Trung Quốc sẽ chi phối chuỗi cung ứng chiến lược của tương lai?

0
329
Quang cảnh bến container của cảng Hải Khẩu tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Để bảo đảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Bắc Kinh muốn mở rộng quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng toàn cầu về các công nghệ chiến lược và mới nổi.

Quang cảnh bến container của cảng Hải Khẩu tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tháng 9/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập đến “lực lượng sản xuất chất lượng mới” và vai trò trung tâm của lực lượng này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao trên toàn quốc. Thông điệp của thuật ngữ mới này là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Điều này cũng bao gồm cả việc kiểm soát các chuỗi cung ứng liên quan, từ thiết kế đến sản xuất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận chính sách kinh tế mới này trong bài phát biểu tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc tháng 12/2023. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) cũng tập trung vào chính sách này trong báo cáo công tác thường niên tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tháng 3 vừa qua. Gần đây nhất, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX (Hội nghị Trung ương 3) được mong đợi từ lâu diễn ra vào tháng 7 vừa qua đã tái khẳng định trọng tâm đẩy mạnh công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế này.

Nền tảng của lực lượng sản xuất chất lượng mới của Tập Cận Bình là “3 mới” – xe điện (EV), pin điện lithium-ion và điện mặt trời. Những ngành công nghiệp tuy mới nổi nhưng đã có tác động kinh tế to lớn, và cả ba đều được kiểm soát phần lớn bởi các công ty Trung Quốc. Trong tương lai, Bắc Kinh muốn mở rộng quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng chiến lược này và các chuỗi cung ứng khác.

Kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu: Hiện trạng

Trong bài phân tích, Tập chí The Diplomat bình luận, Trung Quốc đã là nhà vô địch thế giới không thể tranh cãi trong các lĩnh vực “3 mới”.

Ví dụ, nước này chiếm hơn một nửa thị trường EV toàn cầu. Hầu hết EV được bán tại Trung Quốc đều do các nhà sản xuất trong nước thiết kế và sản xuất, bởi EV Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà còn vượt trội về chất lượng so với các sản phẩm thay thế từ phương Tây. Vì vậy, các nhà sản xuất EV Trung Quốc như BYD, XPeng, SAIC, Nio, Geely và nhiều thương hiệu khác đang nhanh chóng trở thành những cái tên quen thuộc trên toàn thế giới. Ước tính Trung Quốc đã vượt Đức và Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, chủ yếu nhờ vào nhu cầu EV tăng.

Một lý do quan trọng giúp Trung Quốc thâu tóm được thị trường EV toàn cầu là nước này kiểm soát chặt chuỗi cung ứng toàn cầu của một thành phần chính trong EV: pin điện lithium-ion. CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất Trung Quốc, sản xuất 1/3 tổng số pin xe điện toàn cầu. Nhìn chung, xét về công suất, Trung Quốc sản xuất 3/4 số pin điện lithium-ion. Thị phần này có thể sẽ giảm dần theo thời gian bởi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư đáng kể vào việc xây dựng chuỗi cung ứng pin nội địa. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đáp ứng ít nhất 2/3 nhu cầu toàn cầu cho đến năm 2030. Ngoài công nghệ pin điện lithium-ion, Trung Quốc cũng nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các giải pháp lưu trữ năng lượng thay thế, chẳng hạn như pin natri-ion.

Trung Quốc cũng kiểm soát phần lớn các khoáng chất quan trọng cần cho pin và các ngành công nghiệp điện tử khác. Các công ty Trung Quốc kiểm soát hầu hết các quy trình khai thác và tinh chế lithium, coban, niken, than chì và mangan – những nguyên tố cần thiết cho pin điện lithium-ion. Trung Quốc cũng kiểm soát 90% nguồn cung các nguyên tố đất hiếm và thậm chí hơn 95% nguồn cung nam châm đất hiếm, những nguyên tố thiết yếu cho nhiều công nghệ năng lượng xanh khác, bao gồm cả điện mặt trời.

