Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến trân trọng gửi tới Quý độc giả chia sẻ về việc toàn cầu hóa kỹ thuật số – ‘globotics’ – đang mở ra con đường mới dẫn đến thịnh vượng cho các quốc gia đang phát triển của nhà kinh tế toàn cầu chuyên về thương mại quốc tế GS. Richard Baldwin (Viện quốc tế về phát triển quản lý – IMD, Thụy Sỹ).
Cho tới nay vẫn đang có nhiều đáp án về vai trò của toàn cầu hóa trong nền kinh tế thế giới. Lấy ví dụ về mô hình phát triển kinh tế sau năm 1990 khởi nguồn cho làn sóng chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài (offshoring) và công nghiệp hóa. Thời đó, người ta cho rằng sự thịnh vượng của các quốc gia đang phát triển là nhờ kết quả của việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, các nước cần cải thiện môi trường đầu tư, luật lệ, cơ sở hạ tầng và chính sách thương mại. Chấp nhận cải cách theo “Đồng thuận Washington” – tham gia hành trình chuỗi giá trị toàn cầu được cho là tấm vé đi lên bậc thang của tăng trưởng thu nhập, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng. Kế hoạch phát triển dựa trên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hứa hẹn những hiệu ứng cấp số nhân như: nhiều đầu tư hơn sẽ tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, mang lại sự phát triển nhanh chóng hơn về công nghệ, nâng cao tay nghề của lực lượng lao động, thu hút nhiều hơn đầu tư và kinh nghiệm phát triển… Kết quả cuối cùng sẽ là mức sống được nâng cao, tình trạng bất bình đẳng giảm xuống, sự gắn kết và thịnh vượng xã hội tăng lên.
Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết. Kế hoạch phát triển theo mô hình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ có hiệu quả đối với một số ít nền kinh tế mới nổi có mối liên kết về địa lý hoặc mặt nào đó với các cường quốc sản xuất như Mỹ, Đức và Nhật Bản. Trung Quốc là ví dụ nổi bật về thành công của kế hoạch phát triển theo hướng này.
Thực tế cho thấy có 3 vấn đề của mô hình phát triển theo chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề thứ nhất là giai đoạn mở rộng sản xuất ở nước ngoài đã kết thúc (từ khoảng năm 1990 đến năm 2008). Trong giai đoạn này, những tiến bộ chưa từng có trong thông tin và công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các quy trình sản xuất phức tạp xuyên biên giới quốc tế và thu lợi nhờ nhân công giá rẻ. Vấn đề thứ hai là sự ra đời của công nghệ số (digitech) đã “tự động hóa” lao động sản xuất và do đó các nền kinh tế G7 có ít động cơ hơn để chuyển sản xuất ra nước ngoài để thu lợi từ nhân công rẻ. Vấn đề thứ ba chính là Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, kết hợp giữa trình độ công nghệ tương đối cao cùng mức lương nhân công khá thấp. Các quốc gia đang phát triển khác phải chịu thua cơ sở công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về công nghệ và giá nhân công. Vẫn còn một số ngành công nghiệp ở các nước G7 thành công trong việc sử dụng sự kết hợp giữa công nghệ cao và lương lao động cao để cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nhìn chung tỷ trọng sản lượng sản xuất toàn cầu của G7 đã giảm kể từ năm 1990.
Điều tích cực đó là sự kết hợp giữa kỹ thuật số và toàn cầu hóa (digitech and globalization – globotics) đang mở ra một con đường thịnh vượng mới cho các quốc gia đang phát triển, đó là phát triển dựa trên dịch vụ. Từ những năm 1950, học thuyết về phát triển nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hóa đối với phát triển kinh tế. Trung Quốc là ví dụ điển hình về mô hình phát triển với công nghiệp là mũi nhọn. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc dựa vào sản xuất thì sự tăng trưởng của Ấn Độ lại được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ. Đây là một mô hình tăng trưởng rất không điển hình đối với một quốc gia đang phát triển.
