Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của Hàn Quốc về danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phổ biến các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, sáng ngày 27/12, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức Hội thảo phổ biến “Hệ thống quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (PLS) của Hàn Quốc”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đồng – chuyên viên phụ trách thị trường Hàn Quốc của Vụ châu Á – châu Phi đã thông tin về hệ thống PLS của Hàn Quốc đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm và hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn PLS.
PLS – Positive List System là hệ thống quản lý được đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý sự an toàn về thuốc trừ sâu. Đáng lưu ý, trong PLS, quy tắc “mức đồng nhất” (0,01 mg/kg hoặc ít hơn) được áp dụng cho tất cả các loại thuốc trừ sâu, trừ những loại đã quy định Hạn mức dư lượng tối đa (MRL) tại Hàn Quốc; quy tắc này được đưa ra nhằm kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm ở mức bằng hoặc dưới mức không có hại, kể cả khi con người sử dụng một loại thực phẩm đó cả đời.
Tại Hàn Quốc, PLS được triển khai từ ngày 31/12/2016 đối với các loại hạt và trái cây nhiệt đới. Và sẽ được triển khai trên tất cả các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc từ ngày 1/1/2019.
Theo ông Đồng, việc Hàn Quốc và một số quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng hệ thống PLS là do thực phẩm nhập khẩu vào các quốc gia này ngày càng nhiều và đa chủng loại. Trong khi đó, hệ thống hiện có bị hạn chế trong việc đảm bảo tính an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu, việc triển khai PLS sẽ giúp hướng dẫn nhập khẩu và phân phối hàng nông sản được an toàn.
Với việc triển khai PLS, tiêu chuẩn dư lượng cho phép sẽ có sự thay đổi. Theo đó, ngoại trừ những loại thuốc trừ sâu đã thiết lập quy định Hạn mức dư lượng tối đa (MRL) sẽ không bị ảnh hưởng, còn lại, đối với các loại thuốc trừ sâu mới hoặc chưa thiết lập MRL, tức là đang áp dụng Condex MRL cho từng cây trồng cụ thể, áp dụng mức thấp nhất của các MRL được quy định cho các loại cây trồng tương tự hoặc áp dụng hạn mức thấp nhất được đặt ra cho các loại thuốc trừ sâu liên quan sẽ chịu áp dụng mức đồng nhất 0,01 mg/kg. Đây được cho là tiêu chuẩn rất khắt khe. Đặc biệt là trong bối cảnh quản lý chất lượng và quản lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với hàng nông sản Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu.
Song song với triển khai PLS, Hàn Quốc cũng sẽ thắt chặt kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, nâng số thuốc trừ sâu chứa nhiều thành phần thuộc nhóm đối tượng phân tích lên 370 chất, trong đó, bao gồm cả 134 loạt thuốc trừ sâu chưa có tiêu chuẩn về ngưỡng tồn dư cho phép; tiến hành phân tích đơn thành phần theo thông tin về mức độ độc hại. Đối với hàng nông sản lần đầu xuất khẩu sang Hàn Quốc không đạt tiêu chuẩn kiểm tra sẽ chịu kiểm tra chuyên sâu liên tiếp 5 lần tiếp theo trước khi được cho phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế đến từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng thông tin đến các đại biểu tình hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian qua; thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có thị trường Hàn Quốc; thực trạng việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và tình hình đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng nông sản thực phẩm sang thị trường Hàn Quốc.
Tận dụng tốt hơn VKFTA
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương cho biết, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 tạo khuôn khổ pháp lý hiệu quả cho thương mại 2 quốc gia, trong đó có nhiều ưu đãi cho nông lâm thủy sản Việt Nam vào Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Hàn Quốc là một thị trường khó tính và để tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ VKFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của Hàn Quốc về kiểm dịch động thực vật. Việc áp dụng “mức đồng nhất” sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc gặp khó khăn.
Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt 61,5 tỷ USD. Hàn Quốc là đối tác quan trọng bậc nhất của Vệt Nam. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, nguyên nhiên liệu, nguyên phụ liệu dệt. Xuất khẩu của Việt Nam – Hàn Quốc mang tính bổ sung, không có sự trùng lặp cạnh tranh. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Trong VKFTA, Hàn Quốc xóa bỏ ngay lập tức 95% dòng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm của Việt Nam, và Việt Nam xóa bỏ 89% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Hàn Quốc. Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nông sản “nhạy cảm” như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang.
Mặc dù vậy, việc tận dụng VKFTA còn chưa hiệu quả. Cụ thể, đối với thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam được miễn thuế tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm. Và mới chỉ doanh nghiệp phía Bắc và phía Nam quan tâm tận dụng VKFTA, khu vực miền Trung còn yếu. Trong giai đoạn 2015 – 2017, nông sản Việt Nam có 59 lần bị từ chối nhập khẩu vào Hàn Quốc (chỉ đứng sau Ấn Độ 74 lần).
Ông Hưng khuyến nghị, để tận dụng hiệu quả VKFTA, doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc phải chú ý kiểm tra tiêu chuẩn của Hàn Quốc về dư lượng cho phép đối với loại thuốc trừ sâu định sử dụng cho nông sản, nếu không có tiêu chuẩn quy định tuyệt đối không được sử dụng. Nếu nhất thiết phải sử dụng loại thuốc trừ sâu đó, phải đạt tiêu chuẩn của “mức đồng nhất” 0,01 mg/kg khi kiểm tra tồn dư.
Doanh nghiệp có thể đăng ký tiêu chuẩn cho phép dư lượng thuốc trừ sâu với thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc cho các loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng hợp pháp tại Việt Nam hay các nước xuất khẩu khác qua công ty thuốc trừ sâu ở Hàn Quốc hay thông qua cố vấn; hoặc đăng ký trực tiếp với Bộ An toàn Thực phẩm – Dược phẩm Hàn Quốc./.
Vũ Lê