Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi. Trong nửa cuối năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở về trạng thái bình thường, và vai trò của chính sách tiền tệ truyền thống sẽ trở nên rõ nét hơn.
Từ tháng 2 đến nay, PBoC đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường tín dụng và mở rộng thanh khoản nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Thống đốc PBoC Dịch Cương cho biết, do chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2020, các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ đã tăng hơn 12 nghìn tỷ NDT (1,71 nghìn tỷ USD), bằng 60% hạn ngạch vay mới hàng năm là 20 nghìn tỷ NDT. Tài chính tổng hợp đã đạt 20,83 nghìn tỷ NDT, bằng 70% kế hoạch năm; dự kiến vượt mốc 30 nghìn tỷ NDT vào cuối năm nay. Các quan chức PBoC cảnh báo, khi hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với tốc độ phục hồi kinh tế, mọi sự “lệch pha” đều có thể đem đến những kết quả không mong muốn đối với hệ thống tài chính quốc gia.
Ming Ming, nhà phân tích cao cấp của Công ty chứng khoán CITIC nhận định, thông điệp của chính phủ rất rõ ràng, tăng trưởng tín dụng và tài chính tổng hợp sẽ duy trì ở mức vừa phải từ nay đến cuối năm 2020; các công cụ chính sách tiền tệ có tính chu kỳ sẽ chấm dứt khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại.
Guo Kai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của PBoC, cho biết tháng 2/2020, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch cho vay lại 300 tỷ NDT nhằm hỗ trợ sản xuất vật tư y tế; đồng thời bổ sung 500 tỷ NDT thông qua các chương trình cho vay lại và tái chiết khấu đối với các khoản vay quy mô nhỏ và khôi phục sản xuất. Hai biện pháp này đã “hoàn thành sứ mệnh” vào ngày 30/6 vừa qua. Trong nửa cuối năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở về trạng thái bình thường và vai trò của chính sách tiền tệ truyền thống sẽ trở nên rõ nét hơn.
Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của Công ty chứng khoán Nomura, dự đoán PBoC sẽ duy trì lập trường nới lỏng chính sách đến hết năm nay, giữa lúc nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định PBoC có thể hoãn một số biện pháp nới lỏng tiền tệ đã được lên kế hoạch trước đó, đặc biệt là các biện pháp “mạnh tay” như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF), trước sự khởi sắc gần đây của thị trường chứng khoán.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)