Trung Quốc phê chuẩn RCEP, bày tỏ hy vọng các nước liên quan đẩy nhanh tiến độ

0
75

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) ngày 8/3 vừa qua thông báo, chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

(Nguồn: Asean.org)

Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài viết nhan đề “RCEP đạt dấu mốc mới với việc Trung Quốc phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do này”, trong đó nhấn mạnh rằng động thái của Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn RCEP mở đường cho việc triển khai thỏa thuận thương mại tự do khổng lồ này.

Phát biểu với các phóng viên bên lề kỳ họp Lưỡng hội đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào nói rằng việc phê chuẩn RCEP có nghĩa là các nước thành viên, chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, sẽ hình thành một thị trường thống nhất có quy mô khổng lồ với tiềm năng và sức sống cao. Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) đã thiết lập một cơ chế làm việc cụ thể, theo đó đã “chính thức phê chuẩn hiệp định và một số quốc gia thành viên cũng đã tăng cường nỗ lực để phê chuẩn thỏa thuận này”.

Ông Vương Văn Đào bày tỏ hy vọng các nước liên quan có thể đẩy nhanh tiến độ và cuối cùng đạt đủ điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực. Ông nhấn mạnh cần RCEP sẽ có hiệu lực khi có khi ít nhất 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định. Theo ông, việc hiệp định này có hiệu lực sớm sẽ tạo điều kiện để người dân của các nước tham gia nhanh chóng được hưởng lợi.

Hiệp định RCEP được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 11/2019, việc Ấn Độ tạm đứng ngoài Hiệp định đã làm giảm số lượng các quốc gia đàm phán RCEP từ 16 xuống còn 15 quốc gia. Mặc dù vậy, RCEP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi hiệp định này bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu.

Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng đó cho doanh nghiệp. RCEP sẽ giúp loại bỏ 91% dòng thuế và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

Trước đó, giữa tháng 1/2021, ông Cao Phong, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng quá trình để Trung Quốc phê chuẩn RCEP, bắt đầu vào tháng 12/2020, đã diễn ra suôn sẻ và chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn thành việc phê chuẩn và công tác chuẩn bị để thực hiện thỏa thuận này trong vòng sáu tháng. Theo người phát ngôn Cao Phong, nhiều bộ ban ngành khác nhau của Trung Quốc đã đưa ra những danh sách thuế nhằm giữ cho RCEP đi đúng đường, để tất cả các động thái mở cửa và những nghĩa vụ dựa trên nguyên tắc có thể được thực hiện đầy đủ.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, Bộ trưởng Vương Văn Đào cho biết, Bộ Thương mại cùng với các bộ ban ngành khác của Quốc vụ viện đang đẩy mạnh công việc của mình để hoàn thành các nghĩa vụ ban đầu về kỹ thuật, ví dụ như những nhượng bộ thuế quan và chứng nhận xuất xứ, đã diễn ra theo kế hoạch.

Bộ trưởng Vương Văn Đào tiết lộ, giai đoạn một của chương trình đào tạo trên khắp cả nước, do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức, có hơn 6.000 học viên tham gia, trong khi giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 3/2021, sẽ đạt hơn 40.000 học viên. Điều này sẽ cho phép nhiều công ty hơn tìm hiểu và hiểu về hiệp định thương mại tự do này.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Vương Văn Đào, sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đang thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận này, và sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Vương Văn Đào cũng nói thêm, công việc sơ bộ đã được thực hiện liên quan đến sự quan tâm của Trung Quốc đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số cuộc tiếp xúc không chính thức đã được thực hiện.

Tiến Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here