Con đường phát triển của Trung Quốc
Không khó hiểu vì sao các chính phủ trên toàn thế giới vẫn lấy mô hình phát triển của Trung Quốc làm khuôn mẫu. Mô hình được thực hiện trong suốt cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 ở Trung Quốc; đưa một lượng lớn nông dân đã trở thành công nhân, tiền lương tăng lên, sinh kế được cải thiện và ổn định chính trị là lẽ đương nhiên. Hàng trăm triệu người dân đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, tầng lớp trung lưu mạnh mẽ nổi lên và Trung Quốc đạt được vị thế siêu cường. Nhưng con đường phát triển của Trung Quốc, dù từ lâu là mô hình cho các quốc gia đang phát triển khác, lại khó tiếp cận cho nước nào muốn học theo. Con đường phát triển này, do đó, không phải sự thật tuyệt đối.
Cạnh tranh quốc tế chính là chìa khóa ở đây. Các quốc gia đang phát triển hiện nay rất khó để tham gia vào lĩnh vực sản xuất vì các nhà sản xuất ở Đông Á, Trung Âu và Mexico đã bỏ xa. Quả ở cành thấp, ở đây là “offshoring”, đã được hái. Hiện nay, xu hướng “rút sản xuất về nước” (reshoring) đang là chủ đạo và được đặc trưng bởi sự đơn giản hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu, cả bên trong và giữa các quốc gia. Vùng biển bão tố đang rình rập phía chân trời đối với thương mại hàng hóa. Hệ thống thương mại dựa theo luật lệ quốc tế và sự chấp thuận rộng rãi (đôi khi miễn cưỡng) đối với mô hình thương mại tự do đang bị rạn nứt. Xung đột giữa các cường quốc, tâm lý dân túy và quan ngại về biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các nhà điều hành, cơ quan thuế và nắm giữ ngân sách quốc gia phải hành động. Vùng biển ngày càng trở nên sóng gió đối với đầu tư quốc tế, khiến cả những thủy thủ dũng cảm một thời phải níu lấy bến bờ quen thuộc.
Mô hình Ấn Độ
Khi mà công nghệ số đang làm cho mô hình phát triển của Trung Quốc trở nên lỗi thời thì điều này lại mở ra một con đường phát triển khác. Đó là làm cho lao động từ xa trở nên bớt xa cách hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông đã liên tục cải tiến các nền tảng cộng tác trên internet để phục vụ thương mại dịch vụ quốc tế. Điều này tương tự như tác động của eBay và Alibaba đối với thương mại ngành hàng hóa quốc tế.
Trong khi đó nhân công giá rẻ vẫn là một yếu tố quan trọng. Các nhà cung cấp dịch vụ ở bên kia thế giới có khả năng duyệt, tương tác, giao nhiệm vụ, quản lý từ xa và thanh toán an toàn cho lực lượng nhân công với mức chi phí sinh hoạt rất thấp chỉ 5 đô-la/giờ (nhưng đã là mức sống của tầng lớp trung lưu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới). Điều này tạo ra sự thay đổi đáng kể giữa các công ty và ngay cả bên trong các công ty khi họ cắt giảm chi phí bằng cách mua dịch vụ ở nước ngoài hoặc thuê ngoài hoặc chuyển quy trình kinh doanh nội bộ ra nước ngoài. Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất được hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy nhiên Ấn Độ thành công nhờ quy mô cung cấp dịch vụ toàn cầu của mình trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kế toán và các đặc điểm nổi bật khác như sở hữu cơ sở hạ tầng đô thị mạnh mẽ, giáo dục đại học bậc cao, kỹ năng tiếng Anh tốt và không có rào cản “bức tường lửa” như của Trung Quốc (the Great Firewall of China)…
Vai trò của chính sách
Có lẽ điều thú vị về sự trỗi dậy nhanh chóng của Ấn Độ với tư cách là một nước xuất khẩu dịch vụ là điều này đã xảy ra trong bối cảnh các chính sách phát triển được tập trung vào hướng khác, nếu không muốn nói là trái ngược với chính sách của Chính phủ. Chiến lược phát triển của Ấn Độ dựa trên các nguyên tắc cổ điển từ những năm 1950, bao gồm sự can thiệp đáng kể của Nhà nước cùng với cơ chế chống thương mại rõ ràng khi nước này tìm cách thúc đẩy sự phát triển thông qua công nghiệp hóa nhanh chóng.
