Viện nghiên cứu Australia phản bác cáo buộc Trung Quốc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ”

0
311
Hành vi cho vay của Trung Quốc cho đến nay không đến mức gọi là "ngoại giao bẫy nợ", nhưng thực sự có những khía cạnh đáng lo ngại dẫn tới rủi ro rõ ràng cho một số quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Time)

Nghiên cứu mới nhất của Viện Lowy (Australia) vừa phản bác cáo buộc của các nhà nghiên cứu Đại học Harvard (Mỹ) rằng Trung Quốc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để đổi lấy sự nhượng bộ chính trị từ nước và vùng lãnh thổ đi vay nợ.

Hành vi cho vay của Trung Quốc cho đến nay không đến mức gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, nhưng thực sự có những khía cạnh đáng lo ngại dẫn tới rủi ro rõ ràng cho một số quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Time)

Theo một báo cáo mới nhất của Viện Lowy do Financial Review đăng tải, các nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn chiến lược này cho rằng không có bằng chứng về việc Trung Quốc đã tham gia vào “ngoại giao bẫy nợ” bằng cách cung cấp các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ USD cho các quốc đảo và vùng lãnh thổ với vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương để dễ dàng ảnh hưởng tới họ. Dẫu vậy, các láng giềng của Australia ở Thái Bình Dương đã phải đối mặt với nguy cơ “cấp tính đặc biệt” khi phải gánh những khoản nợ không bền vững từ Trung Quốc.

Roland Rajah, tác giả chính của báo cáo, cho hay những gì mà các nhà nghiên cứu Viện Lowy đang tranh luận mang nhiều sắc thái hơn. Hành vi cho vay của Trung Quốc cho đến nay không đến mức gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, nhưng thực sự có những khía cạnh đáng lo ngại dẫn tới rủi ro rõ ràng cho một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo của Viện Lowy cho thấy có 6 chính phủ ở khu vực Thái Bình Dương đang nợ tiền Trung Quốc, gồm các quần đảo: Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu. Trong đó, Trung Quốc đã trở thành nước cho vay lớn nhất đối với Tonga, Samoa và Vanuatu. Với việc Solomon và Kiribati gần đây chuyển đổi quan hệ ngoại giao từ vùng lãnh thổ Đài Loan sang Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Viện Lowy cho rằng danh sách vay vốn phát triển từ Trung Quốc sẽ có thêm tên của hai quốc đảo này.

Sau khi nghiên cứu mô hình (vay nợ), Viện Lowy nhận định 4 quốc đảo, gồm Vanuatu, Samoa, Tonga và Fiji đã thực sự ở ngưỡng cảnh báo. Ngoại trừ Fiji, 3 quốc đảo còn lại có khả năng bị đẩy vào tình trạng nợ không bền vững. Trong đó, Vanuatu nổi lên như một mối quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, Papua New Guinea cũng là trường hợp cần quan tâm vì sự gia tăng đáng kể về nợ vượt quá ngưỡng cảnh báo.

Đành rằng các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở khu vực Thái Bình Dương dường như nằm trong danh sách những con nợ lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới, nhưng nghiên cứu của Viện Lowy cho thấy Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất ở khu vực Thái Bình Dương.

Bất chấp việc Trung Quốc tăng cường hiện diện trong khu vực và thúc đẩy BRI, nước này mới cung cấp 37% trong tổng số các khoản vay chính thức đã được giải ngân trong giai đoạn 2011-2017, thấp hơn 4% so với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

18 tháng trước, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard đã cáo buộc Bắc Kinh thành lập quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế để tài trợ cho các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), khiến 16 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lâm vào cảnh nợ nần, nhưng đổi lại Bắc Kinh đã nhận được sự nhượng bộ chính trị.

Các cáo buộc chống lại Bắc Kinh được đưa ra khi Trung Quốc nổi lên như một nhà hỗ trợ tài chính lớn mới, qua đó một lần nữa khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành đấu trường cạnh tranh địa chính trị giữa các “ông lớn” trên thế giới.

Dẫu vậy, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước láng giềng của Australia đã thúc đẩy Canberra phải phản ứng lại bằng các sáng kiến tài trợ mới, coi đây như một phần của “bước tiến rộng hơn” ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Viện Lowy cảnh báo rằng nếu muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Thái Bình Dương, Australia cần đảo ngược tình trạng đình trệ về ngân sách viện trợ tổng thể.

Phương Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here