Cuộc họp chính sách 5 năm một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS) đã kết thúc, thông cáo sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XX nêu rõ mục tiêu tìm cách đạt được sự cân bằng mong manh giữa tăng trưởng và an ninh trước những bất ổn ngày càng gia tăng.
Lời kêu gọi tập hợp
Cụ thể, thông cáo đặt ra một loạt mục tiêu cải cách sẽ được hoàn thành trong 5 năm tới vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đúng như dự đoán, thông cáo Hội nghị Trung ương 3 ngắn gọn và không rõ ràng, nhưng vẫn cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tư duy và định hướng chính sách của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong những năm tới.
Được tổ chức trong nhiệm kỳ thứ 3 của Chủ tịch Tập Cận Bình, việc hội nghị diễn ra muộn hơn thường lệ phản ánh môi trường phức tạp và đầy thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Tăng trưởng kinh tế của đất nước đã chậm lại đáng kể và sự sụt giảm trên thị trường tài chính và bất động sản đã làm lung lay niềm tin của công chúng. Bên ngoài, cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng gay gắt và quan hệ của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn như châu Âu và Nhật Bản sẽ tiếp tục rạn nứt.
Nhiều người hy vọng ĐCS Trung Quốc sẽ công bố những thay đổi mạnh mẽ để khởi động lại nền kinh tế. Thay vào đó, thông cáo Hội nghị Trung ương 3 không đem lại nhiều bất ngờ, phản ánh đánh giá của giới lãnh đạo rằng Trung Quốc cần hoàn tất quá trình tái cơ cấu kinh tế “đầy đau đớn” thay vì áp dụng biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Tuy vậy, thông cáo của Hội nghị Trung ương 3 cũng thừa nhận những khó khăn hiện tại. Đây cũng là lần hiếm hoi thông cáo Hội nghị Trung ương 3 đi ngược lại truyền thống tập trung vào các mục tiêu dài hạn, hội nghị lần này nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải “cố gắng không ngừng để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”.
Bắc Kinh trước đó đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là khoảng 5%, nhưng dữ liệu nửa đầu năm thấp hơn dự kiến đã khiến các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs đặt câu hỏi về mục tiêu đó.
Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 cũng yêu cầu các đảng viên “kiên định làm theo các quyết định kinh tế của lãnh đạo đảng, từng bước tích cực kích thích tiêu dùng trong nước và tạo động lực mới để thúc đẩy xuất nhập khẩu”.
Theo Tổng giám đốc Diễn đàn các nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Liên Bình, việc thông cáo đề cập một cách có chủ ý đến các mục tiêu tăng trưởng năm nay được coi như một lời kêu gọi tập hợp. Ông nói: “Tôi tin rằng phần này sẽ không xuất hiện trong thông cáo toàn văn sẽ được công bố sau. Ban lãnh đạo muốn tận dụng cơ hội để giải quyết kết quả đáng thất vọng trong quý II/2024”.
Công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đồng tình rằng việc thông cáo Hội nghị Trung ương 3 bất ngờ đề cập đến triển vọng tăng trưởng ngắn hạn là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng. Công ty này nhận định: “Lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đang lo lắng. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể sẽ chứng kiến những can thiệp chính sách mạnh mẽ hơn từ cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng này”.
Ngoài việc nhắc đến mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, hầu hết các phần của thông cáo đều tập trung vào các vấn đề dài hạn. Hội nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường cải cách trong mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế, đất đai nông thôn, thuế, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, chống tham nhũng và phát triển văn hóa. Từ “cải cách” xuất hiện 53 lần trong thông cáo. Không giống như cách phương Tây sử dụng từ “cải cách” với ngụ ý tự do hóa, “cải cách” ở Trung Quốc ngày nay đồng nghĩa với cải thiện quản trị và tăng cường hiệu quả.
Ông Liên Bình cho biết, ông rất vui mừng khi thấy thông cáo đề cập một số vấn đề còn tồn đọng, chẳng hạn như cải cách thuế. Ông nói: “Điều quan trọng là thông cáo Hội nghị Trung ương 3 năm nay đưa ra thời hạn rõ ràng để hoàn thành tất cả những cải cách này trước năm 2029. Đây là điểm mới so với các hội nghị trung ương 3 trước đó. Trước đây, một số biện pháp cải cách được nhắc đến rồi lặng lẽ gác lại nếu không thực hiện được. Lần này, họ có vẻ quyết tâm hoàn thành những mục tiêu này”.
