Ngày 23/6/2021, Inside Trade đưa tin cho biết cả hai đề cử phó Đại diện thương mại Mỹ (USTR) là bà Sarah Bianchi và ông Jayme White đã tham dự điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Tài chính Thượng viện. Đây là các đề cử đã được Tổng thống Biden công bố vào tháng 04/2021, theo đó đề cử bà Bianchi làm phó USTR phụ trách Châu Á, Châu Phi và năng lực cạnh tranh trong đầu tư, dịch vụ, dệt may, còn ông White được đề cử làm phó USTR phụ trách Tây bán cầu, Châu Âu, Trung Đông cùng với vấn đề lao động và môi trường.
Tại điều trần của cả 2 đề cử, các nghị sỹ của Ủy ban đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về chiến lược của Chính quyền đối với Trung Quốc, đặc biệt là về quan hệ đối tác thương mại kỹ thuật số, các thỏa thuận thương mại mới và việc tái cam kết với đồng minh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
TNS Todd Young (CH/Indiana) cho rằng Mỹ nên chủ động hơn trong việc phát triển các mối quan hệ thương mại nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và lan rộng ở khu vực. Trả lời ông Todd Young về việc liệu Chính quyền có đặt ưu tiên thúc đẩy các mối quan hệ này, bà Bianchi đã khẳng định việc Mỹ cần tham gia nhiều hơn vào tiến trình khu vực, dẫn ví dụ kế hoạch của Chính quyền Biden trong nối lại đàm phán TIFA với Đài Loan, coi đây là một phần quan trọng trong cách tiếp cận rộng hơn nhằm đối phó với Trung Quốc. Vào 2 tuần trước, Trưởng USTR Katherine Tai đã điện đàm với người đồng cấp tại Đài Loan John Deng về việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vốn bị ngưng trệ dưới thời Tổng thống Trump. Một số đánh giá cho rằng động thái này là bước đầu tiên hướng tới một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn, một ưu tiên quan trọng đang nhận được sự ủng hộ từ cả 2 đảng.
Trong phần trả lời TNS Steve Daines (CH/Montana), bà Bianchi bổ sung thêm lập luận, khẳng định Mỹ cần phải nỗ lực mạnh mẽ để các đồng minh khác của Mỹ tại khu vực cũng bày tỏ ủng hộ Đài Loan; đồng thời cho rằng thương mại kỹ thuật số sẽ là trọng tâm trong các cuộc đàm phán TIFA sắp tới với vùng lãnh thổ này. Đây là lĩnh vực có thể đóng vai trò thực sự quan trọng nhằm đối phó với Trung Quốc. Bà Bianchi cũng đưa ra khuyến nghị việc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại kỹ thuật số với các đồng minh của Mỹ trên thế giới là một cách giúp thiết lập một tiêu chuẩn buộc Trung Quốc phải thay đổi một số hành vi của mình; gợi ý việc Mỹ có thể xem xét các điều khoản thương mại kỹ thuật số trong Thỏa thuận USMCA như một hình mẫu. Bà Bianchi khẳng định sẽ triển khai kế hoạch thúc đẩy tiến trình đàm phán trong lĩnh vực thương mại kĩ thuật số nếu được phê chuẩn.
Trả lời về tiến trình đánh giá quan hệ thương mại với Trung Quốc, bà Bianchi cho biết trưởng USTK Katherine Tai hiện vẫn đang tiến hành đánh giá tổng thể về các chính sách thương mại của Trung Quốc nhằm giúp đưa ra các quyết định trong tương lai, cũng như xây dựng một chiến lược đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc; khẳng định sẽ báo cáo với Ủy ban trong vòng 15 ngày sau khi hoàn thành đánh giá.
Đối với khả năng tái tham gia CPTPP cùng các đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương, bà Bianchi đánh giá thỏa thuận này đã lỗi thời, cho rằng các thách thức Mỹ hiện đang phải đối mặt hôm nay đã khác rất nhiều các thách thức giai đoạn 2014 – 2015. Tuy nhiên, đề cử phó USTR vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với đồng minh trong đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trước quan tâm về kế hoạch thúc đẩy các đàm phán thương mại của chính quyền Biden, đề cử phó USTR ông White chia sẻ quan điểm và khẳng định việc Mỹ sẽ tìm mọi cách để mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng xuất khẩu của Mỹ, nhất là đối mặt hàng dịch vụ, nông nghiệp và chế tạo. Ông White cũng cho biết thêm chính quyền Biden vẫn đang đánh giá lại các mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước, trong đó có cả các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Anh vốn đã bắt đầu dưới thời Tông thống Trump song hiện vẫn chưa được nối lại. Tuy nhiên, đề cử phó USTR cũng khẳng định tầm quan trọng trong việc Mỹ cần tham gia cuộc chơi thương mại và chiến đầu để mở rộng thị trường hơn cho sản phẩm của Mỹ dù xét trên cả góc độ kinh tế hay cạnh tranh với Trung Quốc.
Đề cử phó USTR White cũng khẳng định nếu được phê chuẩn, ông sẽ tham khảo ý kiến của cộng sự tại cả USTR và Bộ Thương mại để cố gắng hình thành các nhóm làm việc và cả giải pháp xử lý vấn đề dư thừa công suất trong một số lĩnh vực công nghiệp từ một số nước, nhất là Trung Quốc nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ.
Theo Inside Trade, Mỹ và EU trong tháng 05/2021 đã đồng ý đàm phán nhằm tìm phương án giải quyết cuộc khủng hoảng thừa công suất trong ngành nhôm và thép, trong đó đánh giá Trung Quốc là nhân tố ủng hộ các hành vi gây bóp méo hoạt động thương mại. Theo đó, EU cũng đã đồng ý tạm thời đình chỉ kế hoạch tăng thuế trả đũa nhằm chống lại mức thuế Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã đưa ra để áp đối với sản phẩm nhôm và thép của EU theo điều khoản 232 của Luật Thương mại mở rộng năm 1962.
Ông White đánh giá các biện pháp thuế theo điều khoản 232 đã được triển khai một cách yếu kém, dù ý định ban đầu là tốt. Ở góc độ rộng hơn, bà Bianchi cũng bổ sung việc chính quyền Trump đã chẩn đoán đúng tình trạng dưa thừa nhôm và thép với Trung Quốc, song đã không triển khai xử lý một cách chính xách. Do đó việc USTR tiến hành đánh giá một cách tổng thể và toàn diện chính sách thương mại của Trung Quốc sẽ giúp chính quyền đưa ra một chiến lược hiệu quả hơn, kể cả trong việc dự đoán trước các cơ hội cũng như phát hiện ra các lỗ hổng.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)