Việt Nam cùng ASEM hành động đối phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững

0
122
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Nay Pyi Taw, Myanmar.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 của Diễn đàn ASEM tại Nay Pyi Taw, Myanmar, tháng 11/2017.

Từ ngày 18 đến 20/6/2016, tại Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).  Dự kiến, Hội nghị sẽ có khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước đến từ 53 thành viên của ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan.

Hội nghị  là sáng kiến của Việt Nam, không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà còn tạo điều kiện để  đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam tranh thủ ủng hộ và hợp tác, hỗ trợ của các đối tác Á – Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), từ năm 1980 đến nay, hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính dẫn đến nhiệt độ bề mặt trái đất tăng. Sự nóng lên toàn cầu làm tăng nhiệt độ không khí và đại dương, làm tan băng diện rộng, dẫn tới tăng mực nước biển toàn cầu. Trong 100 năm (1906-2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74oC, tốc độ tăng nhiệt độ 50 năm gần đây gần gấp đôi 50 năm trước đó. Trong thế kỷ XX, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng 0,6oC. Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ trái đất trong thế kỷ XXI còn có thể tăng từ 1,1 – 6,4oC.

Trong khi đó, các nhà khoa học tại COP 21 (2015) cho biết, tăng 2oC là ngưỡng nguy hiểm; tăng 3oC, các đại dương sẽ giãn nở, băng tan làm nước biển dâng 60cm, nhấn chìm nhiều khu vực ven biển, làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn và thiên tai lũ lụt nhiều hơn…

Trong những năm qua, nhiều loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô và tần suất ngày càng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế-xã hội trong tương lai. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế… trên phạm vi toàn cầu.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH (COP 23) ở Born, Đức (11-2017), số liệu thống kê cho thấy trên toàn thế giới, từ 1996-2016, thiên tai do BĐKH làm chết 520.000 người, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỷ USD.
Những số liệu trên cho thấy, BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng từ BĐKH
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, trong đó ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).

Trong 45 năm (1956-2000) có trên 300 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến Việt Nam. Mỗi năm chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; hơn 8.000 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, khoảng 561.700 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 353.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).

Đặc biệt, theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng ĐBSCL, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập.

BĐKH tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế – xã hội, đời sống…; Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng rủi ro an ninh lương thực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao còn làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng các công trình, chi phí bảo quản…; Gia tăng tính cực đoan của thời tiết, làm cho thiên tai nguy hiểm hơn: Hạn hán, thiếu nước ở nhiều nơi hơn; đất hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí bị sa mạc hóa; nguy cơ mất an ninh về nước sẽ sớm hơn dự báo; lũ lụt cũng nặng nề hơn…

Bên cạnh đó, BĐKH cũng là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu 

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Đặc biệt, ngày 3-6-2013, tại Hội nghị lần 7, Ban Chấp hành trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH…

Các bộ, ngành cũng đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó BĐKH, bao gồm: Chiến lược quốc gia về BĐKH; Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH; kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của địa phương; Kịch bản BĐKH; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH của Việt Nam; Các cơ chế, chính sách khác về BĐKH và vấn đề ưu tiên đầu tư cho thích ứng với BĐKH.

Hiện Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó có các giải pháp trọng tâm như: nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH; tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Điều này giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong canh tác; qua đó cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ…

Cùng với đó, chính quyền và người dân nhiều địa phương nỗ lực khắc phục, biến thách thức thành cơ hội và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như, ở Sóc Trăng, nông dân đã trúng mùa tôm do chuyển sang nuôi giống tôm nước lợ thích hợp với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt; hay như ở Ninh Thuận, nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng táo, nho, tỏi… là những loại cây có giá trị gia tăng cao mà không cần nhiều nước, thích hợp với tình trạng khô hạn kéo dài. Bình Thuận cũng đã chuyển nhiều vùng trồng lúa sang trồng cây thanh long cho thu nhập cao….

Các tổ chức khoa học trong và ngoài nước cũng đã chuyển giao các giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, như: chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học, sản xuất nông nghiệp khép kín không rác thải, thâm canh lúa cải tiến, cải tiến kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật trồng ngô xen đậu xanh thích ứng hạn, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng dưa hấu, trồng nấm rơm và trồng rau trên giàn… Những cách làm này đã và đang giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần tăng cường an ninh lương thực ứng phó với BĐKH.

Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó BĐKH là sáng kiến do Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13, tháng 11-2017 và đã được nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ như: Australia, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy. Đây là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên thứ ba liên quan đến hành động ứng phó BĐKH, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị góp phần đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là BĐKH, phát triển bền vững, góp phần triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Văn Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here