1. DAW được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hơn 140 phiên họp và sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu và 24 lãnh đạo các chính phủ và các Tổ chức quốc tế gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vadimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen…
2. Tuần lễ chương trình nghị sự Davos năm nay xoay quanh chủ đề trọng tâm “3-C” gồm (i) đại dịch Covid-19; (ii) biến đổi khí hậu (Climate); và (iii) Hợp tác (Cooperation). Ngoài ra, địa chính trị và quan hệ Trung-Mỹ, những tầm nhìn mới về chủ nghĩa tư bản và công nghệ số cũng là những chủ đề thảo luận quan trọng tại DAW năm nay:
2.1. Đại dịch Covid-19 và triển vọng tái thiết hậu Covid
(i) Hệ quả của đại dịch Covid-19
Nhiều ý kiến chia sẻ tại DAW cho rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cho thế giới kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933. Trong đó, các nước kém phát triển nhất sẽ đối diện với nguy cơ lớn nhất về hệ quả lâu dài từ đại dịch kèm theo viễn cảnh của một cuộc khủng hoảng nợ. Mặc dù vắc-xin Covid-19 đã được
Nhiều ý kiến chia sẻ tại DAW cho rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cho thế giới kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933. Trong đó, các nước kém phát triển nhất sẽ đối diện với nguy cơ lớn nhất về hệ quả lâu dài từ đại dịch kèm theo viễn cảnh của một cuộc khủng hoảng nợ. Mặc dù vắc-xin Covid-19 đã được nghiên cứu và sản xuất một cách thần tốc, đại dịch này sẽ không vì thế mà sớm qua đi. Những hệ quả kinh tế to lớn của cuộc khủng hoảng y tế này như mất việc làm, giảm đầu ra sản xuất tiềm năng, và gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Theo Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF Klaus Schwab, hệ quả của đại dịch Covid-19 rất sâu rộng bao gồm cảm giác bất công gia tăng, sự đánh mất bản sắc và phẩm chất, sự gắn kết xã hội suy yếu, niềm tin vào các thể chế bị xói mòn và sự suy yếu của hợp đồng xã hội. Sau hai thập kỷ chứng kiến mức giảm, tỷ lệ nghèo cùng cực đã tăng 7% trong năm 2020, xóa bỏ những tiến triển hướng đến mục tiêu chấm dứt đói nghèo vào năm 2030. Trong khi đó, tình trạng phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc gia tăng, gây sức ép lên toàn cầu hóa. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng do hệ quả của đại dịch Covid, tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng không chỉ trong nội bộ và còn giữa các quốc gia. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh “niềm tin vào các thể chế, luật lệ và quy chuẩn đa phương đang bị xói mòn. Chính trị dân túy, chủ nghĩa bản địa bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng” và cho rằng những phản ứng của các nước giai đoạn đầu của đại dịch từ đóngcửa biên giới cho đến gián đoạn chuỗi cung ứng “dường như báo hiệu sự sụp đổ của toàn cầu hóa”.
(ii) Phản ứng với đại dịch và giải pháp cho hồi phục hậu Covid-19
Về phản ứng đối với đại dịch, Thủ tướng Angela Merkel thẳng thắn phê phán cách thức WHO và Trung Quốc xử lý đại dịch trong giai đoạn mới khởi phát, đồng thời chỉ trích Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin đầy đủ về chủng virus corona mới với các đối tác quốc tế. Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) Anthony Fauci cũng kêu gọi Trung Quốc cung cấp cho WHO thông tin về nguồn gốc của Covid-19, lập luận rằng nếu thiếu chúng các nhà khoa học và bác sỹ sẽ đối diện với “một hộp đen lớn”. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng cho rằng để phục hồi hậu đại dịch, cần ủng hộ và thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, thay vìcách tiếp cận biệt lập, dân tộc chủ nghĩa. Thủ tướng Merkel hoan nghênh việc Mỹ quyết định quay lại WHO và cho rằng với việc cải tổ, WHO sẽ trở thành một tổ chức đa phương sẵn sàng ứng phó hơn với dịch bệnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu ưu tiên của ông cho một sự phục hồi mang tính bao hàm và bền vững từ đại dịch, trước tiên là đảm bảo vắc-xin được xem như một hàng hóa công. Tổng thư ký cho rằng cách nhanh nhất để tái khởi động nền kinh tế toàn cầu là phân phối công bằng vắc-xin, cảnh báo rằng các nước giàu sai lầm nếu nghĩ rằng “họ sẽ an toàn khi tiêm chủng cho người dân của mình trong khi làm ngơ thế giới đang phát triển”. Ngoài ra, Tổng thư ký cũng thúc giục các nước phát triển cân nhắc giãn/xóa nợ cho các nước nghèo.
