Ứng xử với sức ép lạm phát và suy thoái toàn cầu

0
82
(minh hoạ)
(minh hoạ)

“Giá xăng dầu tăng kỷ lục”, “lạm phát Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm”… là những tiêu đề có thể tìm ở hầu như mọi trang báo mấy ngày này, từ trong nước tới quốc tế.

Lạm phát tăng cao và hệ lụy

Việc giá cả tăng làm doanh nghiệp dừng sản xuất đã bắt đầu xuất hiện ở Anh, nơi tôi ở. Hoặc là do công nhân đình công đòi tăng lương, hoặc là đơn giản “làm là lỗ”, nên thà cắt giảm sản xuất và chờ điều chỉnh lại giá đầu vào và giá bán.

Sức ép lạm phát và diễn biến xung đột ở Nga – Ukraine khiến tình hình kinh tế toàn cầu trở nên mong manh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine diễn ra, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của hai đầu tàu Mỹ và Trung Quốc, nêu lý do là do lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng và việc Mỹ bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Sau cú sốc cung dầu và khí đốt cũng như nguyên liệu thô do diễn biến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như việc Nga tuyên bố tạm dừng xuất khẩu một số mặt hàng, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ngày 10/3/2022, Reuters đưa tin, lãnh đạo IMF, bà Georgieva, cảnh báo rằng, chiến tranh Nga-Ukraine sẽ buộc tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu một lần nữa.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng gây bất ngờ cho giới quan sát khi quyết định “quay xe”, rút lại các hoạt động bơm tiền hỗ trợ thị trường nhanh hơn dự đoán. Thay vì duy trì bơm tiền ra thị trường thông qua chương trình mua trái phiếu hàng tháng của mình tới cuối năm như tuyên bố trước đây, ngày 10/3, ECB tuyên bố sẽ “giảm dần” việc mua trái phiếu kể từ tháng 5 và có thể kết thúc chương trình này ngay trong quý III năm nay. Nguyên nhân được đưa ra là do nỗi lo lạm phát sẽ tăng mạnh hơn dự đoán.

Hành động trên của ECB là hợp lý khi số liệu về lạm phát của châu Âu và Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo màu đỏ, khi lạm phát tiếp tục gia tăng, ngay cả trước khi diễn ra chiến tranh Nga – Ukraine và cú sốc nguồn cung dầu, đẩy giá dầu tăng lên gần 130 USD/thùng. Lấy ví dụ, số liệu lạm phát tháng 2 (trước cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra) của Mỹ tăng 7,9%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.

Điều quan trọng hơn nữa là, lạm phát lần này được thúc đẩy bởi giá những yếu tố cơ bản trong cuộc sống cũng như đầu vào của nền kinh tế như giá xăng, dầu, khí đốt, thực phẩm và giá thuê nhà. Tiếp sau vòng xoáy tăng giá là tăng lương. Ở Anh, nhiều công ty đã tăng lương đến lần thứ hai trong vòng chỉ 6 tháng để ứng phó với áp lực của nhân công trong điều kiện chi phí sống ngày một đắt đỏ, trong khi nhiều lao động vẫn chưa thể quay lại làm việc toàn thời gian do những yếu tố bởi dịch Covid-19 để lại.

Thị trường lao động tiếp tục có nhiều việc tìm người hơn người tìm việc, lạm phát tăng và doanh số bán lẻ vẫn tương đối tốt, khiến vòng xoáy lạm phát – tiền lương sẽ còn tiếp tục. Kết quả là, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm do chi phí nhân công, đầu vào đều tăng, trong khi không thể tăng giá bán quá mạnh.

Vì vậy, nỗi lo suy thoái do lạm phát cao đang dần thành sự thật. Khi các doanh nghiệp không chịu nổi nữa mà tăng giá bán mạnh, thì tổng cầu có thể bị tác động xấu và bắt đầu trì trệ, thậm chí sụt giảm. Ngay cả trong trường hợp tổng cầu duy trì được, thì chi phí tăng nhanh hơn giá bán cũng sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn và có thể phải đóng cửa. Khi đó, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh được thúc đẩy bởi sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 sẽ bị một cú đấm mạnh. Kết quả là, sức cầu trong dài hạn hơn, cụ thể là trong 2 quý cuối năm, sẽ bị tác động mạnh.

