Vì nước Pháp, Con đường tơ lụa mới: Một nhãn hàng kinh tế đơn thuần hay một trật tự thế giới mới?

0
105

Năm 2000, một chuyến giao vận hậu cần từ Pháp sang Trung Quốc mất 3 tháng. Ngày 21/6/2016, đoàn tầu hoả đầu tiên từ Vũ Hán tới Lyon chỉ mất 15 ngày với tổng chiều dài hành trình 11000km. Tuy nhiên, có tới 80% các chuyến tàu rời Pháp mà không có hàng hoá. Trong giữa khoảng thời gian này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến “những con đường tơ lụa mới” nhằm phát triển hạ tầng kết nối Trung Quốc với châu Âu và Đông Phi. Hai trục chính tạo thành những con đường tơ lụa mới: trên đất liền bắt đầu từ Trung Quốc đi qua Pakistan, Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Caucasus, Trung Á, Nga, và châu Âu; trên biển kết nối Trung Quốc với châu Phi, Nam Mỹ và cả Bắc cực.

Dự án của Trung Quốc sẽ bao trùm tới 70% dân số toàn cầu, 75% nguồn năng lượng thế giới và 55% GDP. Số tiền mà Trung Quốc đã bỏ ra cho dự án này vào khoảng 800-900 tỷ đô-la và sẽ lên đến từ 5.000-8.000 tỷ trong vòng 5 năm tới. Nhu cầu về vốn cho tất cả các dự án có liên quan đến hai con đường tơ lụa mới này sẽ lên đến hàng nhiều ngàn tỷ đô-la mỗi năm.

Chiến lược con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có sự hỗ trợ về ngoại giao và của quyền lực mềm của Bắc Kinh. Chiến lược này dựa trên 5 trụ cột: (1) làm sâu sắc sự phối hợp các chính sách công về phát triển; (2) xây dựng và thúc đẩy kết nối hạ tầng phát triển (3) thúc đẩy thương mại quốc tế; (4) thúc đẩy tự do hoá lưu thông về vốn cho phép đầu tư vào các con đường tơ lụa và (5) phát triển sự “hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Thoạt nhìn thì đây có thể đơn giản là một tên gọi mỹ miều dành cho các dự án về kinh tế nhưng nó cũng thể hiện tham vọng của Trung Quốc về một trật tự thế giới mới.

Không đơn thuần là một mạng lưới về hạ tầng, xương sống của tăng trưởng thế giới, những con đường tơ lụa mới này tổ hợp thành công cụ của chiến lược phát triển nội địa và quốc tế, đảm bảo sự ổn định cho Bắc Kinh và Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trước hết chiến lược đòi hỏi một chương trình tái quy hoạch và tái cân bằng lãnh thổ, kiềm toả những nguy cơ ly khai ở Tân Cương và tạo ta những thị trường mới cho nền kinh tế Trung Quốc đang ở tình trạng sản xuất dư thừa. Dự án cũng nhằm làm ổn định các đường biên giới, môi trường khu vực và các nguồn cung cho Trung Quốc , nhất là mở ra cho nước này phương án thay thế con đường đi qua eo biển Malacca, nơi mà hầu hết nguồn cung dầu lửa cho Trung Quốc hiện nay buộc phải đi qua.

Dự án này thực sự là một đề xuất thay thế cho hệ thống thế giới kế thừa từ các hiệp định Bretton Woods. Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á được xem là công cụ tài chính cho phép Trung Quốc vượt ra khỏi hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm. Chiến lược hình thành thị trường nội địa nhằm đàm phán các hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn bằng đồng NDT và có thể chuyển đổi sang vàng trên thị trường Thượng Hải và Hong Kong có thể sẽ là bước đi mang tính quyết định trong lĩnh vực này. Với dự trữ dồi dào nhờ vào thặng dư thương mại, Trung Quốc hiện này hoàn toàn có khả năng về tài chính để hiện thực hoá các mục tiêu của dự án.