Trong số những khuyến nghị mà WEF đưa ra tại DAW nhằm đối phó với tình trạng nghèo gia tăng do hệ quả của Covid-19 gồm “vắc xin cho người dân”, tạo điều kiện cho người dân được tiêm chủng trong những tháng tới, không chỉ là các nước giàu; đánh thuế tài sản cực đại nhằm đầu tư vào một tương lai bền vững và công bằng cho tất cả mọi người, cũng như mở rộng sự tiếp cận đối với các chương trình y tế và phúc lợi xã hội nhằm ngăn người dân tái nghèo. Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phối công bằng vắc-xin Covid-19 qua sáng kiến Covax do WHO điều phối. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các nước giàu ngừng tích trữ vắc xin hoặc là phải đối mặt với nguy cơ đại dịch kéo dài do châu Phi sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu. Ông bày tỏ quan ngại về “chủ nghĩa dân tộc vắc xin” vốn sẽ đe dọa sự phục hồi của tất cả các nước. Chia sẻ quan ngại này, Arab Saudi cho biết đang xem xét một sáng kiến phân phối vắc xin cho các nước nghèo ở Trung Đông và châu Phi, tách biệt khỏi sáng kiến Covax do sự thất vọng trước tiến triển chậm của Covax vốn đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 đặc biệt cho các nước nghèo vào cuối năm nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần tiếp tục ưu tiên cho phát triển, thực hiện SDGs và đảm bảo rằng tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, được chia sẻ thành quả của phát triển. Trung Quốc xem sự cần thiết phải phối hợp với nhau để đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao hàm và thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển như là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng toàn cầu và để tăng cường hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức chung to lớn của nhân loại. Ông Tập chia sẻ rằng Trung Quốc cam kết chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác và hỗ trợ các nước ít chuẩn bị hơn cho đại dịch và sẽ phối hợp để đảm bảo sự tiếp cận vắc xin Covid-19 rộng hơn cho các nước đang phát triển. Ông cũng thúc giục “tăng cường hợp tác về nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất và phân phối vắc xin và khiến chúng trở thành hàng hóa công mà thực sự dễ dàng tiếp cận với giá cả phải chăng cho người dân ở mọi quốc gia”. Theo đó, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ cho hơn 150 quốc gia và 13 tổ chức quốc tế cũng như gửi 36 nhóm chuyên gia y tế đến các nước có nhu cầu, cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong khi nỗ lực đảm bảo mức độ tiếp cận lớn hơn vắc xin cho cácnước đang phát triển, hy vọng điều này sẽ đóng góp vào việc chiến thắng dịch bệnh sớm và hoàn toàn trên toàn thế giới.
Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản xem trọng vai trò của WHO trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Thủ tướng Suga cam kết Nhật Bản sẽ đóng góp hơn 130 triệu đô la cho Sáng kiến Covax nhằm đảm bảo các nước đang phát triển cũng có quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng bày tỏ sự ủng hộ với Liên minh Covax, hợp tác toàn cầu và cho rằng các nỗ lực đa phương là cần thiết để giải quyết đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế toàn cầu cũng như đối phó với các thách thức dài hạn hơn như biến đổi khí hậu. Ông cho rằng một hệ thống chuẩn hóa là cần thiết để tái mở cửa các đường biên giới và khôi phục du lịch quốc tế. Với việc đại dịch bước vào một giai đoạn mới, các chính phủ sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn về các doanh nghiệp trì trệ và việc làm, điều này sẽ làm tệ thêm những sức ép hiện tại và gây sức ép nhiều hơn cho các chính phủ thực thi các lập trường mang tính bảo hộ và bài ngoại.
Thông điệp từ WEF là để tái xây dựng tốt hơn hậu đại dịch và giải quyết nhiều thách thức y tế, kinh tế, xã hội, môi trường và công nghệ, chúng ta cần những hành động đa phương ý nghĩa, công bằng xã hội và đối tác công – tư. Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF Schwab cho rằng “Đại dịch thể hiện một cơ hội hiếm có nhưng hẹp để phản ánh, tái định hình và tái khởi động thế giới của chúng ta”. Tương tự, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cũng nêu lên sự cần thiết phải xây dựng “một hợp đồng xã hội mới… giữa các chính phủ, người dân, xã hội dân sự, doanh nghiệp và hơn nữa, mà tích hợp việc làm, phát triển bền vững, bảo vệ xã hội và dựa trên quyền và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người”.
2.2. Biến đổi khí hậu
WEF đánh giá biến đổi khí hậu vẫn là thách thức toàn cầu lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trong những năm tới. Trong khi các quốc gia đều bận rộn đối phó với hệ quả của cuộc khủng hoảng do Covid-19, WEF nhắc nhở các nước nên cố gắng đảm bảo rằng biến đổi khí hậu không trở thành ưu tiên hạng hai trong quá trình hồi phục. Đại dịch Covid-19 cũng mang lại cho chúng ta một cơ hội hiếm có để có một sự hồi phục xanh và bao hàm. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, lượng khí thải nhà kính đã giảm khoảng 6-8% trong năm 2020 và chúng ta cần duy trì mức giảm tương đương đó trong 30 năm tới để đáp ứng đúng lộ trình của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bộ trưởng các vấn đề kinh tế và Năng lượng của Đức Peter Almaier cho rằng trong hồi phục hồi hậu Covid-19, có những cơ hội hợp tác, ví dụ như đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp năng lượng sạch nhằm giúp đối phó với biến đổi khí hậu.
