Euler Hermes, một công ty bảo hiểm tín dụng thương mại trực thuộc Tập đoàn Allianz, đã đưa ra một báo cáo phân tích rằng khi Trung Quốc tiến tới độc lập về công nghiệp, trong trung hạn, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Chile sẽ đối mặt thiệt hại tiềm ẩn lớn nhất; trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức đang dẫn đầu về công nghệ nên ít gặp rủi ro về việc sản phẩm của họ bị thay thế bởi sản phẩm Trung Quốc.
Theo báo cáo, quan niệm đằng sau chiến lược “vòng tuần hoàn kép” không phải là mới đối với Trung Quốc. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã nỗ lực để tái cân bằng nền kinh tế sang thị trường trong nước. Với tốc độ tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP giảm từ 35% năm 2008 xuống 24% năm 2019, đồng thời tỷ trọng nhập khẩu trong GDP tương đối ổn định, dao động trong khoảng 22% đến 25% trong giai đoạn 2009-2019. Điều này có nghĩa là phần còn lại của thế giới đã được hưởng lợi từ sự tái cân bằng kinh tế và tăng trưởng tương đối cao của Trung Quốc.
So với việc tái cân bằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự khác biệt hiện nay nằm ở chỗ mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là tận dụng sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, thay vì thông qua nhập khẩu. Trên thực tế, kể từ khi chính quyền Trung Quốc đề ra kế hoạch “Made in China 2025”, họ đã luôn thực hiện những điều chỉnh chiến lược như vậy với mục đích củng cố nền tảng ngành sản xuất của Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong một số lĩnh vực then chốt. Ngay cả khi các nhà chức trách Trung Quốc không còn trực tiếp đề cập đến “Made in China 2025” (do căng thẳng với Hoa Kỳ), chiến lược “vòng tuần hoàn kép” trên thực tế vẫn tiếp tục tuân theo các nguyên tắc về sử dụng công nghệ bản địa và tự chủ công nghiệp, điều này sẽ gây tổn hại đến các đối tác của Trung Quốc.
Euler Hermes dựa trên số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế từ một số nền kinh tế, phân tích tiềm năng sáng tạo của họ và khoảng cách với các công nghệ tiên tiến để ước tính khả năng các đối tác thương mại của Trung Quốc bị thay thế trong các lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức có số lượng đơn đăng ký sáng chế lớn nhất. Trong trung hạn, nguy cơ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức bị thay thế bởi công nghệ và sản phẩm của Trung Quốc là rất hạn chế, trong khi Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Chile nhiều khả năng sẽ mất đi thị phần ở Trung Quốc, thiệt hại trung hạn ước tính lần lượt lên tới 10,3%, 6,5%, 5,6%, 5,1% và 5% GDP. Tổn thất ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu có thể là 0,9% GDP, trong đó máy móc thiết bị, xây dựng, nông sản và sản phẩm điện tử bị ảnh hưởng nhiều nhất; các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Slovakia (1,9%), Ireland (1,8%), Malta (1,6%), Phần Lan (1,4%) và Áo (1,4%).
Dù vậy, trước khi Trung Quốc đạt được mục tiêu tự chủ của mình, chiến lược “vòng tuần hoàn kép” sẽ có tác động tích cực tới các nền kinh tế. Tuy những năm gần đây dòng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc nhìn chung chậm lại, song sáng kiến “Vành đai và Con đường” vẫn là một phần trong tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ quy củ hơn và tập trung vào các mục tiêu kinh tế quốc gia; các khoản đầu tư hỗ trợ cho việc tự chủ công nghiệp sẽ được khuyến khích. Lĩnh vực điện tử của Trung Quốc hiện đang phụ thuộc nhiều nhất vào nước ngoài. Do nhóm G7 có thể tiến hành giám sát nhiều hơn đối với đầu tư của Trung Quốc, Trung Quốc có khả năng gia tăng đầu tư trực tiếp vào Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Mexico và Chile.
Bên cạnh đó, khi đạt được quyền tự chủ về công nghệ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những rủi ro dài hạn bao gồm nợ gia tăng, doanh nghiệp thua lỗ và nguy cơ chậm tiến bộ về công nghệ. So với các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của chính phủ, điều này có thể tạo ra các doanh nghiệp nhà nước có khả năng sáng tạo và lợi nhuận yếu, dẫn đến các vấn đề dư thừa năng lực sản xuất và phân bổ sai nguồn lực.
(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải)