Tạp chí The Economist gần đây đăng tải một báo cáo nhận định Trung Quốc gần như sắp hoàn thành nửa đi lên trong mô hình phục hồi hình chữ “V” trong khi các nước khác vẫn đang bị mắc kẹt trong suy thoái kinh tế với số ca nhiễm gia tăng trong làn sóng mới của đại dịch. Báo cáo lập luận sự phục hồi có được là nhờ Trung Quốc có khả năng ngăn chặn được vi-rút và tạo môi trường thuận lợi giúp sản xuất được khôi phục lại một cách thông suốt, trơn tru.
Số liệu mới nhất cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc trở nên cân bằng hơn so với giai đoạn phục hồi ban đầu chủ yếu nhờ đầu tư và sản xuất tại nhà máy. Trong quý 3, khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm dần, đóng góp của gia tăng đầu tư vốn vào tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 3 điểm phần trăm trong khi tiêu dùng đóng góp gần 2 điểm phần trăm. Dù vẫn chưa trở về mức trước khi xảy ra đại dịch, tỷ lệ này đã cải thiện rất nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Thương mại của Trung Quốc cũng phục hồi nhanh với tỷ phần trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh đại dịch.
Theo số liệu của WTO, ngoại thương của Trung Quốc chiếm 12,6% thương mại toàn cầu, tăng 1 điểm phầm trăm so với cùng kỳ năm 2019; cả xuất khẩu và nhập khẩu đạt tỷ phần cao kỷ lục trong thương mại toàn cầu. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 30,75 tỷ USD trong tháng 9, giảm so với mức thặng dư 34,24 tỷ USD trong tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 218,57 tỷ USD. Nhờ tái khởi động thành công nền kinh tế, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất thiết bị bảo hộ y tế lớn nhất thế giới, từ khẩu trang cho đến áo choàng phẫu thuật. Báo cáo cho rằng, cho đến khi vắc-xin được chính thức đưa vào sử dụng, các nước khó có thể bắt kịp thành tích kinh tế của Trung Quốc./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)