Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, chính quyền bang Quebec, Ngân hàng Quốc gia Canada và Phòng Thương mại và Công nghiệp Canada tổ chức Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Canada ngày 8/6/2018 tại Quebec với sự tham dự của nhiều đại biểu doanh nghiệp hai nước.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các đồng chí thành viên đoàn chính thức. Về phía Canada có Ông Resgis Labeaume, Thị trưởng thành phố Quebec, Bang Quebec, Canada, ÔngVincent Joli-Coeur, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada và Ông Carl Viel, Giám đốc Cơ quan các vấn đề Quốc tế bang Quebec.
Chia sẻ định hướng phát triển của Việt Nam
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp hàng đầu hai nước tham dự Tọa đàm, đồng thời chia sẻ một số định hướng lớn về phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Thủ tướng cho rằng những năm qua nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu như kinh tế tăng trưởng nhanh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô…. Kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt nhiều “kỷ lục”. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm, GDP đạt 240 tỷ USD, quy mô thương mại đạt 425 tỷ USD, thu hút FDI khoảng 37 tỷ USD. Việt Nam dần trở thành thị trường có sức mua lớn với thu nhập bình quân của 93 triệu dân đạt khoảng 2.400 USD (tính theo ngang giá sức mua là 6.800 USD). Quý I/2018, GDP của Việt Nam tăng 7,38%, cao nhất từ năm 2008. Ngân hàng ADB, WB vừa qua nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,5 – 7,1%.
Thủ tướng cũng cho biết năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh được cải thiện căn bản. Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Eurocham, Jetro, Amcham, Cancham, Kocham… đều coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong ASEAN. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 68/190 quốc gia (tăng 30 bậc so với 2012); theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh Việt Nam đứng thứ 55/137 nước. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) Việt Nam 47/127 quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 325 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ 127 quốc gia, đối tác. Trong đó, có rất nhiều các Tập đoàn lớn xuyên quốc gia đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng 5/2018, hãng Moody`s nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên triển vọng tích cực B1. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ BB- lên BB.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã vinh dự được là quốc gia khách mời dự họp tại G7 mở rộng tháng 5/2016, G20 mở rộng tháng 7/2017 và G7 mở rộng lần này tại Canada. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam đang triển khai 11 Hiệp định FTA song phương và đa phương. Tháng 03/2018, Canada và Việt Nam đã tham gia ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định CPTPP, tạo nên một khối kinh tế tự do của 11 quốc gia có quy mô 13% GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA với EU đã hoàn tất rà soát pháp lý và chuẩn bị cho ký chính thức và phê chuẩn cuối năm 2018.
Hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Thủ tướng cho biết Việt Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm trong giai đoạn 2016-2020; quy mô thương mại khoảng 600 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới – sáng tạo; chủ động tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền kinh tế số; kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới các tiêu chuẩn cao của OECD, đồng thời thực thi nghiêm túc các cam kết về bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo…
Đối với tiến trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, cổ phần hóa các tập đoàn DNNN, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đang được Chính phủ đẩy mạnh trên các lĩnh vực: hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông,… Tiến trình này là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, tham gia mua cổ phần trở thành đối tác/cổ đông chiến lược, đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ cao, phát triển thanh toán điện tử, chứng khoán, bảo hiểm, thành lập các quỹ đầu tư, công ty ủy thác, quản lý tài sản… Đồng thời, Việt Nam hoan nghênh các dự án đầu tư FDI phát triển hạ tầng, logistics, công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ chất lượng cao,….
Đại diện chính quyền Bang Quebec và Ngân hàng Quốc gia Canada cũng cho rằng quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cùng tạo nên một khối kinh tế tự do thế hệ mới
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quan hệ Việt Nam – Canada đang đứng trước những vận hội, thời cơ mới khi hai nước đã nâng cấp lên thành Quan hệ toàn diện (2017). Đồng thời, Việt Nam và Canada là hai thành viên tích cực thúc đẩy việc ký Hiệp định CPTPP, tạo nên một khối kinh tế tự do thế hệ mới của 11 quốc gia có quy mô 13% GDP toàn cầu, khẳng định quá trình hợp tác kinh tế vẫn là xu thế vận động chủ đạo trong không gian chính trị – kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cùng với các yếu tố thuận lợi như vị trí địa kinh tế, lực lượng lao động dồi dào, thị trường rộng lớn, được kết nối với khu vực ASEAN đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua 11 Hiệp định thương mại tự do FTA, kinh tế phát triển năng động, nỗ lực của Chính phủ đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh liên tục được cải thiện… Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đều lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Đối với Canada, mặc dù quan hệ chính trị giữa hai nước hết sức tốt đẹp (vừa qua đã nâng quan hệ lên đối tác toàn diện), nhưng quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại hai chiều còn khiêm tốn và dưới tiềm năng. Điều này càng làm cho hai bên phải cùng nhau suy nghĩ cần phải làm gì; hợp tác với nhau như thế nào, để tận dụng được các cơ hội của sự phục hồi kinh tế thương mại toàn cầu, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy được tiềm năng thế mạnh của mỗi bên.
Việt Nam tin tưởng và mong muốn các doanh nghiệp Canada đầu tư vào các lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, dịch vụ du lịch, bất động sản, năng lượng, y tế giáo dục, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin…; thông qua các hình thức như M&A, tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoặc hình thức Hợp tác Công – Tư (PPP). Ngoài ra, Việt Nam hiện đang xây dựng ba đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội cạnh tranh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Canada.
Trước phiên kết nối doanh nghiệp, Trưởng đại diện Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam cũng đã có bài trình bày đánh giá tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, theo đó những điểm mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể kể đến: vị trí địa lý chiến lược, kinh tế- chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và thị trường tiêu dùng ngày càng lớn, chi phí nhân công cạnh tranh, ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế mở với rất nhiều FTAs được ký kết, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Đại diện Cancham cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Canada nói riêng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp hai nước đã có phiên kết nối doanh nghiệp với nhiều cuộc tiếp xúc giữa các Tập đoàn lớn tạo tiền đề quan trọng cho các hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Canada.
Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Canada sẽ đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới, thực chất, hiệu quả hơn nữa, mang lại sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước./.