Theo Tân Hoa xã, Liên hợp tảo báo, Thời báo tài chính, ngày 19/2 tại Washington, Trung Quốc và Mỹ bắt đầu tham vấn cấp Thứ trưởng về vấn đề thương mại, ngày 21/2 sẽ diễn ra tham vấn cấp cao. Việc trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Hạc tham dự tham vấn lần này với chức danh “Đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình” sẽ tăng thêm sức nặng chính trị trong đàm phán, lần đàm phán này dự báo sẽ đạt được tiến triển lớn, nhưng hai bên khó có thể đạt được hiệp định trong ngày 1/3, thời gian đàm phán có thể kéo dài.
Lần đàm phán này hai bên nhiều khả năng sẽ đạt được thỏa thuận trong một số vấn đề: i) Giảm thâm hụt thương mại: Đây là khía cạnh ít gây tranh cãi nhất. Trung Quốc sẵn sàng tang cường mua các mặt hàng của Mỹ như đậu tương, chất bán dẫn; ii) Tăng cường chấp pháp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Đây cũng là một khía cạnh ít gây tranh cãi của cuộc đàm phán này. Bắc Kinh cho rằng những cải tiến trong lĩnh vực này cũng phù hợp với lợi ích của các công ty Trung Quốc và đã thành lập tòa án mới để tạo điều kiện cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng trong những năm gần đây, việc bảo vệ thương hiệu và bằng sáng chế của Trung Quốc đã được cải thiện.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ ít có khả năng đạt được thỏa thuận trong các vấn đề: i) Chính phủ Trung Quốc dừng việc trợ cấp và các loại hình hỗ trợ khác làm méo mó thị trường: Đoàn đàm phán Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đối với cải cách cấu trúc này, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mô hình phát triển do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo. Ngoài cam kết cải thiện tính minh bạch của các khoản trợ cấp công nghiệp, đồng thời thúc đẩy kế hoạch từng bước loại bỏ sự hỗ trợ của chính phủ trong việc mua xe ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, hay năng lượng mới đã công bố trước đây, Bắc Kinh chưa có bước nhượng bộ trong vấn đề này; ii) Chính phủ Trung Quốc dừng thực hiện, hỗ trợ hoặc dung túng cho “tấn công mạng”: Trung Quốc phủ nhận có liên quan đến bất kỳ hoạt động nào như vậy, mặc dù Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã đệ trình một loạt các cáo buộc chi tiết về nhóm tin tặc được Bắc Kinh tài trợ. Để Bắc Kinh đồng ý dừng các hoạt động mà họ luôn phủ nhận là một trong những vấn đề khó khăn nhất của đàm phán; iii) Hủy bỏ các cách làm và chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ. Bắc Kinh phủ nhận việc họ cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc lâu nay cho rằng mọi sự chuyển giao công nghệ đều tiến hành trên cơ sở “tự nguyện”, nếu có hoạt động “cưỡng chế”, đó chỉ là hoạt động không hay của quan chức địa phương. Để khắc phục tình trạng này, Quốc vụ viện Trung Quốc đang gấp rút xem xét Bộ Luật đầu tư nước ngoài mới, trong đó sẽ chính thức nghiêm cấm chuyển giao công nghệ theo kiểu “cưỡng chế”; iv) Họp hàng quý để kiểm tra tình hình triển khai: Trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận thương mại, việc thực hiện thỏa thuận cũng là một vấn đề khó khăn khác. Trung Quốc sẽ cảm thấy phẫn nộ với thực hiện mọi đề nghị của chính quyền Trump về việc họ cần kiểm tra tình hình “tuân thủ” thỏa thuận của Trung Quốc, nhất là khi đề nghị này vẫn bị đe dọa Mỹ có thể sẽ áp thuế lại đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tin từ ĐSQVN tại Trung Quốc