Một người bạn của tôi làm dự báo cho một trong những ngân hàng đầu tư lớn ở Mỹ cho rằng, hiện tại, đa số dự báo kinh tế vẫn đang quá lạc quan về 2 quý cuối năm, do đó, có nguy cơ phải điều chỉnh giảm mạnh trong các đợt điều chỉnh dự báo tới. Đây có thể là một cú sốc cho thị trường tài chính, bên cạnh áp lực thắt chặt tiền tệ và lạm phát cao hiện nay.

Như vậy, bên cạnh nỗi lo suy thoái, lạm phát cao, còn có nỗi lo sụp đổ thị trường tài chính. Giá cổ phiếu của nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đã giảm từ 10 đến gần 20% trong quý I/2022.

Ứng xử với lạm phát cao

Trong bối cảnh hiện nay, nỗi lo về sai lầm chính sách là đáng ngại, như nhà kinh tế Mohamed El-Erian, Chủ tịch của Trường Queen’s College thuộc Đại học Cambridge (Anh) và cố vấn kinh tế trưởng của Allianz cho biết.

Vì có nhiều yếu tố phải cân bằng, từ lạm phát, tăng trưởng cho đến thị trường tài chính, nhà làm chính sách có thể mắc sai lầm là dễ hiểu. Và đây là điều mà Việt Nam cần tránh, nhất là khi ứng xử với lạm phát cao và rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái.

Trước tiên, sức ép lạm phát và việc nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất sớm muộn sẽ tạo sức ép tăng lãi suất tại Việt Nam. Người dân sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn để giữ tiền trong ngân hàng trong bối cảnh giá vàng và nhiều tài sản đầu cơ khác tăng giá. Trong khi đó, nhu cầu vốn trong nền kinh tế có dấu hiệu tăng lên, song song với các dự án đầu tư hạ tầng, cũng như gói kích thích kinh tế. Tăng lãi suất còn góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Vì vậy, sức ép tăng lãi suất trong quý II/2022 tại Việt Nam là khá rõ ràng.

Vấn đề ở đây cần làm rõ là, lãi suất tăng không đảm bảo sẽ kiềm chế được lạm phát như một số lý luận đơn giản dựa vào mô hình kinh tế vỡ lòng cho sinh viên đại học, bởi câu chuyện hiện tại nằm ở cú sốc nguồn cung cũng như cú sốc về chuỗi cung ứng. Hai thứ này không vì lãi suất tăng mà biến mất. Vì vậy, cần đả thông tư tưởng là không vì sức ép phải làm cái gì đó để kiểm soát lạm phát mà tăng lãi suất. Tăng lãi suất là vì đi trước đón đầu sức ép từ tỷ giá, từ nhu cầu vốn. Tăng lãi suất nhiều cũng chưa chắc khống chế được lạm phát, mà chủ yếu chỉ phần nào hạ nhiệt tổng cầu mà thôi, chủ yếu vẫn là để cân bằng các áp lực trên thị trường tiền tệ.

Còn chống lạm phát vẫn phải là tìm cách khơi thông nguồn cung và tìm cách làm giảm nhẹ áp lực lên người nghèo, vì lạm phát bản thân nó là một loại thuế đánh lên người có thu nhập thấp. Điều này đòi hỏi một sự điều chỉnh nguồn chi và thu ngân sách sao cho hài hòa lợi ích của nhiều bên, để người nghèo được hỗ trợ về giá cả, có thể dưới các chương trình giúp đỡ người có thu nhập thấp, hạ thuế giá trị gia tăng, thuế và phí đánh lên xăng dầu. Tất nhiên, áp lực đổi lại là phải tìm nguồn thu khác cho ngân sách.

Nói vậy để thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ không quá lạc quan như kỳ vọng đầu năm, vì sức ép lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ khiến chính sách tiền tệ khó tiếp tục nới lỏng và nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng nếu muốn giúp dân nghèo. Nhưng cũng không quá bi quan và không nên đi vào sai lầm chính sách, dẫn đến chống lạm phát một cách cực đoan, triệt tiêu luôn động lực tăng trưởng.

Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống một chút, điều chỉnh chấp nhận lạm phát cao lên một chút và cố gắng hỗ trợ người nghèo, thì chúng ta có thể vượt qua được khó khăn. Ít nhất, chúng ta chưa ở trạng thái lạm phát gần 8% như Mỹ và chúng ta vẫn kỳ vọng tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Điều chỉnh lại mọi thứ một chút, không cực đoan quyết giữ cái này, cái kia ở một mức nào đó, thì vẫn có thể bình yên vượt qua cơn bão này.

(Hồ Quốc Tuấn-Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here