(i) Thúc đẩy đối tác công-tư lĩnh vực chống biến đổi khí hậu
Tại Hội nghị thường niên năm ngoái, các nhà lãnh đạo WEF đã kêu gọi tất cả thành viên của Diễn đàn cam kết đặt mục tiêu cân bằng lượng khí thải nhà kính (net zero) đến năm 2020 hoặc sớm hơn. WEF cũng thành lập “Liên minh các nhà lãnh đạo khí hậu CEO”, hiện bao gồm 83 CEO tin tưởng rằng khu vực tư có trách nhiệm tham gia tích cực vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm khí thải nhà kính và giúp dẫn dắt sự chuyển đổi toàn cầu sang một nền kinh tế ít carbon và thân thiện với khí hậu. Năm nay, trong giai đoạn hai của Kế hoạch net zero, WEF đã công bố báo cáo “Cơ hội chuỗi giá trị” trước thềm DAW. Báo cáo lý giải tại sao việc phi các bon hóa các chuỗi giá trị có thể mang lại những thay đổi nền tảng cho hành động khí hậu toàn cầu. Tại DAW, các Chủ tịch của COP25 và COP26, Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và lãnh đạo của các doanh nghiệp đã công bố Kế hoạch hành động công-tư về biến đổi khí hậu với tên gọi Cuộc đua đến cân bằng carbon (Net Zero), hướng đến Hội nghị COP 26 ở Anh vào tháng 11/2021.
Bên cạnh đó, một liên minh mới với tên gọi “Đối tác nhiệm vụ khả thi” (Mission Possible Partnership), cũng đã được thành lập ngày 27/1/2021 trong tuần lễ Davos nhằm thúc đẩy tiến trình phi các-bon hóa của 7 ngành công nghiệp nặng và vận tải (cụ thể là vận tải đường thủy, hàng không, vận tải đường bộ, hóa chất, thép, nhôm và xi măng) vốn chiếm 30% tổng lượng khí thải toàn cầu. Liên minh này dựa trên thành công của “Nền tảng Nhiệm vụ khả thi” được lập ra tại Thượng đỉnh hành động khí hậu của Tổng thư ký LHQ năm 2009 với sự tham gia ban đầu của 30 công ty (năm 2019) và hiện đã lên đến 400 công ty, tất cả đều cam kết có hành động cụ thể hướng tới mục tiêu net zero. Chương trình đối tác này dựa trên ý tưởng rằng trong khi Thỏa thuận Paris đặt nền tảng cho hợp tác toàn cầu, sự tập trung của nó vào các mục tiêu quốc gia sẽ không tạo ra các kế hoạch và giải pháp cần thiết để đạt được các chiến lược chuyển đổi hữu hiệu và hiệu quả cho bản thân các ngành công nghiệp toàn cầu. Mảng ghép còn thiếu quan trọng nhất trong kiến trúc hành động khí hậu toàn cầu là nỗ lực của các ngành để bổ sung cho các chiến lược tập trung vào các quốc gia với hành động từ các ngành công nghiệp toàn cầu để giải mã công nghệ và chuyển đổi năng lượng. Điều này đặc biệt quan trọng cho các ngành công nghiệp thải ra lượng khí nhiều.
Chương trình đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ đạt được những đột phá cho thỏa thuận net-zero trong các ngành công nghiệp vận chuyển đường thủy, hàng không và sắt. Trong vòng 3 năm, chương trình lên kế hoạch giúp các công ty hoàn tất thỏa thuận hành động khí hậu trong các lĩnh vực này cũng như các ngành vận tải đường bộ, hóa chất, xi măng và nhôm. Trong vòng 5 năm, chương trình đối tác này đặt mục tiêu có sự chuyển đổi rõ ràng trong các mô hình đầu tư trong cả 7 lĩnh vực và sẽ theo đuổi các thỏa thuận hành động khí hậu net-zero trong các ngành khác, có thể tiềm năng bao gồm thực phẩm và nông nghiệp. Hơn 370 công ty với tổng vốn thị trường hơn 3 nghìn tỷ đô la đã cam kết giảm lượng phát thải của họ, trong nỗ lực hướng đến net- zero vào năm 2050.14
(ii) Chuyển đổi xanh
Tổng thư ký LHQ Guterres cũng kêu gọi các quốc gia hướng đến “chuyển đổi xanh” và các doanh nghiệp hành động theo Thỏa thuận Paris và tuân thủ Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Guterres chia sẻ rằng mục tiêu trung tâm cho năm 2021 là xây dựng một liên minh toàn cầu về trung hòa các-bon, trong đó khuyến nghị cần chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, đặt giá cho carbon… cam kết không xây dựng nhà máy điện chạy bằng than và đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo.
