Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 18,6%

0
19
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (thứ hai từ phải qua) tham quan gian hàng công nghệ số tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II. (Ảnh: Phước Tuấn)

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Phó Thủ tướng thông tin, Chính phủ coi chuyển đổi số là chiến lược lâu dài và cốt lõi để phát triển đất nước bền vững. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là một thách thức lớn.

Những năm qua, công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực. Với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD…

Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong tối ưu hóa quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh doanh, cung cấp dịch vụ khách hàng, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính, tỷ trọng kinh tế số trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 25% vào năm 2025.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc xác định rõ lộ trình phát triển kinh tế số, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đột phá, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

“Với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, các trọng tâm cần tập trung gồm hoàn thiện thể chế pháp luật, đầu tư vào hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế chủ lực, xây dựng thị trường dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, phát triển nguồn nhân lực số… Những mục tiêu này sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên số”, ông Quý nói.

Với Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt.

“Do đó, chúng tôi mong muốn xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, nơi khoa học công nghệ làm động lực phát triển, thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng môi trường sống chấ.t lượng cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.

Để tiếp tục phát triển kinh tế số, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị, thời gian tới, các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số (KTS), xã hội số; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy.

Ngoài ra, tập trung phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao, đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới; thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm Make in Viet Nam; huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

Phó Thủ tướng đồng thời kêu gọi các bộ, cơ quan và địa phương cần tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của chuyển đổi số; cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, tạo dựng một môi trường số văn minh, hiện đại và an toàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong thời đại mới của đất nước.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here