Vấn đề huy động vốn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Đông Nam Á

0
66
(minh họa)
(minh họa)

Theo Báo cáo Khảo sát Triển vọng Khí hậu Đông Nam Á 2023, đa số người dân khu vực có nhận thức tích cực về quá trình chuyển đổi năng lượng để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các quốc gia đang dẫn đầu về sản xuất năng lượng tái tạo như Việt Nam, hoặc tại các quốc gia đang phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu như Indonesia. Quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững có tiềm năng thúc đẩy GDP của khu vực tăng thêm 3,4% và phúc lợi xã hội tăng 10,9% trong giai đoạn 2021-2050. Đây là những lý do người dân tại nhiều nước, bao gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan ủng hộ mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và giảm dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để phát triển cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững.

Theo ADB, đến năm 2030 khu vực Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỷ USD/năm vào cơ sở hạ tầng khí hậu, bao gồm chi phí cho quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp theo hướng giảm phát thải, đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo vệ rừng, áp dụng các biện pháp sử dụng đất bền vững, tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, phát triển các giống cây trồng chịu hạn và xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai.

Nguồn vốn đầu tư cho khí hậu và các hoạt động phát triển bền vững ước chiếm khoảng 4-5% GDP của Đông Nam Á và các nền kinh tế mới nổi. Khoảng 2/3 lượng tài chính này sẽ được huy động trong nước và 1/3 từ các nguồn vốn quốc tế. Trong tổng số vốn huy động từ quốc tế, khoảng một nửa đến từ nguồn vốn vay tư nhân và các dự án đầu tư, còn lại từ các nguồn tài chính công, chủ yếu là các ngân hàng phát triển đa phương.

Các kênh huy động vốn cho phát triển bền vững tại Đông Nam Á

Với nhu cầu vốn nêu trên, các nước Đông Nam Á cần có biện pháp huy động các nguồn lực khác nhau để thực hiện các mục tiêu về khí hậu, bao gồm tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, hạn chế sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; đổi mới chính sách, quy định để quản lý tài chính khí hậu; khuyến khích tài chính từ trái phiếu xanh, thị trường carbon, khu vực tư nhân và tài chính cơ sở.

Nhằm khai thác tiềm năng của thị trường tài chính xanh, các nước Đông Nam Á được khuyến nghị sớm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bao gồm các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu xanh từ phía Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp. Hiện các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đang từng bước xây dựng khuôn khổ pháp luật để thu hút đầu tư xanh. Thị trường carbon được đánh giá là nguồn tài chính đầy tiềm năng cho Đông Nam Á khi các nước sẽ tiến đến việc ban hành các hạn chế về phát thải và áp thuế carbon. Bên cạnh đó, tính minh bạch trong lĩnh vực tài chính xanh, nhận thức xã hội về trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính xanh khác cũng cần tiếp tục được cải thiện.

Indonesia thời gian qua đã có một số biện pháp nhằm đẩy mạnh tận dụng tiềm năng của tài chính xanh. Các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên kết với Chính phủ Indonesia được trao quyền phát hành trái phiếu xanh để thu hút thêm vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh được chính phủ tài trợ. Các ngân hàng quốc tế có thể thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh ở Indonesia và các quốc gia khác bằng cách cung cấp bảo lãnh chống thất thoát vốn.

Các nước Đông Nam Á cũng cần phát huy vai trò của nguồn tài chính cơ sở, các sáng kiến ​​dựa vào cộng đồng, huy động vốn từ cộng đồng và phát hành trái phiếu xanh từ Trung ương đến địa phương. Theo Frank Lysy, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, tính khả dụng của công nghệ và khung pháp lý điều chỉnh tài chính xanh cần được coi trọng hơn hết. ADB ước tính nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân cho biến đổi khí hậu năm 2022 đã lên tới gần 17 tỷ USD.

Việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên theo hướng bảo tồn, khai thác một cách bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên hoặc bị biến đổi sẽ làm thay đổi bản chất và phạm vi của tài chính khí hậu. Ví dụ, một số nước đã huy động vốn để thiết lập các khu bảo tồn dọc theo Đường bay Đông Á – Australia, một trong những tuyến di cư quan trọng của nhiều loài chim trên thế giới, trên cơ sở sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường và khí hậu. Philippines cũng đang nghiên cứu áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường để giảm thiểu rủi ro lũ lụt ở 6 lưu vực sông của nước này.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ xanh

Cùng với huy động nguồn vốn trong nước, nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh thu hút vốn từ bên ngoài trong các lĩnh vực kinh tế xanh. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc… đóng vai trò là nguồn cung cấp vốn đầu tư lớn cho các nước trong khu vực. Các nước Đông Nam Á hiện dành ưu tiên cho 4 lĩnh vực kinh tế xanh, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh, nền kinh tế kỹ thuật số, tài chính bền vững và du lịch. Bên cạnh đó, là khu vực có lượng dự trữ dồi dào các khoáng sản thiết yếu như đồng, niken, bauxite… thị trường công nghệ “sạch” tại khu vực đang bùng nổ.

Thời gian qua, Trung Quốc nổi lên là nước dẫn đầu đầu tư vào công nghệ xanh tại thị trường Đông Nam Á. Công ty sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc, một trong những nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất ở Đông Nam Á, hiện đang xây dựng một nhà máy xe điện ở tỉnh Rayong ở Thái Lan, nơi BYD chiếm khoảng 30% doanh số bán xe điện. Tại Malaysia, công ty Sime Darby Motors, thuộc Tập đoàn thương mại nhà nước Malaysia Sime Darby làm đại diện cho BYD, vừa công bố khoản đầu tư 106 triệu USD để mở các phòng trưng bày BYD trên toàn quốc. BYD đã có kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam và đang tiến hành đàm phán với Indonesia về các dự án tiềm năng khác.

Các công ty xe điện khác của Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào khu vực, bao gồm Changan Automobile (Trùng Khánh) đầu tư 9,8 tỷ baht (279 triệu USD) vào nhà máy sản xuất xe điện ở Thái Lan, tập đoàn SAIC (Thượng Hải) và Great Wall Motor (Hà Bắc) cũng có kế hoạch sản xuất tại Thái Lan. Công ty Wuling Motors (Liễu Châu) đang dẫn đầu doanh số bán xe điện ở Indonesia với mẫu hatchback Air EV sau khi mở nhà máy lắp ráp gần Jakarta vào năm 2022. Great Wall Motors và Chery (An Huy) đã thâm nhập thị trường Malaysia, trong khi Geely (Hàng Châu) dự kiến đầu tư 10 tỷ USD vào Thung lũng công nghệ cao Malaysia.

Lợi thế của Đông Nam Á đối với các nguyên liệu và khoáng sản quý hiếm đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc. Hãng sản xuất pin CATL của Trung Quốc sẽ đầu tư 5,97 tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng pin lithium-ion hoàn chỉnh ở Indonesia, bao gồm các công đoạn từ khai thác mỏ đến sản xuất pin và tái chế. Trừ lượng niken dồi dào của Indonesia, thành phần quan trọng trong pin xe điện, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đưa Indonesia trở thành một trong những quốc gia cung cấp pin lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc bao gồm CNGR Advanced Material, Huayou Cobalt và Lygend Mining, đã xây dựng các nhà máy luyện kim ở miền đông Indonesia để chế biến quặng niken thành nguyên liệu sản xuất pin xe điện. Bên cạnh đó, Malaysia cũng nổi lên là thị trường đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất pin xe điện Trung Quốc. EVE Energy sẽ đầu tư 422,3 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất pin hình trụ ở bang Kedah, Malaysia và bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2025. Senior Technology Material sẽ đầu tư 685,9 triệu USD để xây dựng nhà máy tách pin lithium-ion ở bang Kedah, Malaysia.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang quan tâm đến khả năng tiếp cận nguồn đất hiếm tại Đông Nam Á. Đất hiếm là nguyên tố rất cần thiết trong công nghệ carbon thấp và nhiều công nghệ quan trọng khác. Trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác của Malaysia ước tính trị giá khoảng 800 tỷ ringgit, trong khi hoạt động khai thác đất hiếm của Malaysia vẫn đang ở bước đầu. Tại Myanmar, một trong số các nước sản xuất đất hiếm lớn, các doanh nghiệp Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án khai thác mỏ.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, bao gồm JinkoSolar và Trina Solar, đang đầu tư và hợp tác với các công ty Malaysia để xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời ở Malaysia và trên đảo Borneo. JinkoSolar cũng đã hiện diện tại Việt Nam cùng với Boway Alloy, Vina Solar Technology và JA Solar. Công ty Suntech của Trung Quốc đã ký thỏa thuận khung với một số đối tác của Indonesia trong tháng 8/2023 nhằm thiết lập dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng tại nước này. Công ty sản xuất tuabin gió hàng đầu Trung Quốc Goldwind đã triển khai dự án tại Thái Lan và Việt Nam.

