Trong những năm gần đây, Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với một số nền kinh tế hoặc khu vực kinh tế. Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư EU-Việt Nam đã chính thức được ký kết tại Hà Nội. Đây là một cột mốc quan trọng đối với thương mại toàn cầu của Việt Nam.
EVFTA là con dao hai lưỡi, nếu…
Đối với Việt Nam, tờ Global Times cho rằng, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, hải sản, quần áo và giày dép có thể được hưởng lợi từ thỏa thuận này, trong khi các sản phẩm của EU (như ô tô, sản phẩm sữa và rượu vang) và dịch vụ có thể có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam.
Về giá trị thương mại, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đạt tổng cộng 56,3 tỷ USD vào năm 2018, trong đó Việt Nam là bên có thặng dư thương mại. Một khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nó sẽ có khả năng loại bỏ sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên, đồng thời cũng thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Nhưng một hiệp định thương mại tự do cũng là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam, vì tác động của thỏa thuận đối với năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam không thể bị xem nhẹ. Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế đang phát triển có quan hệ đối tác thương mại tự do của EU, do đó, chắc chắn nền kinh tế và các công ty Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực lớn.
Các tiêu chuẩn sản xuất tương đối cao liên quan đến các chỉ số môi trường và địa lý, cũng như các tiêu chuẩn quá cao về quyền con người và quyền lao động dự kiến sẽ tác động mạnh đến một cách toàn diện. Việc các công ty và cơ quan quản lý Việt Nam đối phó với những thách thức này ra sao, để thực sự tăng xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang EU như thế nào, chính là chìa khóa để trả lời câu hỏi: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội do hiệp định thương mại tự do mang lại hay không?
Người bảo vệ cho thương mại tự do
Về phía EU, mới đây trang mạng The Diplomat có bài viết cho rằng, với việc ký kết Hiệp EVFTA, EU muốn trở thành “người bảo vệ” cho chủ nghĩa đa phương được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho Đông Nam Á.
Theo bài viết, EVFTA có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ của Việt Nam với châu Âu, mà còn đối với vai trò lớn hơn của EU tại Đông Nam Á.
EVFTA mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng cho cả EU và Việt Nam, với việc từng bước cắt giảm 99% thuế quan. Thỏa thuận cho phép EU đẩy mạnh “quảng bá” bản thân với tư cách là “người bảo vệ” chính cho thương mại tự do và đa phương, vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy bảo hộ thương mại và thương chiến Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mới đây trên tờ Wall Street Journal, Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản nhận định Việt Nam có thể là bên được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại tự do với EU, một phần do châu Âu mong muốn lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại với tư cách là “người ủng hộ” thương mại tự do hàng đầu trên thế giới. Cao ủy thương mại EU, bà Cecilia Malmström, ngày càng thẳng thắn về tham vọng của EU trong bối cảnh hiện nay. Thông qua EVFTA với Việt Nam, bà tuyên bố châu Âu đã gửi đi “một thông điệp mạnh mẽ rằng ‘chúng tôi tin tưởng vào thương mại tự do’”.
Mặc dù chưa chắc chắn, song việc Anh sắp rời khỏi EU, dự kiến vào cuối tháng 10 tới, là một trong những động lực để EU thiết lập quan hệ đối tác mới.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo châu Âu tăng gấp đôi nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại.
Xung đột thương mại Mỹ – Trung và những thách thức nội bộ đang thúc đẩy EU đạt được các thỏa thuận trên toàn thế giới, đặc biệt là thị trường châu Á. Bên cạnh FTA với Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), một thỏa thuận giữa EU với Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2 năm nay.
Mục tiêu lâu dài của EU tại Đông Nam Á là sử dụng các thỏa thuận song phương với các thành viên ASEAN để hướng tới một hiệp định thương mại tự do giữa hai khu vực. Sau Singapore và Việt Nam, mục tiêu tiếp theo của EU có thể là Indonesia.
Tuy nhiên, để ký kết các thỏa thuận mới, EU cần sự sẵn sàng phối hợp của các đối tác. Quan hệ của EU với Indonesia và Malaysia không còn được tốt bởi sự sụp đổ về lệnh cấm của EU đối với việc sử dụng nhiên liệu sinh học chiết xuất từ dầu cọ. Khoảng 40% dầu cọ nhập khẩu vào EU được sử dụng làm nhiên liệu. Đề xuất chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ dầu cọ xuất phát từ lo ngại về nạn phá rừng, nhưng với Indonesia và Malaysia, hai nước chiếm hơn 80% sản lượng dầu cọ toàn cầu, triển vọng đột phá về thương mại đã giảm đi đáng kể.
Trong khi đó, Anh có thể sẽ sớm đàm phán riêng với các quốc gia ASEAN sau khi rời khỏi EU. Nhờ tư cách thành viên EU, Anh có khoảng 40 thỏa thuận thương mại với hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là sau khi rời EU, liệu Anh sẽ thừa hưởng những thỏa thuận thương mại tự do này, bao gồm cả thỏa thuận với Việt Nam, hay London sẽ đàm phán các thỏa thuận mới với các điều khoản ít có lợi hơn.
Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, Việt Nam đã chứng tỏ đã đạt được một lợi thế nào đó từ những xu thế gần đây của thương mại toàn cầu.
Triển vọng các quốc gia Đông Nam Á khác có theo chân Việt Nam ký kết FTA với EU hay không phụ thuộc vào mức độ cân bằng giữa lợi ích kinh tế với mong muốn EU sử dụng thương mại như một cơ chế định hướng các giá trị của khối trên toàn thế giới.
Chu Văn