Trung Quốc: Kinh tế số – chìa khóa cho phát triển chất lượng cao

0
142
Một khách tham quan trải nghiệm mô hình trạm điều khiển từ xa 5G, có thể điều khiển xe tải không người lái tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 12/12. (Nguồn: China Daily)

Kinh tế số đã trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển theo hướng chất lượng cao của Trung Quốc.

Một khách tham quan trải nghiệm mô hình trạm điều khiển từ xa 5G, có thể điều khiển xe tải không người lái tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 12/12. (Nguồn: China Daily)

Chìa khóa trong giai đoạn mới

Báo cáo Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy việc mở rộng nhu cầu trong nước và tăng cường cải cách cơ cấu phía cung sẽ những trọng tâm kinh tế vĩ mô trong những năm tới.

Từ góc độ công nghiệp, việc Trung Quốc gấp rút xây dựng các “cơ sở hạ tầng mới” đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Khái niệm “cơ sở hạ tầng mới” lần đầu tiên được đề xuất trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm 2018 của Trung Quốc, bao gồm các trạm thu phát tín hiệu 5G, cơ sở điện siêu cao áp, đường sắt cao tốc, trạm sạc xe năng lượng mới, internet phục vụ công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và các trung tâm dữ liệu lớn (big data).

Hiện Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ trong những lĩnh vực trên. Tuy nhiên, xét về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế số như trí tuệ nhân tạo, internet phục vụ công nghiệp hay trung tâm dữ liệu lớn, Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển.

Cụ thể, tỷ lệ thâm nhập thị trường của nền tảng internet công nghiệp Trung Quốc đã tăng từ 14,67% (năm 2020) lên 17,5% (năm 2021), song vẫn còn cách xa mục tiêu 45% được đề xuất trong Kế hoạch quốc gia 5 năm lần thứ 14 (2021-25).

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), theo công ty tư vấn thị trường iResearch (Trung Quốc), quy mô các ngành công nghiệp ứng dụng lõi AI đạt khoảng 200 tỷ NDT (28,68 tỷ USD) năm 2021, đồng thời giúp các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn liên quan đạt khoảng 800 NDT. Song kế hoạch của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cam kết rằng tới năm 2030, quy mô của lĩnh vực AI dự kiến sẽ vượt 1.000 nghìn tỷ NDT và các ngành liên quan sẽ vượt 10.000 tỷ NDT.

Với các trung tâm dữ liệu lớn, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã dẫn đến nhu cầu lưu trữ, truyền dữ liệu và xử lý dữ liệu tăng vọt. Theo kế hoạch hành động từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của các tủ trung tâm dữ liệu (bộ tủ dùng để chứa máy chủ, dây cáp, thiết bị mạng, hệ thống làm mát và các thiết bị máy tính khác) sẽ duy trì ở mức khoảng 20% cuối năm 2023.

Thành phố thông minh là trọng tâm

Với các chính sách hỗ trợ, kinh tế số được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong xây dựng, quản lý các thành phố thông minh. Thành phố thông minh là khái niệm và mô hình mới, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và tích hợp thông tin địa lý không gian để thúc đẩy các mô hình mới như quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thông minh cũng như các dịch vụ liên quan.

Báo cáo tại Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thành phố thông minh. Hiện một số chính sách đã ban hành nhằm hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của một loạt lĩnh vực liên quan đến kinh tế số. Các ứng dụng như chính phủ trực tuyến, giao thông thông minh, chăm sóc y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác đang được tích hợp của đời sống của người dân.

Giao thông thông minh được coi là nền móng định hướng khi bắt đầu xây dựng các thành phố thông minh. Tầm nhìn toàn diện cùng với kế hoạch kết nối, phối hợp chặt chẽ, sự điều tiết năng động của các cấu phần giao thông khác nhau sẽ giúp quản lý và vận hành các đường cao tốc, sân bay, cảng biển, tàu điện, cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác. Theo 36Kr, một tổ chức nghiên cứu truyền thông công nghệ tại Trung Quốc, quy mô thị trường giao thông thông minh nước này dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ NDT vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, khái niệm thành phố thông minh đã được tích hợp vào công tác quản trị xã hội, trong đó bao gồm các lĩnh vực như chính phủ số, giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công cộng khác. Thông qua việc điều phối linh hoạt các nguồn lực dịch vụ, mức độ số hóa của quản trị xã hội tại quốc gia này đang ngày càng cải thiện.

Từ góc độ kỹ thuật, một thành phố thông minh bao gồm nhiều yếu tố cơ bản như phần cứng, phần mềm và các bên cung cấp dịch vụ. Kéo theo đó là các chuỗi ngành liên quan bao gồm phát triển và sản xuất phần mềm và phần cứng, truy cập mạng truyền thông, tích hợp hệ thống, quản lý, vận hành và bảo trì.

Cụ thể hơn, các chuỗi ngành liên quan đến lĩnh vực này bao gồm sản xuất thiết bị phần cứng, phát triển nền tảng phần mềm, dịch vụ dữ liệu và nội dung, tích hợp hệ thống cũng như hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ.

Giao thông thông minh đi đầu

Giao thông thông minh có thể trở thành một trong những lĩnh vực ứng dụng đầu tiên của thành phố thông minh. Giao thông vận tải là xương sống của một thành phố và sự phát triển của giao thông thông minh là một thuộc tính thiết yếu trong việc xây dựng một thành phố thông minh.

Nhờ các chính sách hỗ trợ hiện nay, việc xây dựng hạ tầng giao thông thông minh tại Trung Quốc đang không ngừng hoàn thiện. Một hệ thống giao thông thông minh hoàn chỉnh cần sự phát triển đồng bộ của nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cơ sở hạ tầng, công cụ giao thông thông minh và quản lý vận hành giao thông.

Hiện Chính phủ Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông số hóa thông minh theo mạng lưới, hướng tới xây dựng một mô hình cơ sở hạ tầng giao thông mới. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng mới hỗ trợ giao thông thông minh cũng đang được gấp rút triển khai.

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, nước này đã nâng cấp hơn 3.500 km đường thông minh cuối năm 2021.

Đồng thời, Trung Quốc cũng từng bước triển khai thí điểm ứng dụng giao thông thông minh, xe thông minh tại nhiều địa phương. Bắc Kinh và Thượng Hải là những thành phố thí điểm đầu tiên loại xe này tháng 4/2021, tiếp đó là 10 thành phố khác bao gồm Trùng Khánh và Thâm Quyến tháng 12/2021.

Đáng chú ý, các công nghệ như xe đạp thông minh và công nghệ C-V2X (Xe-đến-mọi-thứ) được tích hợp giúp các phương tiện, cơ sở hạ tầng và người tham gia giao thông kết nối với nhau và dần phối hợp nhịp nhàng.

Thông qua kết nối toàn diện và tương tác hiệu quả giữa con người, phương tiện, đường xá và công cụ đám mây lưu trữ, các phương tiện được hỗ trợ để thu thập thêm thông tin dữ liệu, nhờ đó có thể cải thiện công nghệ lái xe tự động và thúc đẩy việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Quan trọng hơn, hệ thống giao thông thông minh cải tiến và cùng việc đẩy nhanh xây dựng thành phố thông minh sẽ góp phần củng cố nền tảng cho công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) của thành phố thông minh. Trong tương lai, hệ thống giao thông thông minh sẽ ngày càng trở nên phổ biến, góp phần thúc đẩy xây dựng các thành phố trong không gian số.

Giao thông thông minh không những góp phần bảo đảm an toàn, tăng độ hiệu quả khi tham gia giao thông của người dân, mà còn giúp họ tiết kiệm năng lượng. Sự phát triển của xe không người lái sẽ thay đổi hơn nữa lối sống của người dân và đồng thời trở thành một phần của các thành phố thông minh.

Song song với sự phát triển của thành phố thông minh và nhu cầu về các ứng dụng số, lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông cũng tiếp tục phát triển. Các chuyên gia của công ty Haitong Securities (Trung Quốc) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành viễn thông nước này sẽ đạt 10-15% trong tương lai.

Nhật Lệ (theo China Daily)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here