Trung Quốc chuẩn bị xem xét thông qua Dự thảo Luật đầu tư nước ngoài tại Nhân đại với hy vọng hành động này sẽ làm dịu đi sự bất mãn của Mỹ, giảm bớt tranh chấp thương mại giữa hai nước. Luật mới này sẽ đáp ứng một số lo ngại của chính phủ và công ty nước ngoài, nhưng nhiều mối quan tâm khác cũng sẽ bị bỏ qua.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ đưa ra các tuyên bố ngắn gọn về các vấn đề phức tạp và không nêu rõ sẽ chấp hành các quy định đó như thế nào. Ông Carlo Diego D’Andrea, chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Thượng Hải cho biết “Đây là một điều tốt, nhưng chưa đủ”. Nếu Dự thảo Luật đầu tư nước ngoài được thông qua, sẽ ngăn cấm các quan chức địa phương và các tỉnh yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Dự thảo được công bố gần đây nhất vào cuối tháng 12/2018, đã không đề cập đến việc ngăn cấm các cơ quan quản lý của chính phủ Trung ương yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Trương Nghiệp Toại, Người phát ngôn của Nhân đại cho biết Luật mới này “sẽ cải thiện tính công khai, minh bạch và dự đoán của môi trường đầu tư và cung cấp sự bảo vệ pháp lý hiệu quả hơn cho việc hình thành một cấu trúc mới mở cửa toàn diện”. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Luật mới sẽ là một bước tiến lớn so với môi trường hiện tại. Hiện nay, quản lý và giám sát đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được dựa trên ba bộ luật khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài không chắc chắn về điều này. Trong một tuyên bố tuần trước, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết rằng ngôn từ được sử dụng trong Dự thảo Luật quá rộng và thiếu chi tiết. Dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài được soạn thảo năm 2015 có 170 điều và chưa bao giờ được cơ quan lập pháp phê duyệt. Tuy nhiên, Bản dự thảo trưng cầu ý kiến được công bố và cuối tháng 12/2018 lại chỉ có 39 điều và một phần ba trong số đó là các câu ngắn.
Các doanh nghiệp phương Tây cũng đặc biệt lo ngại rằng Luật mới sẽ yêu cầu các công ty nước ngoài ngoài thông qua theo một hệ thống báo cáo mới, chia sẻ với chính phủ Trung Quốc các thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp phương Tây muốn Luật này bao gồm một điều khoản cấm chia sẻ thông tin từ hệ thống báo cáo này tới các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Nhưng Dự thảo Luật được công bố gần đây nhất không bao gồm điều khoản này.
Dự thảo Luật xây dựng một cơ chế khiếu nại cho các công ty nước ngoài, nhưng cũng chỉ rõ, những khiếu nại này sẽ do tòa án Trung Quốc thụ lý. James Zimmerman, đối tác tại văn phòng Bắc Kinh của Perkins Coie cho biết, nếu Luật mới được thông qua vào tuần tới đòi hỏi những khiếu nại này phải được xét xử tại tòa án Trung Quốc, sẽ có rất ít doanh nghiệp phương Tây sẵn sàng sử dụng trình tự này. Các doanh nghiệp phương Tây luôn sợ làm mất lòng cơ quan quản lý của Trung Quốc, nơi có quyền hạn to lớn để trả đũa họ. Thậm chí, các doanh nghiệp nước ngoài còn không muốn khiếu nại với các Văn phòng thương mại quốc tế của nước họ về các trường hợp mà họ tin rằng Trung Quốc đã vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới. Do đó, hiện nay vẫn chưa rõ liệu các công ty nước ngoài sẽ kiện chính phủ Trung Quốc ra tòa án của chính Trung Quốc hay không.
Tin từ ĐSQVN tại Trung Quốc (theo The NewYork Time, ngày 5/4)