Trọng tâm cải cách?
Động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học-công nghệ của Trung Quốc là trọng tâm cải cách, trong đó lĩnh vực này được coi là có vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi kinh tế quốc gia. Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 cũng kêu gọi đất nước tăng cường cải cách nguồn cung, tích hợp tốt hơn nền kinh tế kỹ thuật số vào nền kinh tế thực, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại và xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng công nghiệp.
Hội nghị Trung ương 3 cũng đã xác định việc cải thiện nguồn nhân lực và nhân tài là nền tảng để đạt được những mục tiêu này. Thông cáo nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện triệt để và trung thực chiến lược phục hưng dân tộc thông qua khoa học và giáo dục cũng như củng cố nguồn nhân tài. Giáo dục và đổi mới phải đi đôi với nhau”.
Về mặt kinh tế, hội nghị đã cam kết sẽ “phát huy tốt hơn vai trò của thị trường” nhưng lại bỏ qua một cách kỳ lạ cụm từ thường được sử dụng là “thị trường là lực lượng quyết định trong nền kinh tế”. Thay vào đó, thông cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì trật tự thị trường và khắc phục những thất bại của thị trường, phản ánh mối lo ngại của Bắc Kinh về rủi ro trong hệ thống tài chính của nước này.
Trung Quốc cam kết “kiên định hỗ trợ và chỉ đạo” sự phát triển của “khu vực ngoài nhà nước”, đồng thời cho biết chính phủ sẽ đảm bảo cho “tất cả các hình thức sở hữu” trong nền kinh tế có thể cạnh tranh công bằng và hợp pháp “trên cơ sở bình đẳng”, ám chỉ khu vực tư nhân đang trì trệ của Trung Quốc. Nhu cầu kiểm soát rủi ro xuất hiện khi Trung Quốc phải đối mặt với “những thách thức bên trong và bên ngoài phức tạp đang thay đổi nhanh chóng”.
Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 có đoạn: “Chúng ta phải thực hiện các biện pháp đúng đắn để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro trong các lĩnh vực quan trọng như bất động sản và nợ địa phương. Chúng ta phải đảm bảo các tổ chức tài chính tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn. Chính phủ cũng cần tăng cường công tác giám sát và phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Chúng ta phải xây dựng mạng lưới an sinh xã hội để duy trì ổn định xã hội một cách hiệu quả”.
Bên cạnh đó, thông cáo cũng đề cập việc Trung Quốc cần tăng cường “định hướng dư luận và ngăn chặn cũng như xoa dịu những rủi ro về ý thức hệ” – một cách nói hoa mỹ để ám chỉ kiểm duyệt truyền thông. Cuối cùng, ĐCSTQ nhận thức được chìa khóa để quản lý rủi ro và duy trì sự ổn định chính là cải thiện khả năng điều hành tổng thể.
Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là trong quân đội. Hội nghị Trung ương 3 đã tiếp nhận và thông qua các báo cáo về vụ tham nhũng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) cùng hai tướng lĩnh khác. Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 cho biết ĐCSTQ phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội và thực hiện những cải cách cần thiết để đảm bảo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đạt được các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập – hiểu rộng ra là đạt được thế ngang bằng với Mỹ.
Nhà nghiên cứu cấp cao Xie Maosong tại Viện chiến lược đổi mới và phát triển Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, mô tả thông cáo chung là “kiên định và kiên nhẫn”. Ông nói: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định, phần dễ dàng của cuộc cải cách đã kết thúc, hiện chúng ta đang ở trong tình thế chưa từng có. Đảng phải cẩn thận bước đi, đặc biệt khi các rủi ro bên ngoài ngày càng gia tăng. Chúng ta cũng đang động chạm đến lợi ích của nhiều nhóm”.
Hồ Vĩ Tuấn (Larry Hu) – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, nhận định, thông cáo Hội nghị Trung ương 3 năm nay không bất ngờ đối với thị trường tài chính. Ông bày tỏ: “Thay vì một mục tiêu cụ thể, ‘hiện đại hóa kiểu Trung Quốc’ thiên về khả năng đáp ứng thành công những thách thức kinh tế, xã hội, môi trường và địa chính trị mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong những năm tới. Một hệ tư tưởng đặc trưng là điều cực kỳ quan trọng đối với đảng, nhưng đó không phải là thứ mà thị trường có thể đánh đổi được”.
Chu Văn