Vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Ngoại giao Ý

0
61
(Mofa Italia)
(Mofa Italia)

Vài năm trước đây, Ecuador giới thiệu một dự luật để khuyến khích việc sử dụng bếp với tấm cảm ứng. Đại sứ quán Ý tại Ecuador đã nhanh chóng báo tin tức cho các Hiệp hội công nghiệp liên quan và nhờ đó một số công ty Ý đã giành được hợp đồng cung cấp ở quốc gia Trung Mỹ. Ví dụ này chỉ liên quan đến các đơn đặt hàng nhỏ từ một quốc gia nhỏ, nhưng nếu chúng ta chuyển từ bếp từ sang đấu thầu và hợp đồng quy mô lớn, chúng ta sẽ thấy sức mạnh mềm của ngoại giao kinh tế có thể hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của chúng ta như thế nào.

Bộ Ngoại giao Ý mới đây đã tiến hành một cuộc điều tra (thông qua công ty Prometeia) để đánh giá mạng lưới các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Ý đã hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào. Kết quả như sau: năm 2019, các cơ quan đại diện Ý giúp doanh nghiệp 543 vụ đấu thầu quốc tế so với 758 vụ năm 2017. Tuy nhiên, giá trị trung bình của các hợp đồng năm 2019 cao hơn đáng kể (279 triệu euro so với 89 triệu trong năm 2017). Tổng giá trị đấu thầu đạt mức kỷ lục là 152 tỷ euro so với 51 tỷ trong năm 2017, với sự tham gia cuả 305 công ty Ý, tạo ra giá trị gia tăng ở Ý là 31,2 tỷ euro, góp phần tạo thêm 426.000 việc làm trong nước và hơn 11,8 tỷ euro thuế.

Thứ trưởng Ngoại giao Manlio Stefano Di, thành viên của đảng cầm quyền M5S nhấn mạnh: “Các công ty Ý hoạt động ở nước ngoài đều có một chuỗi cung ứng của Ý đằng sau họ. Đây là lý do tại sao một đấu thầu thành công ở nước ngoài có tác động đáng kể đến sản xuất và công ăn việc làm tại Ý. Ngoài ra, 45% doanh nghiệp được Chính phủ Ý hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với hơn 31 tỷ euro giá trị gia tăng mà Bộ Ngoại giao, và mạng lưới ngoại giao và lãnh sự nói chung góp phần tạo nên khi hỗ trợ các công ty hoạt động ở nước ngoài như vậy là tương đương với 1,9% GDP trong năm 2019.

Trong năm 2019, 122/543 (23%) hồ sơ dự thầu được hỗ trợ bởi mạng lưới ngoại giao Ý là liên quan tới Trung Quốc so với tỉ lệ 16/680 (2,4%) năm 2018, nói về nguyên nhân của sự tăng trưởng gần gấp mười lần và mức độ liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ông Di Stefano cho biết: “Các hoạt động ở Trung Quốc chắc chắn có liên quan đến BRI, nhưng thực tế là các nước Châu Á nói chung, nơi nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh hơn, mang lại những cơ hội tốt nhất. Họ cần cơ sở hạ tầng và máy móc. Chúng tôi hy vọng số lượng các dự án được hỗ trợ ở Châu Á sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.” Các doanh nghiệp cũng đang thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao để giải quyết một loạt các vấn đề. Từ đơn giản nhất, chẳng hạn như thị thực hoặc tìm các bên phù hợp để liên lạc trong một đấu thầu, đến phức tạp nhất liên quan đến các rào cản “phi thuế quan”.

Về các lĩnh vực cần tăng cường hoạt động Ngoại giao Kinh tế và ảnh hưởng của việc chuyển giao toàn bộ quyền hạn hỗ trợ doanh nghiệp ở nước ngoài từ Bộ Phát triển Kinh tế sang Bộ Ngoại giao trong năm 2019, Thứ trưởng Di Stefano cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà tổng giá trị các dự án mà mạng lưới ngoại giao của chúng tôi hỗ trợ đã tăng từ 83 tỷ euro năm 2018 đến 152 tỷ năm ngoái, tăng gần gấp đôi. Thực tế là các công ty Ý ngày nay có “một cửa” cho tất cả các vấn đề liên quan đến khi phát triển hoạt động ra bên ngoài Ý và đó là một bước tiến rất tích cực. Cơ quan xúc tiến thương mại Ý ICE và Simest (ngân hàng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiêp xuất khẩu) đều được điều phối bởi Bộ Ngoại giao. Bức tranh bây giờ đã hoàn chỉnh và chúng tôi muốn làm việc để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rằng có “một cửa” cho tất cả các nhu cầu của họ. Điểm truy cập cho tất cả các dịch vụ là cổng thông tin để quốc tế hóa export.gov.it của Bộ Ngoai giao.

Về việc Bộ Ngoại giao hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu trong thời điểm khó khăn này khi các số liệu xuất khẩu mới nhất trong tháng 9/2020, cho thấy những dấu hiệu tích cực: tăng 2,1% cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với tháng trước, ông cho biết: Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp. ” Chương trình xuất khẩu” (Pact for Export) ký kết tháng 6/2019, Bộ Ngoại giao xây dựng dựa trên 12 cuộc tham vấn ngành với 147 hiệp hội. Các số liệu mới nhất cho thấy Chương trình đang hoạt động rất tốt. Một trong những công cụ chủ yếu của Chương trình là tạo điều kiện cho tài chính và cung cấp các khoản vay ưu đãi để hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiêp, từ tham gia hội chợ thương mại đến phát triển thương mại điện tử. Các nguồn lực sẵn có của Quỹ được quản lý bởi Simest lên đến 1,2 tỷ euro. Nhưng yêu cầu từ doanh nghiệp đã vượt quá 3,9 tỷ euro. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu với hy vọng có tài trợ bổ sung từ Ngân sách”.

Bộ Ngoại giao Ý tiến hành “ngoại giao kinh tế” song song với “ngoại giao khoa học”. Vào ngày 26/11, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị về chủ đề này và phát trực tiếp trên kênh YouTube của Bộ, với sự tham dự của Bộ trưởng Luigi Di Maio (Ngoại giao), Gaetano Manfredi (Giảng viên trường Đại học và Nghiên cứu) và Paola Pisano (Bộ Khoa học công nghệ và đổi mới), phi hành gia Luca Parmitano và nhà virus học llaria Capua.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ý)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here