Vì sao Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không dễ thay đổi chính sách tiền tệ?

0
56
Reuters
Reuters

Tuần vừa rồi, thị trường tài chính toàn cầu xôn xao khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phát tín hiệu có thể sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm. Việc giới đầu tư kỳ vọng sắp có một sự dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ ở Nhật Bản đã đưa tỷ giá đồng yên tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo còn quá sớm để cho rằng BOJ sắp có bất kỳ một động thái thắt chặt rõ ràng nào, nhất là trong cuộc họp vào tháng 12 này. Cơ sở của cảnh báo này là số liệu thống kê cập nhật mới đây cho thấy nền kinh tế Nhật Bản trong quý 3 vừa qua sụt giảm mạnh hơn so với dữ liệu công bố lần đầu.

Vào hôm thứ Năm, tỷ giá đồng yên Nhật tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng, với 141,6 yên đổi 1 USD, sau khi Thống đốc BOJ Kzuo Ueda nói “một năm thậm chí còn khó khăn hơn” đang đón đợi phía trước.

Phiên ngày thứ Sáu, đồng yên giảm giá trở lại mốc 143 yên/USD. Sáng nay (11/12), đồng tiền của Nhật Bản tiếp tục mất giá so với USD, về mốc 145,62 yên đổi 1 USD. Trung tuần tháng 11, đồng yên giảm xuống mức gần 152 yên đổi 1 USD, sát mốc thấp nhất hơn 3 thập kỷ thiết lập vào năm ngoái.

Phát biểu vào hôm thứ Năm của ông Ueda, được đưa ra trước một cuộc gặp giữa vị Thống đốc với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, khiến khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ vào ngày 19/12 lên 35% – theo đánh giá của ngân hàng Societe Generale.

Trước đó, giới đầu tư đã kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ mức âm 0,1% hiện nay tại một thời điểm nào trong trong mùa xuân tới, trên cơ sở lạm phát tăng và tín hiệu tiếp tục tăng tiền lương từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật đã vượt mục tiêu 2% của BOJ kể từ tháng 4/2022 đến nay.

Tháng 10 vừa qua, BOJ cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm tăng vượt 1% – một bước đi tiến tới kết thúc chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vốn đã áp dụng suốt 7 năm qua nhằm ghìm lãi suất dài hạn ở mức thấp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng BOJ đối mặt với những trở ngại ngày càng lớn để có thể xoay trục chính sách tiền tệ khỏi trạng thái siêu lỏng lẻo hiện nay, xét tới việc đồng yên Nhật gần đây mạnh lên, tăng trưởng kinh tế Nhật yếu đi, và sự đặt cược ngày càng lớn trên thị trường tài chính vào một sự giảm bớt cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm với tốc độ hàng năm 2,9% trong quý 3 vừa qua, so với mức giảm 2,1% đưa ra trong lần công bố sơ bộ.

Nếu so với quý trước, GDP quý 3 của Nhật Bản giảm 0,7%, phản ánh một nền kinh tế đang chật vật vì tiêu dùng của các hộ gia đình còn yếu. Xu hướng phục hồi gần đây của đồng yên Nhật cũng gây áp lực lên lĩnh vưc xuất khẩu của nước này vì khiến cho hàng hoá Nhật trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài.

Nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản Masamichi Adachi của UBS Securities, nói rằng BOJ có thể sẽ tiếp tục thận trọng vì sự sụt giảm của nền kinh tế Nhật Bản, cũng như những khó lường về nền kinh tế Mỹ và khả năng Fed cắt giảm lãi suất.

“Nhà đầu tư đã chộp lấy những phát biểu của ông Ueda bởi họ vốn dĩ muốn có sự biến động và một chất xúc tác để khiến thị trường dịch chuyển. Trước đó, họ đã kỳ vọng đồng yên tăng giá và đồng USD giảm giá rồi. Nhưng nếu nhìn vào các điều kiện kinh tế vĩ mô, có thể thấy là BOJ gần như không thể tăng lãi suất trong tháng 12”, ông Adachi nhận định.

Nhà kinh tế Katsuhiko Aiba của Citigroup cho rằng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tê hiện nay trong các cuộc họp tháng 12 và tháng 1. “Chúng tôi tin rằng việc chất dứt lãi suất âm sẽ dựa trên các yếu tố nền tảng về kinh tế và giá cả. Dữ liệu GDP mới nhất không mang lại một lý do gì, xét trên phương diện các yếu tố nền tảng, cho việc tăng lãi suất”, ông Aiba nhận định trong một báo cáo.

(Bình Minh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here