Yếu tố thứ 3 trong “3 mới”, điện mặt trời, cung cấp ngày càng nhiều năng lượng cho lưới điện toàn cầu. Năng lượng mặt trời đang trên đà vượt qua các nhà máy nhiệt điện than trở thành nguồn điện lớn nhất vào đầu những năm 2030. Và trong vòng 1 thập kỷ sau đó, năng lượng mặt trời thậm chí có thể trở thành nguồn năng lượng lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng như vậy, bởi quốc gia này hiện kiểm soát hơn 80% toàn bộ chuỗi cung ứng điện mặt trời, với 10 nhà cung cấp thiết bị sản xuất điện mặt trời hàng đầu đều là của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 95% thị phần trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

Gần như có thể khẳng định rằng nhu cầu đối với các ngành công nghiệp “3 mới” sẽ tiếp tục tăng, bởi đây là những ngành cần thiết để hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thống trị chuỗi cung ứng trong các ngành sản xuất năng lượng tái tạo từ gió, nước và phân tách nguyên tử.

Các công ty Trung Quốc chiếm 60% thị trường toàn cầu về công suất năng lượng gió đã lắp đặt. Hằng năm, Trung Quốc bổ sung công suất gió nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, với 2/3 hạ tầng năng lượng gió đang được xây dựng ở Trung Quốc. Mười trong số 15 nhà cung cấp tua bin gió lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Ba công ty hàng đầu Trung Quốc – Goldwind, Envision và Mingyang – chiếm gần 1/3 tổng sản lượng tua bin gió trên toàn thế giới.

Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới, và ngành công nghiệp thủy điện của nước này đã tham gia nhiều dự án đập quốc tế, thường là một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Trung Quốc hầu như đã có khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất năng lượng hạt nhân và hiện là nhà cung cấp chính các lò phản ứng hạt nhân trên toàn cầu.

Các công nghệ năng lượng xanh này chiếm 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và đóng góp 40% tăng trưởng GDP năm 2023. Tuy nhiên, sự chi phối của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng các công nghệ tiên tiến không chỉ giới hạn ở công nghệ xanh và các khoáng chất quan trọng cần thiết cho chúng. Theo báo cáo của dự án Công cụ theo dõi các công nghệ thiết yếu thuộc Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc dẫn đầu thế giới về 37/44 công nghệ quan trọng được theo dõi. Ngoài các công nghệ được đề cập ở trên, còn có các công nghệ quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ truyền thông, sản xuất vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, động cơ siêu thanh, rô bốt tiên tiến, máy bay không người lái tự động, truyền thông và cảm biến lượng tử.

Trong số các công nghệ mới nổi này, sự chú ý toàn cầu đang đổ dồn vào vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Trung Quốc hiện dẫn đầu trong nghiên cứu AI xét về cả số lượng lẫn chất lượng các bài nghiên cứu, với Tencent, Alibaba và Huawei là những doanh nghiệp đóng góp thương mại hàng đầu. Trung Quốc hiện cũng tạo ra khoảng một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới.

Về công nghệ truyền thông, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, bất chấp việc các nhà cung cấp của nước này đã bị loại khỏi nhiều thị trường phương Tây do mối lo ngại về an ninh. Cho đến nay, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 thị trường toàn cầu. Thế giới đang phát triển phần lớn dựa vào Huawei để áp dụng 5G.

Trung Quốc cũng đang nhanh chóng mở rộng hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của mình như một giải pháp thay thế cho Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và cho việc kết nối dựa trên vệ tinh thương mại. Đầu năm 2024, Trung Quốc đã phóng vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới. Mặc dù các tiêu chuẩn toàn cầu cho 6G vẫn chưa được thống nhất, nhưng các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiến về phía trước với những tiêu chuẩn của riêng họ, vì 6G dự kiến sẽ được thương mại hóa tại Trung Quốc vào năm 2030.

Bên cạnh các công nghệ mũi nhọn, Trung Quốc cũng tiếp tục thống trị các ngành công nghiệp nặng quan trọng. Ví dụ, Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng đóng tàu toàn cầu. Thông qua BRI, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn cầu, đồng thời kiểm soát các chuỗi cung ứng liên quan. Trung Quốc chiếm 55% sản lượng thép, 51% sản lượng xi măng và 59% sản lượng aluminum trên toàn cầu. Các ngành công nghiệp truyền thống tập trung vào nguyên liệu thô này là xương sống cho sự chi phối toàn bộ chuỗi cung ứng của các công nghệ mới.