Tại Philippines, sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu 100% cổ phần tại các doanh nghiệp năng lượng tái tạo, các công ty năng lượng Trung Quốc đã cam kết đầu tư 760 tỷ peso Philippine (13,35 tỷ USD) vào ngành năng lượng tái tạo của nước này. Các công ty này bao gồm Tập đoàn Năng lượng Quốc tế Trung Quốc, Tập đoàn Phát triển Quốc tế Điện lực Trung Quốc, Công ty Điện lực SPIC Quảng Tây, Cơ khí Máy móc Trung Quốc, Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Huadian Trung Quốc, Thiên Anh Trung Quốc, Công nghiệp nặng Dajin và Năng lượng Thông minh Mingyang.

Nguồn vốn đa phương

Trong năm 2022, đã có 60,7 tỷ USD từ các tổ chức đa phương được huy động cho các dự án môi trường – khí hậu tại các nước đang phát triển. Trong đó, 38 tỷ USD dành cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và 22,7 tỷ USD cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, WB đã cung cấp 71 tỷ USD vốn vay cho các dự án khí hậu và ADB cung cấp 20 tỷ USD.

Với quan tâm và nguồn lực lớn hơn từ các thể chế đa phương dành cho các dự án phát triển bền vững, các nước Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội tận dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực như WB, ADB và nhiều sáng kiến tài chính tại khu vực cho tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh, ví dụ như Quỹ thúc đẩy tài chính xanh ASEAN (ACGF) với số vốn huy động 1,8 tỷ USD, các khuôn khổ hợp tác Mê Công… Tuy nhiên, một số nước trong khu vực cũng đối mặt thách thức trong khả năng tiếp cận, huy động, tận dụng nguồn vốn vay và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đòi hỏi sự chủ động lớn hơn từ phía các Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ nhất, chủ động xây dựng danh mục các dự án kêu gọi tài trợ và đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và tích cực tiếp cận, vận động các đối tác tài trợ. Thực tiễn tại Đông Nam Á cho thấy sự chủ động của các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp trong xây dựng và vận động thông qua các dự án huy động vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả thu hút, triển khai các chương trình, dự án phát triển bền vững tại lưu vực sông Mê Công và các dự án ở cấp độ quốc gia, địa phương. Tại Việt Nam, một số địa phương đã tranh thủ nguồn vốn tài trợ quốc tế để đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối kinh tế và giao thương, cải thiện sinh kế cho người dân trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang Kinh tế Đông – Tây, Hợp tác Mê Công – Nhật Bản…

Thứ hai, nâng cao tính tự chủ (ownership) trong huy động, triển khai các dự án phát triển bền vững và năng lực tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn tài trợ. Tại một số nước Đông Nam Á, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn vay nói chung và vốn cho các dự án phát triển bền vững còn rất thấp, đòi hỏi các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân, bao gồm từ khâu chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đến nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, ban quản lý dự án.

Thứ ba, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về các chương trình, dự án phát triển bền vững và các cơ chế hợp tác, các sáng kiến đa phương về tài chính xanh, tài chính bền vững nhằm nâng cao tính chủ động và năng lực huy động, tiếp cận nguồn vốn của các địa phương, doanh nghiệp tại khu vực.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here