Mới đây Giáo sư Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế cơ cấu mới Trường Đại học Bắc Kinh, Viện trưởng danh dự của Viện Phát triển Quốc gia Đại học Bắc Kinh đã có “Báo cáo phát triển kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 và cọ xát thương mại Trung – Mỹ” với nhận định Trung Quốc vẫn có thể đạt được “hai mục tiêu tăng gấp đôi” nếu GDP tăng trưởng 5,3% trong năm 2020. Về triển vọng kinh tế, Giáo sư Lâm Nghị Phu cho rằng, Trung Quốc vẫn có tiềm năng để đạt mức tăng trưởng 8%. Sau đây là một số nội dung chính của bản Báo cáo này:
Năm 2020 là năm đặc biệt với Trung Quốc: là năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện “mục tiêu 100 năm” lần thứ nhất, Trung Quốc thực hiện xã hội khá giả toàn diện và là năm thu hoạch thành quả của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói. Hai chỉ tiêu định lượng quan trọng là “hai mục tiêu tăng gấp đôi”, gồm: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người của người dân thành thị và nông thôn đều tăng gấp đôi so với năm 2010.
Ông Lâm Nghị Phu cho rằng không khó để đạt được “mục tiêu 100 năm” lần thứ nhất vào năm 2020 bởi tiềm năng và dự địa phát triển của Trung Quốc còn rất lớn. Trong 41 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 9,4%; hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng để đạt tăng trưởng bình quân 8%/năm trong tương lai.
Để đạt được “hai mục tiêu tăng gấp đôi”, kinh tế Trung Quốc cần duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7,2%. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế Trung Quốc đều vượt 7,2% và tốc độ tăng trưởng năm 2020 chỉ cần đạt 5,3% là có thể thực hiện được mục tiêu. Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng 8% và việc đạt được mức tăng trưởng 5,3% là tương đối dễ dàng. Trung Quốc có thị trường rộng lớn với 1,4 tỷ dân, có nhiều không gian phát triển và công cụ chính sách.
Do dịch bệnh bùng phát, kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý đầu tiên, nhưng tăng trưởng tích cực trong quý 2. Tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm là -1,6%. Nhìn từ góc độ toàn cầu, thành tích này đạt được không dễ dàng. Trung Quốc có thể đạt được “mục tiêu 100 năm” đầu tiên vào năm 2020 hay không chủ yếu phụ thuộc vào nửa cuối năm 2020. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đạt 5,3% thì nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 12,2%. Nếu sử dụng tất cả các công cụ chính sách, Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay, để dư địa phát triển cho năm sau, bố trí như vậy là hợp lý. Nếu tốc độ tăng trưởng năm nay là 3% thì nửa cuối năm Trung Quốc chỉ cần đạt mức tăng trưởng 7,6%. Mức tăng này có lợi cho đạt được mục tiêu xóa nghèo. Tuy nhiên nếu tốc độ tăng trưởng dưới 5,3% thì “hai mục tiêu tăng gấp đôi” của Trung Quốc sẽ khó đạt được trong năm nay. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 3% trong năm 2021, thì Trung Quốc vẫn đáp ứng “mục tiêu tăng gấp đôi” lần thứ nhất tại kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản.
Về so sánh thực lực kinh tế Trung – Mỹ, ông Lâm Nghị Phu cho rằng trong 10 năm tới, tức là đến năm 2030, Trung Quốc vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 5-6%. Như vậy, Trung Quốc có thể đạt được 2 mốc quan trọng: (i) Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có thể vượt 12.700 USD. Như vậy, theo tiêu chuẩn quốc tế, Trung Quốc sẽ lọt vào danh sách các nước có thu nhập cao. Tỷ lệ dân số có thu nhập cao của Trung Quốc chiếm 34%. Đây cũng là sự thay đổi lớn của thế giới; (ii) Đến năm 2030, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách mở cửa, Mỹ sẽ không dễ dàng gây sức ép với Trung Quốc. Bởi lẽ các nước đều muốn tận dụng 2 thị trường, 2 nguồn tài nguyên trong và ngoài nước. Trung Quốc là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Các công ty của các nước đều muốn tận dụng đầy đủ thị trường Trung Quốc, phát triển kinh tế của các nước sẽ đồng hành với sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Lâm Nghị Phu cho rằng khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1/2 Mỹ, chủ nghĩa bá quyền Mỹ sẽ phải dừng lại. Dân số Trung Quốc gấp 4 lần Mỹ, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 1/2 Mỹ tức là quy mô kinh tế Trung Quốc gấp đôi Mỹ. Hơn nữa, khoảng cách chênh lệch giữa khu vực của Trung Quốc lớn. Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc, duyên hải Đông Nam và các thành phố quan trọng ở miền Trung và Tây của Trung Quốc với dân số 350 triệu người sẽ có GDP bình quân đầu người tương đương Mỹ. Điều này có nghĩa là trình độ công nghệ tại các thành phố này ngang bằng Mỹ, ưu thế công nghệ của Mỹ không còn. Ngoài ra, 1 tỷ dân Trung Quốc tại các tỉnh, thành phố khác có thu nhập bình quân đầu người bằng 1/3 Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là khu vực này có dư địa để phát triển với tốc độ cao hơn.
Để đạt được mục tiêu 100 năm lần thứ 2 vào năm 2050, Trung Quốc cần duy trì tăng trưởng 5-6% trong giai đoạn trước năm 2030, tăng trưởng từ 4%-5% trong giai đoạn 2030-2040 và tăng trưởng từ 3% – 4% trong giai đoạn 2040-2050. Đây là những mục tiêu tăng trưởng Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện được.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)