UNCTAD đánh giá FDI toàn cầu giảm 42% trong năm 2020, dự báo triển vọng năm 2021 vẫn còn ảm đạm

0
264
(Internet)
(Internet)

Ngày 24/01/2021, đánh giá tại “Báo cáo Theo dõi xu hướng đầu tư năm 2021”, UNCTAD cho biết chu chuyển FDI toàn cầu trong năm vừa qua giảm 42%, từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống mức dự kiến 859 tỷ USD năm 2020. Mức giảm FDI này cao hơn 30% so với mức sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và quay trở lại mức được chứng kiến lần cuối trong thập kỷ 1990.

Sự sụt giảm chủ yếu tập trung ở các nước phát triển, nơi mà chu chuyển FDI giảm 69%, xuống mức dự kiến là 229 tỷ USD. Chu chuyển FDI vào Châu Âu giảm 2/3, xuống mức -4 tỷ USD, bao gồm mức chu chuyển bằng 0 (ở Anh) hoặc mức giảm lớn ở một số nước khác. Mức giảm mạnh cũng được ghi nhận ở Mỹ (-49%), xuống mức 134 tỷ USD và ở Úc (-46%), xuống mức 22 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng có một số điểm sáng trong chu chuyển FDI ở các nước phát triển, ví dụ như Thụy Điển (tăng từ 12 lên 29 tỷ USD), Israel (tăng từ 18 lên 26 tỷ USD) và Nhật Bản (tăng từ 15 lên 17 tỷ USD). Trong khi đó, FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi giảm 77%, xuống mức 13 tỷ USD.

Mức giảm ở các nền kinh tế đang phát triển là 12%, xuống mức dự kiến là 616 tỷ USD. Mức giảm chu chuyển FDI trong các khu vực đang phát triển không đồng đều, với khu vực Mỹ Latinh và Caribe giảm 37%, Châu Phi giảm 18% và các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á giảm 4%. Tuy nhiên, tỷ trọng của các nền kinh tế đang phát triển trong FDI toàn cầu đã đạt mức 72% – mức cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu các nước nhận nhiều FDI nhất, tăng 4% lên 163 tỷ USD, với mức tăng trưởng cao trong các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và các thương vụ sáp nhập xuyên quốc gia (M&As), chủ yếu trong các ngành công nghệ thông tin (ICT) và dược phẩm. Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng trưởng FDI dương (tăng 13%), nhờ các khoản đầu tư trong lĩnh vực số. Đông Á là khu vực nhận nhiều FDI nhất, chiếm 1/3 tổng lượng FDI toàn cầu năm 2020, tuy nhiên dòng vốn FDI đổ vào các nước ASEAN giảm 31%, xuống mức 107 tỷ USD do sự suy giảm đầu tư vào các nước nhận nhiều FDI nhất trong tiểu khu vực.

Mặc dù có những dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào năm 2021, các chuyên gia của UNCTAD cho rằng chu chuyển FDI vẫn sẽ còn yếu do sự không chắc chắn về tình hình đại dịch Covid-19 cũng như môi trường chính sách đầu tư toàn cầu. Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 được công bố vào năm ngoái của UNCTAD dự đoán mức giảm FDI toàn cầu khoảng 5%-10% trong năm 2021. Đặc biệt, triển vọng năm 2021 đối với các nước đang phát triển khá đáng lo ngại. Báo cáo của UNCTAD cảnh báo rằng “khả năng hạn chế của các nước đang phát triển trong việc cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến sự hồi phục bất cân xứng của FDI dựa trên tài chính dự án”.

UNCTAD cũng dự đoán rằng bất kỳ sự gia tăng nào trong chu chuyển FDI toàn cầu năm 2021 sẽ đến từ không phải là đầu tư mới vào tài sản sản xuất mà từ M&As xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế, hai ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng khác biệt từ đại dịch. Các công ty Châu Âu được dự báo sẽ thu hút hơn 60% các thỏa thuận công nghệ xét về giá trị, tuy nhiên một số nền kinh tế đang phát triển cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng trong khía cạnh này. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang thu hút số lượng kỷ lục các thỏa thuận trong các lĩnh vực tư vấn IT và công nghệ số, bao gồm các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ xử lý dữ liệu và thanh toán điện tử. Khoảng 80% các công ty thu mua có trụ sở ở các nền kinh tế phát triển, chủ yếu là ở Châu Âu, tuy nhiên một vài tập đoàn đa quốc gia ở các nước đang phát triển cũng là những người mua tích cực. Ví dụ, các nhà đầu tư Nam Phi đang dự địch thu mua cổ phần trong các tập đoàn cung cấp sản phẩm y tế ở khắp châu Phi và Châu Á và các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ đã tuyên bố mức tăng 30% trong thu mua, hướng đến Châu Âu và các thị trường khác trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin./.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here