Ưu tiên các dự án “ra tấm, ra món” để phát huy lợi thế vùng Đông Nam Bộ

0
60
Vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng khác. (Nguồn: VGP)

Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên đầu tư cho “ra tấm, ra món” để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

Vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng khác. (Nguồn: VGP)

Tại “Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, nội dung quy hoạch vùng đã được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định tập trung vào 6 nội dung cốt lõi. Đó là: phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người – thiên nhiên – truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

Đồng thời, phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế – xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Về cấu trúc phát triển gồm 3 tiểu vùng; 6 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ; 2 hành lang xanh – sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; phân bố lại không gian công nghiệp – đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn.

Cùng với đó, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép – Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra, thu thập số liệu, phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 và triển khai lập quy hoạch.

Trong quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Hội nghị giữa đơn vị tư vấn với các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 6 địa phương trong vùng; làm việc với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành trung ương để thống nhất nội dung phát triển ngành trên địa bàn vùng hoàn thiện dự thảo quy hoạch vùng.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đối với việc cụ thể hoá quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng, địa phương khác về cả kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch… bằng các hành lang phát triển, đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khai thác tối đa lợi thế khác biệt.

Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch.

Trao đổi về lộ trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai điểm: Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên “đầu tư cho ra tấm, ra món” để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

“Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập trên tư duy bao trùm vùng, kết nối vùng nhưng cũng cần quy hoạch chi tiết rõ ràng không gian phát triển đô thị, khu chức năng, ngành kinh tế…”, Phó Thủ tướng nói.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here