Việt Nam ban hành Bản câu hỏi điều tra rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường mía

0
21
sa
Niên vụ mía đường 2023/24 của Việt Nam, các nhà máy trong toàn ngành đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. (Nguồn: kingfoodmart)

Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản câu hỏi điều tra rà soát chính thức cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa ban hành Bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã số vụ việc: AR01.AC02.AD13-AS01).

Theo đó, ngày 6/9/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2368⁄QĐ-BCT về việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (Mã số vụ việc: AR01.AC02.AD13-AS01). Chi tiết về phạm vi, nội dung và thời hạn điều tra xem tại Quyết định số 2368⁄QĐ-BCT và Thông báo kèm theo.

Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) đã gửi bản câu hỏi điều tra rà soát chính thức cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan để trả lời bản câu hỏi điều tra. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi điều tra là trước 17h00 ngày 31/10/ 2024 (theo giờ Hà Nội).

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Cơ quan điều tra đề nghị nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra. Trong trường hợp Cơ quan điều tra không nhận được thông tin trả lời đúng hạn của nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hoặc trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu thì Cơ quan điều tra sẽ sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương.

Các thông tin, số liệu cung cấp trong quá trình trả lời bản câu hỏi của Cơ quan điều tra và quyền tiếp cận thông tin vụ việc của các bên liên quan trong quá trình điều tra sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo mật thông tin tại Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cách thức trả lời các phần trong bản câu hỏi, hình thức nộp và thời hạn nộp được hướng dẫn chi tiết trong Bản câu hỏi dành cho doanh nghiệp . Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị doanh nghiệp đọc kỹ hướng dẫn trước khi trả lời và nộp bản trả lời đúng thời hạn.

Trước đó, ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1989⁄QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Theo quy định khoản 1 Điều 58 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, các bên liên quan có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát.

Theo đó, Cục Phòng vệ Thương mại đã nhận được hồ sơ rà soát của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước yêu cầu rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, ngày 6/9/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2386/QĐ-BCT về việc rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: AR01.AC02.AD13-AS01).

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết theo kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2023/24, tổng diện tích mía thu hoạch vụ 2023/2024 là 163.019 ha, tăng 11,4% (tương ứng tăng 21.113 ha) so với niên vụ trước. Trong khi đó, diện tích mía thu hoạch niên vụ 2022/2023 là 141.906 ha và vụ 2021/2022 là 124.753 ha.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2023/24, các nhà máy trong toàn ngành đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép niên vụ 2023/2024 tăng 17,9% và sản lượng đường tăng 18,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép tăng 66% và sản lượng đường tăng 61%.

Điều này cho thấy, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ giá chỉ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện nay đã đến mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía.

“Mức giá mua mía này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, đã dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây”, ông Lộc chia sẻ.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here