TS. Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế không đợi ‘nước đến chân mới nhảy’, phải có kế hoạch ứng phó với khó khăn

0
102
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng của năm 2022. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Trong năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước trong khu vực châu Á.

Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng của năm 2022. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Nhiều điểm sáng nổi bật

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật, với những con số ấn tượng. Đơn cử như kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt cả năm ngoái. Xuất siêu đạt hơn 10 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 0,6 tỉ USD.

Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, Bộ Công Thương dự kiến, vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD. Con số này sẽ xác lập một cột mốc mới sau kết quả của năm 2021 (668,5 tỷ USD).

Song song với đó, những ngày cuối năm, nhiều tín hiệu tích cực đến từ nông sản Việt. Nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao vươn tới các thị trường khắt khe như châu Âu. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đã chạm mốc 49 tỷ USD (còn cả năm ngoái là 48,6 tỷ USD)

Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam, sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với 11 tháng năm 2021. Thu Ngân sách Nhà nước vượt hơn 16% dự toán; doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng 33%.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cũng thông tin rằng, thời gian qua, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023.

Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu”, dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% – là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN.

Còn Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%…

Phục hồi thành công

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, nhiều chính sách về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Chính phủ đã được thực hiện tốt. Nổi bật như mặt bằng giá cả được ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, đặc biệt là chỉ số lạm phát cơ bản cũng chỉ trên 2%. Dòng vốn FDI thực hiện năm qua tăng đáng kể, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt của năm 2021 và thặng dư thương mại trên 10,6 tỷ USD… Đây là một trong những nền tảng tốt, tạo ra sự phục hồi và sức bật của nền kinh tế.

Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, trong năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước trong khu vực châu Á mà chúng ta có sự so sánh tương quan.

Việc đạt và vượt mục tiêu của 14/15 chỉ tiêu đề ra (một chỉ tiêu không đạt là tăng năng suất lao động) về phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 là một bằng chứng rõ nét cho thấy chúng ta đã có sự phục hồi hậu Covid-19 thành công.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều nước thu hẹp, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng của năm 2022”.

Dù vậy, Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, những “cơn gió ngược” vẫn đang tác động đến Việt Nam và nền kinh tế vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể như biến động về cung cầu một số các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, hay biến động về tỷ giá…

Đặc biệt, đầu tư công thông qua gói phục hồi kinh tế được Quốc hội, Chính phủ thông qua để thực hiện trong 2 năm 2022-2023 (được kỳ vọng là động lực rất lớn cho sự phục hồi của Việt Nam hậu Covid-19) chưa được như kỳ vọng.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh khó chồng khó, các doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Song tình trạng mất việc làm  vẫn xuất hiện cục bộ tại một số địa phương do nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Không đợi “nước đến chân mới nhảy”

Bước sang năm 2023, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, lạm phát toàn cầu mặc dù được dự báo là đã đạt đỉnh và có thể cuộc chạy đua về tỷ giá và lãi suất không còn căng thẳng như năm 2022, nhưng nó chưa thể chấm dứt trước khi các nước kiềm chế được lạm phát.

Do vậy, việc duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể vẫn được tiếp tục trong năm 2023.

Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia dự báo cho rằng, năm 2023, kinh tế thế giới sẽ suy giảm. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam khi độ mở của nền kinh tế đang ở mức rất cao.

Khó khăn tiếp theo là vướng mắc về thể chế và hiệu quả của thị trường trong nước. Hiện nay, chi phí vốn đang rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn không dám tăng tín dụng vì lãi suất cao, chi phí đầu vào cao, thị trường lại đang đối mặt với khó khăn chồng chất.

Để vượt qua những thách thức nêu trên, Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, cần phải có sự phối hợp giữa bàn tay quản lý của Nhà nước cũng như sự tự chủ, chủ động vượt qua khó khăn của doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, về phía doanh nghiệp, thay vì chờ đợi và kêu gọi hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp nên chủ động tham gia cùng với cộng đồng các cơ quan tư vấn, cơ quan nghiên cứu chính sách để kịp thời có tiếng nói cải thiện các cách tiếp cận của Nhà nước trong các chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, để các chính sách hài hòa với thị trường, phù hợp quy luật thị trường.

Phó Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: “Không đợi ‘nước đến chân mới nhảy’ mà phải lường trước rủi ro để có kế hoạch ứng phó. VEPR mong muốn đồng hành với doanh nghiệp, với các cơ quan hoạch định chính sách để có những dự báo chính xác, những chính sách hiệu quả, từ tâm huyết của cả doanh nghiệp và Nhà nước, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Việt Nam”.

Linh Chi

  • TS. Nguyễn Quốc Việt hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here