Về phía các quốc gia cũng có những tín hiệu chính trị tích cực. EU, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác đã đưa ra những cam kết tham vọng hướng đến một tương lai xanh hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Hoa Kỳ quay trở lại Thỏa thuận Paris. Trung Quốc đã tuyên bố mục tiêu đạt được net zero vào năm 2060. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen công bố kế hoạch sớm thúc đẩy đề xuất làm luật của châu Âu nhằm thúc đẩy quản trị tập đoàn bền vững. Luật mới sẽ “đảm bảo các thị trường châu Âu không dẫn đến tình trạng phá rừng ở những nơi khác trên thế giới.” Với Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), khối này quyết định sẽ trở thành lục địa đầu tiên trung hòa các-bon vào năm 2050. Trong khi đó, Thủ tướng Suga chia sẻ chiến lược tăng trưởng xanh của Nhật Bản sẽ tạo ra 15 triệu việc làm đến 2050, thời điểm Nhật Bản đặt mục tiêu trở nên trung hòa các-bon. Theo đó, Nhật Bản “sẽ tiến tới việc tăng cường quyết đoán năng lượng tái tạo như Hydrogen và trang trại gió đại dương và đến 2035 tất cả các phương tiện giao thông mới bán ra 100% sẽ chạy bằng điện.
2.3. Hợp tác quốc tế và quan hệ giữa các nước lớn
(i) Sự cần thiết phục hồi chủ nghĩa đa phương
Đại dịch Covid-19 là lời nhắc nhở về sự cần thiết của hợp tác quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho rằng chúng ta không còn sống trong trật tự đơn cực hay lưỡng cực nhưng chưa ở trong thế giới đa cực. Theo Tổng thư ký, trật tự thế giới ngày nay đang ở trong tình thế chuyển tiếp hỗn loạn, mối quan hệ giữa các cực chưa rõ ràng. Quan hệ giữa 3 cường quốc lớn nhất là Nga, Mỹ, và Trung Quốc chưa bao giờ trục trặc như hiện nay, tương tự là nền kinh tế thế giới và tình trạng phân liệt ở Hội đồng bảo an trong những khía cạnh quan trọng nhất. Theo Tổng thư ký, chúng ta có lẽ đang tiến đến một thế giới đa cực nhưng trật tự đa cực không nhất thiết là nhân tố mang lại hòa bình và ổn định. Tổng thư ký nêu ví dụ châu Âu từng chứng kiến sự tồn tại của một trật tự đa cực trước Chiến tranh thế giới thứ 1 nhưng sự thiếu vắng các cơ chế đa phương cho hợp tác và quản trị đã góp phần dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ 2.
Vì vậy điều quan trọng theo Tổng thư ký Guterres là phải công nhận tầm quan trọng của các thể chế đa phương. Thế giới cần hợp tác gần gũi hơn với WB và IMF và các thể chế khác như WTO. Theo Tổng thư ký, không có cách nào để chúng ta có thể phản ứng riêng lẻ với những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng đều liên quan với nhau và đòi hỏi chủ nghĩa đa phương bao trùm. Chủ nghĩa đa phương đó không chỉ bao gồm các quốc gia như một phần của hệ thống mà còn cần có sự tham gia của ngày càng nhiều cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học thuật trong việc đề ra cách thức phân tích vấn đề, định hình chiến lược, hoạch định chính sách và thực hiện chúng. Ví dụ, không có chính phủ hay tổ chức quốc tế khu vực trên và do đó WEF đóng vai trò quan trọng. Theo Tổng thư ký Gutterres, khu vực tư hiện chiếm 75% GDP toàn cầu vì vậy sự phối hợp với các doanh nghiệp là cần thiết trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xóa nghèo cùng cực đến 2030.
