Mỹ và Trung Quốc đã có thêm các động thái liên quan đến cuộc xung đột thương mại chưa có chiều hướng giảm và đây là những động thái Việt Nam cần lưu ý.
Chiêu “mượn” tên
Theo Reuters, Mỹ vừa tuyên bố phạt các công ty xuất khẩu hàng hóa “mượn” Campuchia để né thuế quan trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc.
Theo thông báo do Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh đưa ra ngày 19/6, đây là những công ty xuất khẩu hàng hóa thông qua đặc khu kinh tế Sihanoukville thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Campuchia.
Người phát ngôn đại sứ quán Mỹ nói: “Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã kiểm tra và phạt một số công ty trốn thuế ở Mỹ bằng cách định tuyến hàng hóa thông qua Campuchia”. Người phát ngôn không nêu tên hoặc cho biết có bao nhiêu công ty đã bị phạt vì tránh thuế quan, mức phạt lớn như thế nào, hoặc loại hàng hóa mà các công ty đã xuất khẩu.
Reuters lưu ý, đầu tháng này, Cục Hải quan Việt Nam cho biết đã phát hiện nhiều trường hợp các nhà xuất khẩu dán nhãn trái phép hàng hóa Trung Quốc là “Made in Vietnam” để tránh thuế quan của Mỹ.
Cục Hải quan Campuchia và Bộ Ngoại giao nước này đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trung Quốc là nước tài trợ và đầu tư lớn nhất vào Campuchia. Bắc Kinh đã rót vào Campuchia hàng tỷ USD hỗ trợ phát triển và cho vay thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đặc khu kinh tế Sihanoukville, cách thủ đô Phnom Penh 210km về phía Tây, là một liên doanh của Trung Quốc và Campuchia trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” sản xuất hàng dệt may, túi xách và các sản phẩm da.
Trong khi đó, CNBC cùng ngày 19/6 đưa tin, Trung Quốc đang hạ thuế quan đối với các nước khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ và điều này có tác động đến Việt Nam.
Tin dẫn phân tích của Viện kinh tế quốc tế Peterson cho thấy, chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đã mở ra cánh cửa mới cho các đối thủ thương mại của Mỹ tại Trung Quốc, trong khi khiến các doanh nghiệp Mỹ thêm đau đầu.
Theo phân tích này, Bắc Kinh đã tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ để đáp trả thuế quan của Washington – điều này đã hạ thấp các rào cản thương mại đối với các nước khác.
Kể từ đầu năm 2018, mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ đã tăng lên 20,7%. Cùng lúc, Trung Quốc đã giảm thuế đối với các sản phẩm cạnh tranh từ các quốc gia thành viên WTO khác xuống mức trung bình chỉ 6,7%. Năm ngoái, tất cả các nước, bao gồm Mỹ, phải đối mặt với mức thuế trung bình 8% ở Trung Quốc.
Ông Chad Bown, một thành viên cao cấp tại Viện Peterson, cho rằng “những động thái gây hấn của Trump và các phản ứng hai mặt của Trung Quốc khiến các công ty và công nhân Mỹ hiện đang gặp bất lợi đáng kể so với cả các công ty Trung Quốc và công ty tại các quốc gia khác. Trung Quốc đã bắt đầu trải thảm đỏ cho phần còn lại của thế giới. Mọi người khác đang tận hưởng nhiều quyền truy cập được cải thiện vào đất nước 1,4 tỷ người tiêu dùng này”.
Nói cách khác, đối với người tiêu dùng Trung Quốc, các sản phẩm của Mỹ đã trở nên đắt hơn, trong khi hàng hóa từ các quốc gia khác rẻ hơn. Trung bình, một mặt hàng của Canada, Nhật Bản, Brazil hoặc châu Âu rẻ hơn so với cùng mặt hàng đó của Mỹ là 14%. Trong khi các báo cáo gần đây ghi nhận Indonesia, Bangladesh và Việt Nam đã bước vào để lấp đầy khoảng trống chuỗi cung ứng của Mỹ, thì nghiên cứu của Peterson cho rằng các thay đổi chính sách của Bắc Kinh đã mang lại lợi ích cho các đồng minh kinh tế truyền thống của Mỹ.
Lợi thế Việt Nam?
Tờ SCMP của Hongkong ngày 19/6 đăng bài cho rằng, các quốc gia như Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các công ty như Apple rời Trung Quốc để tìm kiếm thị trường có lợi hơn. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp trong khu vực, ví dụ như Indonesia, để được hưởng lợi, nước này cần đưa ra một số quyết định chính sách hướng ngoại, sáng tạo.
Theo bài viết, chiến tranh thương mại khởi phát khi một quốc gia áp dụng cách tiếp cận bảo hộ, áp thuế nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp cũng như việc làm cho người dân trong nước. Động thái này thường giúp giá thành sản phẩm trong nước giảm và có sức cạnh tranh hơn với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại cũng làm suy giảm tăng trưởng ở những quốc gia liên quan và kinh tế toàn cầu, dẫn tới việc phân bổ nguồn lực trở nên kém hiệu quả.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 25% đối với một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 300 tỷ USD. Về phần mình, Trung Quốc đã áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Hậu quả ngay tức khắc là hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tháng 5/2019 giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, xuất khẩu – đặc biệt là sang Mỹ – được dự đoán sẽ ghi nhận mức giảm tương tự. Một số công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc như Apple dự kiến sẽ rời khỏi nước này sau khi tìm được thị trường có lợi hơn, chẳng hạn như Việt Nam.
Năm 2020, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 0,5% xuống còn 2,6% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo SCMP, Việt Nam và Mexico có vẻ là những nước hưởng lợi chính từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Mexico có vị trí địa lý gần Mỹ và có quan hệ thương mại song phương với Washington, trong khi Việt Nam là lựa chọn thay thế tiềm năng cho hàng Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
SCMP có một số gợi ý với trường hợp của Indonesia khi muốn tránh được những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và hưởng lợi từ cuộc thương chiến này. Theo đó, Jakarta cần một số quyết định chính sách kinh tế sáng tạo và hướng ngoại. Indonesia nên theo đuổi thỏa thuận hợp tác thương mại khu vực với các nước khác. Jakarta cũng cần duy trì dòng vốn nước ngoài và giữ tỷ giá hối đoái ổn định. Ngoài ra, chính phủ Indonesia cần khuyến khích nhiều ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu hơn. Các công ty cần một cơ sở sản xuất đủ để họ có thể lấp đầy khoảng trống mà các sản phẩm Trung Quốc để lại.
Thọ Anh (theo Reuters, CNBC, SCMP)