung ứng nói trên đã thành lập hoặc đang xây dựng năng lực sản xuất ở Đông Nam Á. Các công ty trong chuỗi cung cấp công nghệ ở khắp Trung Quốc và Đài Loan chọn Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến ưa thích nhất cho các địa điểm sản xuất mới của họ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và trong 5 tháng đầu năm 2019 đã đạt 1,56 tỷ Nhân dân tệ.
Theo Tổng cục Chính sách và Xúc tiến Công nghiệp Ấn Độ, dòng FDI từ Trung Quốc vào Ấn Độ trong năm 2018 đã tăng 137% so với năm 2017, vượt 391 triệu USD.
Nghiên cứu của Goldman Sachs cũng nhấn mạnh một số thách thức và hạn chế mà các công ty gặp phải trong quá trình tái phân bổ chuỗi sản xuất của họ vào khu vực.
Thách thức thứ nhất là thời gian dài, phải mất 3 đến 6 tháng để đánh giá và ít nhất 18 tháng để thiết lập nhà máy trước khi có thể bắt đầu sản xuất.
Thách thức thứ hai là sự phức tạp trong hoạt động, sự kết hợp giữa việc thu mua, hậu cần và sản xuất ở nhiều địa điểm có thể dẫn tới sự thiếu hiệu quả.
Thách thức thứ ba là trình độ kĩ năng của công nhân và khả năng hội nhập văn hóa.
Với những hạn chế trên, các nhà phân tích tin rằng việc sản xuất các linh kiện tinh vi như các chất bán dẫn khó có khả năng được chuyển đến Việt Nam, trong khi việc sản xuất điện thoại thông minh và máy PC có nhiều khả năng sẽ được chuyển đến cả Việt Nam và Ấn Độ.
Thọ Anh (theo Scmp.com)