Chủ tịch Tập Cận Bình với bài phát biểu khai mạc DAW có tiêu đề “Hãy để ngọn đuốc chủ nghĩa đa phương thắp sáng con đường phía trước của nhân loại” kêu gọi sự hồi sinh của chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch và cho rằng “sự biệt lập kiêu ngạo sẽ thất bại”. Đồng quan điểm, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đại dịch Covid là “thời khắc của chủ nghĩa đa phương” và chúng ta phải chọn cách tiếp cận đa phương và chủ nghĩa biệt lập không phải là giải pháp. Thủ tướng Merkel thúc giục các nhà lãnh đạo nhìn về phía trước và thúc đẩy WTO nhằm vượt qua tình trạng “bế tắc” ở tổ chức này những năm gần đây. Bà cũng cho rằng đại dịch làm nổi bật tầm quan trọng của các thỏa thuận quốc tế như Công ước đa dạng sinh học và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và cam kết phối hợp với cộng đồng quốc tế để đối mặt các thách thức toàn cầu nhằm hiện thực một thế giới đoàn kết. Theo đó, Nhật Bản thể hiện cam kết không thay đổi đối với thương mại tự do và sẽ nỗ lực tăng cường các luật lệ của hệ thống thương mại đa phương và dẫn dắt nỗ lực cải tổ WTO. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng thúc giục về lâu dài, các nước cần phải phối hợp với nhau để làm mới và củng cố các thể chế quốc tế như WTO. Ngoài ra, cần phải tạo ra những luật lệ mới nhằm quản trị và thúc đẩy những hình thức đổi mới của hoạt động kinh tế như kinh tế số.
Theo đánh giá của Tân Hoa Xã, việc WEF tổ chức DAW sau khi Tổng thống Biden nhậm chức thể hiện sự hy vọng chính quyền mới của Mỹ có thể tham dự do chính quyền Biden đã cam kết quay lại chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vắng mặt tại DAW do những chương trình nghị sự nổi cộm trong nước. Bất chấp điều đó, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn hiện diện và tiếp tục nỗ lực giải quyết các thách thức chung và cánh cửa vẫn để ngỏ cho sự tham gia của Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu thúc giục chính quyền Biden tái khởi động hợp tác quốc tế và tái can dự với các diễn đàn đa phương sau 4 năm chính quyền Trump thực thi chính sách “nước Mỹ trên hết”. Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron đều hoan nghênh việc chính quyền Biden quay trở lại WHO và hy vọng chính quyền Biden hiện tại sẽ làm việc để tăng cường WTO, thể chế mà bà Merkel mô tả là “thành tố then chốt của thương mại dựa trên luật lệ trên thế giới.” Tổng thống Macron tương tự cho rằng “chủ nghĩa đa phương hiệu quả” sẽ dễ dàng hơn dưới thời chính quyền Biden.
(ii) Địa chính trị và quan hệ Mỹ-Trung
Chủ đề bao trùm của DAW năm nay là “tái xây dựng lòng tin” sau thời kỳ các mối quan hệ quốc tế gặp nhiều phân tách và chia rẽ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cảnh báo về “tính mong manh” toàn cầu trong vấn đề khí hậu, chia rẽ địa chính trị, không gian mạng và giải trừ vũ khí với nguy cơ gia tăng về phổ biến hạt nhân và hóa học. Tổng thư ký cũng kêu gọi tránh “Sự rạn nứt lớn” giữa Mỹ và Trung Quốc – điều sẽ dẫn đến sự phân tách của những đồng tiền thống trị khác nhau, luật lệ thương mại, internet và các chiến lược địa chính trị và quân sự khác nhau.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các chính phủ “từ bỏ định kiến ý thức hệ và cùng nhau theo đuổi con đường cùng tồn tại hòa bình, cùng có lợi và hợp tác cùng thắng… Xây dựng các phe nhóm hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh khác sẽ chỉ đẩy thế giới đến chia rẽ và thậm chí là đối đầu”. Đồng quan điểm, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng thế giới nên tránh các khối chiến tranh lạnh đối đầu nhau. Bà Merkel phản đối lời kêu gọi châu Âu phải chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ khi Tổng thống Mỹ tìm cách tập hợp các nền dân chủ chống Trung Quốc. Tổng thống Nga Putin cũng cảnh báo rằng thế
giới có nguy cơ rơi vào “một cuộc xung đột toàn diện” mà có thể “chấm dứt nền văn minh của chúng ta” nếu những quan ngại phát triển toàn cầu không được giải quyết. Tổng thống Putin hoan nghênh chính quyền mới của Mỹ và quyết định gia hạn New START giữa 2 nước, cho rằng đây là “một bước đi đúng hướng” nhưng vẫn còn nhiều bất đồng giữa hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực tăng cường liên minh với Mỹ dưới thời Biden và thúc đẩy các mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc và Nga. Nhật Bản cũng sẽ phối hợp với các nước cùng chí hướng và nỗ lực thúc đẩy việc hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên để các quốc gia phối hợp với nhau “không đơn giản là vấn đề gây dựng hay thể hiện thiện chí” mà “trật tự thế giới cần phải được định hình bởi những mối quan hệ ổn định giữa các cường quốc.” Ông cho rằng quan hệ nước lớn trong thời gian qua có nhiều bất đồng, đáng lo ngại nhất là quan hệ Trung – Mỹ, khi cả hai nước đều thể hiện lập trường quyết đoán và không nhân nhượng gần đây. Theo ông Lý, bối cảnh chiến lược đã thay đổi đáng kể do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những nhượng bộ với Trung Quốc khi nước này còn yếu vẫn còn nhưng chúng “cần phải được xem xét và tính toán lại”. Sự tăng trưởng của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho không chỉ người dân của họ mà tất cả các đối tác thương mại của Trung Quốc ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Mặt khác khi ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới gia tăng, Bắc Kinh cũng cần phải “gánh tránh nhiệm nhiều hơn trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu” đồng thời thuyết phục về tính hợp pháp của chúng và sự thừa nhận từ các nước khác. Mặc dù Mỹ đang dẫn trước Trung Quốc về công nghệ, trình độ kỹ thuật và sức mạnh quân sự, Washington phải phát triển mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc. Theo Thủ tướng Singapore, nếu Mỹ xem Trung Quốc như là mối đe dọa, đây sẽ là một vấn đề rất lớn bởi vì cuộc đấu tranh giữa hai nước sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng Mỹ đừng hy vọng Trung Quốc sẽ biến mất hoặc “sụp đổ như Liên Xô.” Vì vậy ông kêu gọi hai nước làm việc với nhau để giải quyết vấn đề, nếu không sẽ trở thành mối quan hệ đối đầu toàn diện, kéo theo những vấn đề và thách thức dài hạn. Điều này sẽ không có lợi cho Mỹ hoặc Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác.
