Mối giao lưu Việt – Ấn bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp và đến nay đang ở mức độ gắn kết cao nhất. Thập niên qua chứng kiến mối quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy trên nhiều trụ cột, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9/2016.
Hợp tác sinh động và thực chất
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ đang phát triển trên một nền tảng rất vững chắc và ngày càng sinh động hơn. Về chính trị, mối quan hệ này đã có bước khởi đầu tốt đẹp, được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử và ngày càng gắn kết bền chặt. Các chuyến thăm cấp cao liên tiếp giữa lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hai bên đã củng cố thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Sự tương đồng về lợi ích chiến lược và về quan điểm đối với các vấn đề quan hệ quốc tế, kể cả vấn đề an ninh hàng hải, giúp hai nước có nhiều tiếng nói chung trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Từ khi thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng, quan hệ an ninh quốc phòng phát triển nhanh chóng, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ trao đổi thông tin, đào tạo huấn luyện tiến tới cung cấp thiết bị quốc phòng. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar hồi tháng 6/2016 và chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tháng 12/2016 là hai sự kiện quan trọng đưa hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu. Trước đó, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, Ấn Độ tiếp tục cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để hiện đại hóa quốc phòng.
Mười năm trở lại đây, hợp tác kinh tế rất phát triển, rõ nhất là thương mại, với kim ngạch thương mại hai chiều từ 500 triệu USD năm 2006 lên đến 5,5 tỷ USD năm 2016. Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai bên đang phối hợp phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Hiện đầu tư giữa hai nước chưa nhiều nhưng có triển vọng rất lớn, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Ấn Độ.
Du lịch là kênh quan trọng gắn bó quan hệ thường xuyên giữa nhân dân hai nước. Vào những năm mới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ khoảng 20.000 lượt người và hiện tăng lên khoảng 70.000 lượt.
Cho đến nay, nhiều chương trình, dự án khoa học đã được triển khai, bắt đầu từ những dự án hỗ trợ giống lúa, nuôi dê, trâu… Hiện Ấn Độ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao như siêu máy tính, hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, viễn thám, sinh học, dược phẩm và năng lượng tái tạo.
Về hợp tác giáo dục – đào tạo, mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam trên 150 suất học bổng (cả trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương) để đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên, cán bộ Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân…
Quan hệ văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như trao đổi đoàn nghệ thuật, học giả, sinh viên, liên hoan phim Việt Nam, giao lưu họa sỹ hai nước, biểu diễn thời trang áo dài Việt Nam…
Vai trò cầu nối không thể tách rời
Sự phát triển tốt đẹp trong tình hữu nghị hữu nghị truyền thống và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước thời gian qua không thể không nhắc đến vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.
Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, ngay từ khi đầu thành lập là Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ năm 1956 mà Tổng Lãnh sự đầu tiên chính là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921–1998) đã góp phần to lớn thúc đẩy quan hệ Việt – Ấn. Đóng góp quan trọng đầu tiên của cơ quan đại diện ngoại giao chính là phục vụ thành công chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ vào tháng 2/1958.
Khi nâng cấp thành Đại sứ quán năm 1972, cơ quan đại diện Việt Nam tại New Delhi là cánh cửa quan trọng để nhà nước ta tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè tại Ấn Độ cũng như trên thế giới đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong những năm 1960-70 và chống bao vây cấm vận của Mỹ trong những năm 1980.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ là một trong số ít các cơ quan đại diện được vinh dự đón hầu hết các Tổng Bí thư của Đảng như đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng tới thăm Ấn Độ. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến những chuyến thăm liên tiếp tới Ấn Độ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng nước ta và gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2016).
Ngoài nhiệm vụ chính trị, Đại sứ quán đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch. Riêng trong năm 2015, Đại sứ quán đã tổ chức khoảng 10 hoạt động xúc tiến du lịch, mang lại sự thay đổi rõ rệt về số lượng khách Ấn Độ vào Việt Nam. Năm 2016, chuyển trọng tâm ngoại giao kinh tế sang đầu tư, Đại sứ quán đã góp phần đưa nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Trên mặt trận ngoại giao văn hóa, Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như đưa đoàn nghệ thuật từ Việt Nam sang biểu diễn, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống như hầu đồng; giới thiệu phim Việt Nam tại các Liên hoan phim Ấn Độ và quốc tế cũng như Liên hoan phim Việt Nam tại Ấn Độ; lồng ghép các hoạt động quảng bá như trình diễn áo dài Việt Nam vào chương trình kỷ niệm Ngày Quốc khánh, Tết Cộng đồng…; đẩy mạnh tuyên truyền về Việt Nam thông qua việc Đại sứ trả lời phỏng vấn báo chí nước sở tại, đầu tư phát triển trang web cũng như mạng xã hội của sứ quán; tổ chức các triển lãm tranh và giao lưu giữa họa sĩ hai nước, vận động họa sĩ đóng góp tranh cho Đại sứ quán…
Bên cạnh đó, Đại sứ quán luôn xác định là cầu nối thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các tổ chức Đảng, hội hữu nghị… tổ chức các sự kiện trao đổi đoàn, Liên hoan hữu nghị…
Có thể nói Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã đóng góp tích cực vào việc nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược năm 2007 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016; triển khai toàn diện các mặt công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