Việt Nam đang bán ra thế giới 1,4 tỉ đôi giày/năm

0
6
Ngành da giày đã tăng trưởng tích cực trong năm nay, với doanh số xuất khẩu đạt trên 26 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. (Nguồn: Lefaso)

Ngành da giày đã tăng trưởng tích cực trong năm nay, với doanh số xuất khẩu đạt trên 26 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Trong đó, mảng xuất khẩu giày dép vẫn giữ được vị trí là nhà xuất khẩu hàng đầu của thế giới, với khoảng 1,4 tỉ đôi giày, dép mỗi năm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động, ngành da giày – túi xách vẫn đạt được doanh thu 26 tỷ USD trong năm qua,

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU đều ghi nhận mức tăng trên 10% trong năm nay. Trung Quốc cũng gia nhập nhóm thị trường tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với đó, ngành da giày cũng chủ động mở rộng thị trường sang các khu vực mới như Nam Mỹ và Trung Đông. Trong đó, giày thể thao được kỳ vọng sẽ giúp ngành giày thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông, nơi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, do vị trí cao trong chuỗi cung ứng, ngành da giày Việt Nam phải chịu tác động sớm từ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững của những nhà nhập khẩu.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn trên, doanh nghiệp da giày trong nước đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn này đang trở thành một gánh nặng lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, sự khan hiếm nguồn lao động và nguyên liệu cũng làm gia tăng khó khăn. Việc phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập và áp lực cạnh tranh về giá càng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bà Xuân cho biết, tình hình kinh doanh của ngành da giày trong năm 2025 vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù đơn hàng tương đối ổn định, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao sẽ là những trở ngại lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10%, các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước trong việc xây dựng các tiêu chuẩn xanh thống nhất, cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

Sau khi có các tiêu chuẩn thống nhất, Lefaso cũng mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để áp dụng tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp có thể đạt các chứng chỉ, đủ điều kiện để triển khai đơn hàng.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực nội tại, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước xây dựng các quỹ hỗ trợ tài chính để đầu tư vào công nghệ mới, giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Hồng Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here