2.4. Những tầm nhìn mới về chủ nghĩa tư bản
Ngoài ba trọng tâm chính nêu trên, Tuần lễ Davos 2021 còn nổi lên một chủ đề mới, đó là việc đưa ra hai tầm nhìn mới về chủ nghĩa tư bản.
(i) Chủ nghĩa tư bản nhiều bên liên quan
Tại DAW, Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF – GS Klaus Schwab – chính thức giới thiệu cuốn sách mới của ông với tên gọi “Chủ nghĩa tư bản nhiều bên liên quan” (stakeholder capitalism) – một tầm nhìn về chủ nghĩa từ bản từ lâu được ông cổ xúy. Cuốn sách kêu gọi một nền kinh tế toàn cầu hậu Covid mang tính bao hàm, bền vững và tự cường hơn để đối mặt với những thách thức như gia tăng bất bình đẳng thu nhập và việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo GS Schwab, “chúng ta cần phải chuyển từ một thế giới chỉ đơn giản dựa vào các mục tiêu vật chất sang một thế giới mà có nhận thức tốt hơn về phúc lợi của người dân… Chúng ta đang chứng kiến thay đổi tư duy từ việc tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn sang một thế giới được định hình nhiều hơn bởi trách nhiệm của các bên liên quan”. Điều này có nghĩa là “tìm ra các phương thức thành công mà cho phép chúng ta vượt ra ngoài sự tập trung thiển cận vào GDP và lợi nhuận ngắn hạn.” Tương tự, Chủ tịch WEF Børge Brende chia sẻ: “hồi phục từ đại dịch và định hình tương lai của chúng ta theo một cách công bằng, bền vững và tự cường chỉ có thể xảy ra nếu như các bên liên quan phối hợp với nhau”.
Chủ nghĩa tư bản nhiều bên được thiết kế để mang lại lợi ích cho mọi người thay vì chỉ các cổ đông, hàm ý các công ty tìm kiếm việc tạo ra giá trị dài hạn, cân nhắc nhu cầu của tất cả các bên liên quan của họ, bao gồm xã hội nói chung. GS Schwab cho rằng đại dịch cho thấy các công ty cam kết với chủ nghĩa tư bản nhiều bên tham gia hoạt động tốt hơn những công ty khác bởi vì họ đầu tư vào sức sống lâu dài của công ty. Ông kêu gọi một định nghĩa rộng hơn về tư bản (vốn), mà bao hàm “vốn con người, vốn xã hội và vốn tự nhiên” bởi vì tất cả những khía cạnh vốn đó kết hợp lại tạo thành của cải và sự thịnh vượng. Ông cũng lưu ý rằng chúng ta cần sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nếu chúng ta định tiến đến một cuộc cách mạng kỹ năng toàn cầu. “Thế giới tương lai không phải là thế giới của chủ nghĩa tư bản, đó là một thế giới của „chủ nghĩa tài năng‟.” Nói cách khác, vốn được thay thế bởi tài năng của con người như nhân tố quan trọng nhất của sản xuất. Covid-19 đã tăng cường việc áp dụng công nghệ, nhưng để các tổ chức hưởng lợi đầy đủ từ công nghệ, họ phải ủng hộ sự phát triển của một lực lượng lao động thành thạo kỹ thuật số.
