Truyền thông quốc tế đánh giá cao về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam năm 2021

0
92
(Internet)

Các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá cao tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, hiện dẫn đầu 4 nền kinh tế mới nổi trong ASEAN, với kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức trước đại dịch.

Báo cáo của Ngân hàng Maybank Kim Eng gần đây nhận định, Việt Nam có vẻ như đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trở lại trong số 4 nền kinh tế mới nổi ở ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) khi Việt Nam đang có kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức trước đại dịch. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua nguy cơ suy thoái với mức tăng trưởng kinh tế dương, xuất nhập khẩu cả năm tăng 6,9%. Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 29,6%, trong đó, các mặt hàng máy móc, máy tính và điện tử tăng mạnh.

Theo Maybank, kinh doanh và bán lẻ của Việt Nam cũng đang phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Mặc dù đợt lây nhiễm gần đây đang hạn chế khả năng di chuyển của người dân, Cơ quan này vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 ở mức 6,5%. Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam đang thu lợi về xuất khẩu và sản xuất trong năm 2021, khi nhu cầu toàn câu tăng lên.
Trong bài viết mới nhất về Việt Nam, thời báo tài chính Nikkei nhận định, cho đến nay, Việt Nam tương đối không bị tác động bởi đại dịch, nhờ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nhưng hiện giới chức cảnh giác cao độ khi các ca liên quan đến các biến thể mới đang gia tăng. Các chuyên gia nhận định, nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và con người, làm mất lòng tin của công chúng.
Trong một bài viết của mình hồi tháng 4, trang tư vấn đầu tư Vietnam Briefing nhận định, Việt Nam đã củng cố vị thế là một điểm đến đầu tư an toàn và ổn định trên cơ sở những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của đất nước, trong đó có vị trí chiến lược, hệ thống chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và môi trường tương đối thông thoáng cho FDI mà cốt lõi là các chiến lược hiệu quả của chính phủ trong chống đại dịch.
Mặt khác, Việt Nam cũng đã tạo ra một nền tảng cụ thể để phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021, với việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng giúp cải thiện môi trường kinh doanh, cùng với đó là mạng lưới thương mại tự do với Vương quốc Anh, EU và các quốc gia RCEP. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam tăng trưởng trở lại lên 6,7% và vẫn là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng dương trong 5 nền kinh tế lớn ở ASEAN năm 2021.
Hiện, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu cơ khí Ấn Độ (EEPC) Mahesh Desai cho biết, các doanh nghiệp nước này có thể tìm cách khai thác thị trường thiết bị y tế đang phát triển của Việt Nam. Theo tờ Times of India, Việt Nam đáp ứng gần 90% nhu cầu thiết bị y tế thông qua nhập khẩu, với khoảng 55% tổng lượng nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc và Singapore. Thị trường nội địa của Việt Nam có khoảng 50 nhà sản xuất đóng góp chưa đến 10% thị phần.
“Việt Nam xuất hiện trong số các thị trường hàng đầu về xuất khẩu thiết bị y tế của Ấn Độ và cũng đóng vai trò là bàn đạp tới các nước ASEAN. Nhiều nhà sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm của Ấn Độ đã gia nhập và đầu tư vào thị trường Việt Nam, đây là một dấu hiệu rất tích cực” – ông Desai cho biết.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam là một trong những nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng 50% trong lĩnh vực này năm 2020. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của năng lượng tái tạo với 278 gigawatt, tăng 45% so với năm trước đó và là mức tăng trưởng lớn nhất trong hơn 20 năm kể từ 1999. Sự bùng nổ về năng lượng tái tạo này được IEA nhận định là xuất phát từ các quyết định chính sách ở Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.
(Thu Thuỷ/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here