Đảm bảo quyền kiểm soát trong tương lai: Về lý thuyết
Các ví dụ ở trên là minh chứng cho sự kiểm soát hiện tại của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng chiến lược, nhưng Bắc Kinh cũng đang tập trung vào việc đảm bảo các công nghệ của tương lai. Tháng 1/2024, Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, cùng 6 bộ ngành khác, đã công bố lộ trình phát triển các ngành công nghiệp tương lai. Những ngành công nghiệp này bao gồm công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo, công nghệ lượng tử, các nguồn năng lượng mới và việc lưu trữ năng lượng mới, sản xuất thông minh, công nghệ sinh học, vật liệu mới, khai thác biển sâu, công nghệ hàng không vũ trụ và nhiều ngành khác.

Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đang thiết lập mạng lưới “vườn ươm”, đồng thời tích cực hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu và phát triển. Lộ trình bao gồm một lịch trình đầy tham vọng, dự kiến vận hành đầy đủ vào năm 2025 và kỳ vọng có những đột phá công nghệ liên quan vào năm 2027.

Đây không phải là một lộ trình hoàn toàn mới, mà là sự tiếp nối nỗ lực đổi mới dài hạn do nhà nước lãnh đạo. Quay trở lại năm 2010, Trung Quốc đã công bố Sáng kiến các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược, sau đó được sáp nhập vào sáng kiến năm 2015 mang tên “Made in China 2025”. Sáng kiến các ngành công nghiệp mới nổi tập trung vào 7 lĩnh vực công nghệ tương lai, bao gồm cả “3 mới” là xe năng lượng mới, lưu trữ năng lượng và bảo tồn năng lượng.

Đã và sẽ có các chương trình tài trợ quy mô lớn để thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược mới, trong đó có chương trình “Người khổng lồ nhỏ” nhận dạng hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ có tầm quan trọng chiến lược. Các doanh nghiệp này được trợ cấp và tài trợ để nghiên cứu và mở rộng. Phần nhiều trong số các công ty “3 mới” thành công nhất của Trung Quốc đã được hưởng lợi đáng kể từ sự hỗ trợ như vậy của nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem các sáng kiến do nhà nước chỉ đạo sẽ thành công đến mức độ nào. Trong 3 năm qua, Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu vào hoạt động của các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc. Cách tiếp cận cứng rắn này có thể hạn chế sức mạnh đổi mới của họ trong dài hạn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hào phóng của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc đã khiến Mỹ và EU áp thuế cao, và mức thuế có thể cao hơn nữa khi Bắc Kinh tăng trợ cấp.

Đầu tư nước ngoài gần như cũng đã cạn kiệt: Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua và đến cuối năm thậm chí còn âm. Ngoài ra, mặc dù các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc nằm trong số những trường tốt nhất thế giới về nghiên cứu ứng dụng, nhưng nhiều trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế đã cắt đứt quan hệ với các đối tác Trung Quốc vì lo sợ sự can thiệp của nhà nước. Do đó, việc đạt được những đột phá khoa học trong các lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào kiến thức của nước ngoài, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, đã trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc cũng đang chật vật tìm cách giải quyết một vấn đề trong nước là “sự thoái hóa”, ám chỉ tình trạng cạnh tranh gay gắt trong nước khiến các ngành công nghiệp rơi vào trạng thái tự hủy. Ngành công nghiệp điện mặt trời và EV đều là những ví dụ điển hình về các ngành công nghiệp hiện có quá nhiều nhà sản xuất và dường như đã đến lúc phải hợp nhất thị trường. Giá điện mặt trời đã xuống thấp tới mức biên lợi nhuận không còn, và ngày càng có nhiều công ty EV phá sản do cạnh tranh khốc liệt.

Trong cả hai trường hợp, các công ty lớn trong nước có thể sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn của nhiều công ty nhỏ hơn, dẫn đến tình trạng tăng trưởng không đồng đều và số lượng việc làm trong các ngành công nghiệp này giảm. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với những gì chính phủ muốn đạt được.

Cuối cùng, mặc dù các ngành công nghiệp tiên tiến như AI và công nghệ lượng tử thực sự có giá trị cao và đòi hỏi lực lượng lao động có chất lượng, nhưng chúng cũng đòi hỏi ít lao động hơn nhiều so với các ngành công nghiệp nặng truyền thống. Xét tới tình trạng phân phối của cải vốn đã bất bình đẳng ở Trung Quốc, cùng sự ác cảm của Tập Cận Bình đối với các chính sách phúc lợi xã hội, người ta có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để các ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị cao như vậy mang lại lợi ích cho phần còn lại của dân số?

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here