WEF đã phát triển một bộ Số liệu đo lường chủ nghĩa tư bản nhiều bên liên quan nhằm giúp các công ty đo lường không chỉ là lợi nhuận của họ mà còn “Các nguyên tắc quản trị, Hành tinh, Người dân và Thịnh vượng”. Ngày 26/1/2021, 61 CEO của các công ty hàng đầu thế giới đã công khai ủng hộ Bộ dữ liệu đo lường Chủ nghĩa tư bản nhiều bên liên quan này. Mục tiêu chính là để thể hiện rằng khu vực tư nghiêm túc về tính bền vững và sẵn sàng can dự như một bên tình nguyện vào cuộc đối thoại dẫn đến một bộ tiêu chuẩn đồng nhất toàn cầu cho báo cáo về tính bền vững. Rộng hơn, mục tiêu của WEF là khuyến khích tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ vận dụng bộ dữ liệu đo lường này để thể hiện với các nhà đầu tư, quản lý và xã hội nói chung rằng chủ nghĩa tư bản nhiều bên tham gia có thể là một lực lượng tiến bộ, cho người dân và hành tinh của chúng ta. DAW cũng chứng kiến sự ra đời của Sáng kiến “Đối tác cho Công bằng sắc tộc trong kinh doanh”, một liên minh gồm 50 tổ chức cam kết thúc đẩy công bằng sắc tộc và dân tộc trong môi trường làm việc.
(ii) Chủ nghĩa tư bản “nhân văn”
Cũng bàn về chủ nghĩa tư bản, đáng chú ý tại DAW Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại với nền kinh tế mở “không còn hữu hiệu” trong môi trường hiện nay và thúc giục các nhà lãnh đạo toàn cầu tập trung giải quyết vấn đề bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh “đang có một cuộc khủng hoảng đạo đức và kinh tế” trong đó công nhân mất việc làm qua những cú sốc kinh tế và một sự mất kết nối ngày càng tăng giữa việc tạo ra giá trị và lợi nhuận. Việc tài chính hóa chủ nghĩa tư bản có những điểm tích cực, tuy nhiên nó cũng dẫn đến việc “lợi nhuận không gắn kèm với sự đổi mới sáng tạo hay công việc”. Ông cho rằng điều này dẫn đến tính trạng bất bình đẳng. Theo đó, hai đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong hệ thống tư bản hiện tại là các cổ đông và khách hàng, trong khi công nhân và hành tinh của chúng ta phải trả giá. Tổng thống Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua sự phi kiểm soát và thù địch với sự can thiệp của nhà nước cũng như cải tổ nhằm đảm bảo các công ty nghiêm túc xem xét tác động xã hội, môi trường và dân chủ trong các dự án kinh doanh của họ.
Tổng thống Macron nêu bật nỗ lực xây dựng “Đồng thuận Paris” tại Diễn đàn Hòa bình Paris của các nhà lãnh đạo năm ngoái tại Pháp. Ông cho rằng cần phải vượt qua mô hình “Đồng thuận Washington” vốn được xem là một tập hợp các ý tưởng thị trường tự do và các chính sách được IMF, WB và chính quyền Mỹ cổ xúy trên toàn cầu vào cuối thế kỷ XX như các chính phủ kiểm soát một cách trách nhiệm về thâm hụt tài khóa và tư nhân hóa. Ông cho rằng “nền kinh tế của ngày mai phải đồng thời suy nghĩ về sự đổi mới, tính dễ tổn thương và tính nhân văn”. Đó là “một nền kinh tế có tính đàn hồi hơn với các cú sốc và có khả năng tích hợp các yếu tố đối kháng trong các chuỗi sản xuất, một nền kinh tế cân nhắc nghiêm túc nguyên tắc nhân văn trong các vấn đề y tế cũng như bất bình đẳng xã hội”. Đồng thời ông kêu gọi các công ty xây dựng tính cạnh tranh với những cân nhắc về khí hậu và đa dạng sinh học, theo đó cần có sự can dự nỗ lực hơn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các quốc gia trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2016 và thực hiện các quy tắc toàn cầu tương tự cho đa dạng sinh học (ví dụ như Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc ở Côn Minh, Trung Quốc năm 2021 cần đàm phán một thỏa thuận đa dạng sinh học tương tự như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
2.5. Công nghệ số
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ số hóa của các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng, tính kết nối, tự động hóa, các giải pháp thông minh và sự triển khai các công cụ như in 3D, máy bay không người lái và thực tế ảo. Tại DAW, nhiều nhà lãnh đạo đã nêu bật tầm nhìn chuyển đổi đất nước theo nền kinh tế số. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chia sẻ tham vọng của Nhật Bản trở thành “một quốc gia của khoa học và công nghệ mà có thể dẫn dắt thế giới với sự đổi mới sáng tạo, thậm chí trong cả kỷ nguyên hậu Covid”. Thủ tướng Singapore cho rằng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế số có nghĩa là chúng ta cần phải phát triển những quy chế mới cho thương mại điện tử. Singapore đã ký kết những thỏa thuận kinh tế số với các nước có cùng chí hướng. Ông hy vọng đây chỉ là khởi đầu và các nước cần phải phối hợp với nhau để định hình nền kinh tế số trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ cũng đi kèm cái giá phải trả về mặt xã hội: những người ít chuẩn bị hơn đã bị mất lợi thế và tính riêng tư của dữ liệu và các nguy cơ an ninh mạng trở nên phổ biến hơn. Thủ tướng Singapore cho rằng công nghệ đã trở thành một phần của giải pháp nhưng chúng ta cũng cần phải đảm bảo sự tiếp cận mang tính bao hàm. Trong nội bộ các nước, điều quan trọng là các thành phần dân số – ví dụ người già – không bị bỏ lại phía sau. Các chính quyền và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để khai thác thị trường mới và phát triển các công nghệ mới. Trên phạm vi toàn cầu, cần có nhiều kế hoạch nhằm khuyến khích và tăng cường tiếp cận internet. Rộng hơn, những luật lệ mới cho thương mại tự do cần được phát triển để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế số và thúc đẩy chu chuyển dữ liệu và thanh toán điện tử xuyên biên giới một cách an toàn, đảm bảo và hiệu quả.
