Bất chấp tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại của thế giới, các nền kinh tế mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023.
Trong một bài viết, ông Russell Beattie – Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Sở Giao dịch Chicago (CME Group) đánh giá, khi phần lớn thế giới phải đối mặt với sự suy giảm mạnh về tăng trưởng, các thị trường mới nổi ở châu Á vẫn là một điểm sáng trên “đường chân trời đầu tư”.
Các nền kinh tế châu Á mới nổi, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã có “màn trình diễn” vượt trội so với các thị trường mới nổi khác trong hai thập kỷ qua. Trong tương lai, dự báo các thị trường này sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn các nền kinh tế tiên tiến.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 5 năm trước đại dịch, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 6,9% cùng thời kỳ, còn ở Ấn Độ và Philippines, mức tăng trưởng trung bình lần lượt là 6,7% và 6,5%.
Mặc dù phải chịu xu thế chung suy giảm nghiêm trọng trong đại dịch, nhưng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP ở Ấn Độ đạt mức 8,9% vào năm 2021, trong khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP là 8,1% và Philippines là 5,7%. Trên khắp thị trường châu Á mới nổi nói chung, tăng trưởng GDP trung bình là 7,3% vào năm 2021.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng vững chắc tại các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Trong dự báo kinh tế mới nhất, IMF đã đưa ra mức tăng trưởng GDP hàng năm là 4,6% cho khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển vào năm 2022, tăng lên 5% vào năm 2023.
Việt Nam dự kiến sẽ đạt kết quả tốt nhất trong năm nay, với việc WB dự báo mức tăng trưởng GDP là 7,5% vào năm 2022, khi các ngành sản xuất và dịch vụ của Việt Nam tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19 và được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng, cũng như số lượng khách du lịch ngày càng tăng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Philippines cũng dự kiến sẽ thu hút đầu tư nội địa, tư nhân và các dự án cơ sở hạ tầng công cộng, góp phần đưa tăng trưởng GDP dự báo lên mức 6,5% trong năm nay. Trong khi đó, Malaysia và Indonesia dường như cũng phục hồi mạnh nhờ sự kết hợp của nhu cầu trong nước gia tăng, du lịch và xuất khẩu nguyên liệu thô mạnh mẽ.
Bất chấp những dự báo lạc quan này, các thị trường châu Á mới nổi không phải không có rủi ro và cũng không tránh khỏi tác động của các yếu tố bên ngoài. Một trong những thách thức lớn nhất mà châu Á mới nổi hiện đang phải đối mặt là tăng trưởng toàn cầu chậm lại, điều này có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu của khu vực này. Trong khi đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tồn tại sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, cản trở khả năng đưa hàng hóa của các quốc gia ra thị trường.
Ngoài ra, các nền kinh tế này cũng phải đối mặt với sự biến động giá cả hàng hóa. Mặc dù một số quốc gia trong khu vực hiện đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa gia tăng do tác động của xung đột ở Ukraine, nhưng nếu tình hình tiếp diễn sẽ có khả năng dẫn đến lạm phát, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Mặt khác, các nước châu Á mới nổi cũng không tránh khỏi tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và nguy cơ suy thoái gia tăng đe dọa các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á là một trong số ít nơi các nhà đầu tư có thể tìm thấy cơ hội./.
Thu Trang