Dự án này có thể có lợi cho tất cả các bên nếu như nó được triển khai theo cả hai chiều như tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron tại Trung Quốc đầu năm nay. Báo cáo khẳng định tính cấp thiết của việc tạo các điều kiện cho sự cân bằng thoả đáng trong quan hệ giữa Pháp với Trung Quốc . Cần phải thiết lập ra các cơ sở của một quan hệ đối tác thương mại dựa trên tính có đi có lại trong mở cửa thị trường, tôn trọng cạnh tranh, minh bạch và sở hữu trí tuệ… Báo cáo đề xuất các khuyến nghị dựa trên việc đánh giá các tác động trên ba khía cạnh: địa chính trị, kinh tế và môi trường.  

Ở góc độ địa chính trị, báo cáo khuyến nghị: (1) Pháp đóng vai trò dẫn đầu trong dự án con đường tơ lụa. Pháp phải là lực đẩy trong quan hệ song phương với Trung Quốc nhằm can dự một cách chính thức vào trong tiến trình theo những phương thức phù hợp với các mục tiêu về nguyên tắc có đi có lại và tôn trọng các cam kết quốc tế. Trong chủ đề này, Pháp phải đống vai trò dẫn dắt trong phát triển quan hệ giữa EU và Trung Quốc; (2) Cân nhắc một cách chín chắn, nhưng không gay gắt rằng Trung Quốc với tiềm lực hiện có về kinh tế và quân sự cần phải được kêu gọi thực thi một chính sách quyền lực và rằng chiến lược các con đường tơ lụa là một phần của chính sách quyền lực này; (3) Thúc đẩy thông điệp chung của Cộng đồng được nêu tại Hội nghị tại Bắc Kinh tháng 5/2017. Một lập trường và hành động phối hợp của EU sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Ủng hộ việc thông qua chiến lược cộng đồng kết nối Á-Âu; (4) Chuẩn bị cho việc phối hợp lập trường và hành động giữa các nước EU nhân Hội nghị thượng đỉnh “EU+1” và “Format 16+1” năm 2018 với Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng sự gắn kết của cộng đồng không bị làm tổn hại và tất cả các nước thành viên có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung trong tất cả các công thức làm việc với Trung Quốc; (5) Nước Pháp trong khuôn khổ chính sách đối ngoại sáng tạo và cân bằng cần có quan hệ mật thiết với mỗi cường quốc bao quanh khu vực Indo-Pacific. Pháp không được xem nhẹ cả sáng kiến về hành lang tăng trưởng Á-Phi do Ấn Độ và Nhật Bản khởi xướng lẫn công thức QUAD bao gồm Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Ở góc độ kinh tế, báo cáo khuyến nghị: (1) Phân tích đầy đủ những nguy cơ về kinh tế đến từ việc tham gia vào các dự án con đường tơ lụa trong khi nhận thức rõ ràng rằng không phải tất cả các mục tiêu của Trung Quốc đều đơn thuần là kinh tế; (2) Thúc đẩy Trung Quốc thông qua hợp tác, nhất là ở các nước thứ ba, đề ra các phương thức làm việc nhằm tính đến lợi ích của cư dân địa phương và phù hợp với hệ thống phát luật địa phương. Khuyến khích các dự án tính đến khía cạnh môi trường. Tạo thuận lợi cho việc Trung Quốc gia nhập vào Câu lạc bộ Paris nhằm hài hoà hoá các điều kiện vay nợ của Trung Quốc với các chuẩn mực được chấp nhận trong khuôn khổ OECD. (3) Thúc đẩy khả năng kết nối giữa hệ thống đường sắt các nước EU, tuyến đường cao tốc Lyon-Turin, hiện đại hoá các cảng biển… Phát triển năng lực tình báo kinh tế nhằm tìm hiểu các dự án xâm nhập của các tập đoàn Trung Quốc trong khuôn khổ con đường tơ lụa; (4) Tạo thuận lợi cho việc xâm nhập thị trường Trung Quốc của các công ty Pháp. Quán triệt tốt hơn cho các chính quyền địa phương trong việc bảo vệ đầu tư chiến lược và nhạy cảm; (5) Ủng hộ EU nhằm đạt được một thoả thuận tổng thể về đầu tư, nguyên tắc có đi có lại trong mở cửa thị trường Trung Quốc , bảo vệ sở hữu trí tuệ và một thoả thuận về chỉ dẫn địa lý.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here