Vào những năm 1980, ngoài việc Ấn Độ đã tự do hóa (dù chỉ một phần) và tăng cường mở cửa đối với đầu tư và thương mại bên ngoài, tốc độ tăng trưởng của nước này đã tăng tốc đáng kể, trở thành một trong những câu chuyện thành công của thế kỷ 21. Thoạt nhìn, điều này có vẻ minh chứng thành công cho chiến lược công nghiệp hóa, nhưng thực tế không phải vậy. Những hạn chế về chính sách, thiếu khả năng tiếp cận vốn, cơ sở hạ tầng giao thông kém và khoảng cách đến các trung tâm sản xuất toàn cầu ở Mỹ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc… đã làm giảm cạnh tranh nước ngoài và đổi mới sản xuất trong nước. Chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy sự phát triển công nghiệp kể từ những năm 1980 chỉ chạy xung quanh Ấn Độ chứ không đi qua Ấn Độ.
Thực tế là chính ngành dịch vụ đã dẫn đường khi gần như không phải chịu ảnh hưởng bởi những hạn chế trong ngành sản xuất. Vào đầu những năm 2000, Ấn Độ đã nổi lên như một địa điểm đắc địa được các nền kinh tế tiên tiến lựa chọn để thuê dịch vụ cho ngành công nghệ thông tin và các công việc dựa trên tri thức rồi dần trở thành chủ nhà của các tổng đài (call centers) cũng như nhiều hoạt động, quy trình khác đòi hỏi sử dụng nhiều lao động.
Những vấn đề kể trên gây khó đối với các nhà hoạch định chính sách. Mô hình phát triển của Trung Quốc đang ngày càng thiếu khả thi nhưng mô hình của Ấn Độ lại rất khó nhân rộng vì sự phát triển gần như tình cờ. Tuy nhiên, có những bài học được rút ra từ kinh nghiệm của Ấn Độ cũng như của các quốc gia khác như Philippines là nước đang tận dụng thành công làn sóng toàn cầu hóa kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ.
Đầu tiên là vai trò nổi bật của giáo dục. Sự dư thừa kỹ sư và công nhân công nghệ Ấn Độ dù là tình cờ nhưng đã tạo nên ưu thế vượt trội của Ấn Độ trong lĩnh vực gia công công nghệ thông tin; và càng được thúc đẩy bởi sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đại học của Ấn Độ.
Không giống như Ấn Độ nhưng Philippines cũng cho thấy những bài học tiềm năng bởi sự nổi lên của nước này như một trung tâm xuất khẩu dịch vụ một phần được thúc đẩy bởi chiến lược có chủ ý của Chính phủ. Chiến lược này được Chính phủ Philippines xây dựng dựa trên nền văn hóa dịch vụ khách hàng mạnh mẽ của Philippines bằng cách cung cấp các ưu đãi về thuế và thành lập các đặc khu kinh tế để khuyến khích phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ. Chính phủ cũng xác định các rào cản chính sách đối với việc nâng cao chuỗi giá trị dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ và giải quyết chúng thông qua luật lệ đặc thù. Điều rút ra được ở đây đó là điểm khác biệt chính giữa các trung tâm xuất khẩu dịch vụ trong tương lai sẽ là các khuôn khổ để giúp khách hàng yên tâm về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Giống như lý thuyết phát triển tập trung vào công nghiệp hóa trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, hệ thống thương mại dựa trên luật lệ quốc tế tập trung vào thương mại hàng hóa và phần lớn không chú trọng đến thương mại dịch vụ. Ở một chừng mực nào đó, thương mại dịch vụ được hưởng lợi từ sự lơ là nhẹ nhàng này. Có thể nói, cho đến nay các quy định quốc tế đóng vai trò không mấy quan trọng trong sự tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ theo định hướng toàn cầu hóa. Vậy làm thế nào để hệ thống thương mại dựa trên luật lệ quốc tế và chính sách thương mại nói chung có thể giúp tạo ra sức mạnh (hoặc ít nhất là không cản trở) đối với sự phát triển được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa kỹ thuật số?
