Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2022. Cùng với 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã có hiệu lực, RCEP sẽ cho phép hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường hơn với mức thuế suất thấp hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia và giới quan sát quốc tế, Việt Nam có thể sẽ nhận thấy những lợi ích trong ngắn hạn từ việc trở thành thành viên của Hiệp định RCEP. Việt Nam coi RCEP là một trong những thành công của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nhu cầu phục hồi kinh tế.
Steven Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn địa chiến lược McLarty Associates, cho rằng RCEP là một thỏa thuận quan trọng, đặc biệt là khi giúp thương mại dễ dàng hơn và tích hợp chuỗi cung ứng tốt hơn: “Về dài hạn, nếu RCEP đưa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn về thương mại, điều này sẽ hạn chế sự hội nhập kinh tế của Mỹ trong khu vực, song có thể mang lại cơ hội cho các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. RCEP có thể sẽ không ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc”.
Đối với Việt Nam, RCEP cũng sẽ mở đường cho các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Riêng trong khối ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị sản xuất hàng năm của Việt Nam đã vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn nhập siêu hàng chục tỷ USD mỗi năm với các thị trường lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nguyên liệu nhập khẩu từ các nước RCEP sẽ được coi là nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi sản phẩm được xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP. Điều này cho phép sản phẩm xuất khẩu được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam, giảm mức thuế do nước nhập khẩu áp dụng. Đây cũng là những quốc gia cung cấp lượng nguyên liệu khổng lồ cho các ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam như điện tử, linh kiện, dệt may, da giày …
Vì vậy, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP, khi có các sản phẩm thế mạnh như nông sản, thủy sản đáp ứng nhu cầu của hầu hết các thành viên RCEP. Nhờ sự hài hòa các quy tắc xuất xứ trong khối RCEP, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan và gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Từ quan điểm của Việt Nam, việc tham gia RCEP mang lại cả ưu và nhược điểm. Dù triển vọng tăng xuất khẩu sẽ dẫn đến các chỉ số tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, song vẫn có những lo ngại về việc hiệp định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường nội địa, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số công ty, sẽ phải chứng kiến “cơn lũ” hàng hóa từ các nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cho biết các công ty vừa và nhỏ phải cải tiến để tồn tại vì “nội lực rất yếu. Trong một thị trường cạnh tranh, nếu họ không cải thiện, họ rất dễ bị đào thải”.
Okun, cựu Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Singapore, cho biết Việt Nam có lợi thế lớn so với hầu hết các thành viên RCEP vì đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): “CPTPP cũng có các quy tắc thương mại kỹ thuật số chất lượng cao, nếu được thực thi đầy đủ, sẽ củng cố nền kinh tế số của Việt Nam và mở ra cơ hội mới để nền kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam.
Việt Nam nên hành động ngay lập tức để thực hiện các cam kết trong CPTPP và vươn xa hơn bằng cách thiết lập các hiệp định thương mại kỹ thuật số mới, chẳng hạn như với các đối tác chính như Singapore và Mỹ. Điều này sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế ưu tiên trong việc phát triển nền tảng cho sự phục hồi kinh tế, là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi từ cả RCEP và CPTPP, đồng thời tối đa hóa cơ hội phát triển thông qua nền kinh tế số”.
Thu Hằng