Tại DAW, các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Nga Putin đã nêu quan ngại về quyền lực và sự độc quyền của các Tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) đang đe dọa nền tảng dân chủ, nêu ví dụ về vai trò của các mạng xã hội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho biết năm ngoái EU đã công bố dự thảo cho Luật Thị trường số và Dịch vụ số của EU vốn được thiết kế nhằm cắt giảm quyền lực thị trường của các Big Tech và hạn chế các nội dung phi pháp trên mạng. Bà khuyến khích chính quyền Biden tham gia với EU để thiết lập “Quy tắc kinh tế số”. Các quy tắc xuyên quốc gia cho nền kinh tế số sẽ dựa trên nhân quyền, chủ nghĩa đa nguyên và bao hàm cũng như các quy tắc bảo vệ thông tin và sự riêng tư và an ninh của các cơ sở hạ tầng quan trọng.
2.6. Kế hoạch tổ chức Hội nghị thường niên WEF tại Singapore năm 2021
Phát biểu kết thúc DAW, Thủ tướng Singapore đánh giá cao vai trò của WEF như một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy đối thoại, nơi mà lãnh đạo của các quốc gia nhỏ cũng như lớn có thể lên tiếng và được lắng nghe. Do đó, Singapore đã đồng ý tổ chức Hội nghị thường niên WEF năm 2021 như “một đóng góp khiêm tốn cho đối thoại toàn cầu.”
Sau khi DAW kết thúc, trong một thông cáo báo chí ngày 3/2/2021, WEF đã thông báo sẽ lùi thời điểm tổ chức Hội nghị thường niên WEF tại Singapore từ ngày 25-28/5/2021 sang thời gian mới là 17-20/8/2021. Lý do được WEF nêu ra là những thách thức tiếp diễn của đại dịch cũng như những hạn chế đi lại toàn cầu với những quy định cách ly và vận chuyển hàng không khác nhau của các nước khiến cho việc tổ chức Hội nghị vào nửa đầu năm 2021 là rất khó khăn. Bộ trưởng Công thương Singapore đã chia sẻ chính phủ Singapore “hiểu những thách thức” mà WEF phải đối mặt và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WEF để đảm bảo tổ chức an toàn và thành công Hội nghị thường niên đặc biệt của WEF ở Singapore.
Các chuyên gia cho rằng việc chọn Singapore là nơi tổ chức hội nghị cũng thể hiện thế giới có niềm tin lớn hơn vào việc phục hồi hậu Covid ở châu Á hơn là những nơi khác và đây có thể được xem như một tín hiệu rằng các nước châu Á sẽ đóng vai trò trung tâm hơn trong tương lai khi mà Bắc Mỹ và châu Âu vẫn còn vật lộn với tình hình đại dịch nghiêm trọng chưa kiểm soát đươc.35 Như Chủ tịch WEF Borge Brende chia sẻ 2021 là năm “châu Á chiếm 50% GDP toàn cầu. Châu Á cũng chiếm 50% dân số toàn cầu.”
Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF cho rằng “một hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo toàn cầu cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan toàn cầu” và Hội nghị thường niên ở Singapore vào tháng 8/2021 sẽ cung cấp địa điểm cho các nhà lãnh đạo từ doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự phối hợp với nhau nhằm giải quyết từng bước cho sự hồi phục toàn cầu.”36 WEF dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.000 đại biểu (và nếu điều kiện cho phép có thể lên đến 1.800 người) đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh WEF tại Singapore. Nếu được tổ chức như kế hoạch, đây sẽ là hội nghị toàn cầu đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Các Hội nghị thường niên trước đây của WEF ở Davos thu hút khoảng 3.000 đại biểu và hàng ngàn chục nghìn người khác tham gia các sự kiện bên lề. Hội nghị thường niên WEF năm 2022 sẽ quay lại địa điểm truyền thống Davos, Thụy Sỹ.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)