Kịch bản 1: Đứng sang một bên
Nếu con đường phát triển dựa trên dịch vụ được thúc đẩy bởi các yếu tố độc lập với các quy tắc thương mại quốc tế và không có các biện pháp bảo vệ mới đáng kể, thì có lẽ điều tốt nhất mà hệ thống đa phương có thể làm là không làm gì. Sự giám sát chặt chẽ hơn từ các chính phủ, ngay cả khi cố gắng tạo ra các quy tắc hỗ trợ, có thể gây hại nhiều hơn có lợi.
Kịch bản 2: Xây đê trước lũ
Sự chuyển dịch sang xuất khẩu dịch vụ được hỗ trợ bằng kỹ thuật số cho đến nay đã diễn ra ở các dịch vụ trung gian được quản lý lỏng lẻo hoặc các lĩnh vực được tự do hóa. Nhưng không có gì bảo đảm rằng các dịch vụ này sẽ vẫn nằm ngoài kiểm soát nếu các quốc gia G7 phản ứng cảm tính khi thấy việc làm bắt đầu chuyển ra nước ngoài. Những quy định hạn chế về luồng dữ liệu, quyền riêng tư, thuê lao động làm việc tự do và các biện pháp khác có thể khiến việc việc thuê dịch vụ ở nước ngoài gặp khó khăn, làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Lịch sử đã nhiều lần chỉ ra rằng không có gì bảo đảm các chính phủ sẽ không dùng đến các biện pháp bảo hộ dù các biện pháp này về tổng thể là gây hại hoặc vô ích.
Thử nhìn lạc quan về khả năng hệ thống thương mại dựa trên quy tắc đạt được sự đồng thuận (đa phương hoặc giữa một nhóm thành viên chiếm ưu thế) về xu thế phát triển do ngành dịch vụ dẫn đầu và đồng thời thử nhìn bi quan về phản ứng tiềm tàng của các chính phủ đối với vấn đề này, có thể sẽ cần tiến hành đàm phán các quy tắc mới ngay lập tức trước khi hình thành luồng quan điểm ủng hộ hạn chế.
Kịch bản 3: Hệ thống, không phải quy tắc
Có lẽ kịch bản thực tế nhất là việc thu gặt được thành quả từ mô hình phát triển do xuất khẩu dịch vụ dẫn đầu sẽ nhận được sự trợ giúp nào đó từ hệ thống thương mại quốc tế. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là hạt nhân và còn có thể đóng vai trò lớn hơn theo nhiều cách khác nhau không chỉ dừng ở việc xây dựng quy tắc. Quá trình chuyển đổi dịch vụ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ trong nước và hệ thống WTO có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nêu bật các nhu cầu, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khuyến khích sự phối hợp ở tầm khu vực. Không thể tránh khỏi những tranh cãi và bất đồng nảy sinh giữa các đối tác thương mại khi các nhà quản lý và lập pháp phải xử lý một lĩnh vực mới. WTO có thể giúp xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột leo thang.
Dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong thương mại quốc tế. Điều này sẽ tác động đến mọi thứ, từ bản chất của chủ nghĩa bảo hộ đến tình trạng dịch chuyển việc làm ở các quốc gia giàu có và hành trình phát triển mới ở các thị trường mới nổi. Những lĩnh vực dịch vụ thuộc lĩnh vực ít gây ô nhiễm nhất nên lại càng có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề khí thải carbon. Giống như các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm câu trả lời để có thể đóng góp và hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, cộng đồng nghiên cứu về phát triển quốc tế cũng sẽ cần thêm hướng dẫn. Chúng ta có thể hy vọng vào sự chèo lái và dẫn dắt của WTO./.