Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 11-12/12 đã vạch ra chính sách kinh tế năm 2025 và tái khẳng định đổi mới công nghệ sẽ dẫn dắt sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới cũng như xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại.
Quan trọng hơn, hội nghị cũng nhấn mạnh phải thực hiện chính sách vĩ mô chủ động hơn nhằm đẩy mạnh nhu cầu trong nước, ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán, ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các cú sốc từ bên ngoài.
Theo Minh báo (Hong Kong) ngày 13/12, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, vừa cần có tầm nhìn dài hạn vừa phải đối phó với những thách thức trước mắt. Hội nghị còn đề cập đến sự cần thiết phải tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính, cắt giảm lãi suất và dự trữ bắt buộc vào thời điểm thích hợp, thực hiện tốt sự kết hợp các chính sách, dự kiến nhiều biện pháp lớn hơn sẽ được đưa ra vào đầu năm tới.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 sẽ mang lại nhiều biến số hơn cho quan hệ Trung-Mỹ, ổn định ngoại thương, ổn định kỳ vọng và ổn định niềm tin sẽ là trọng điểm công tác trong năm tới. Hội nghị cũng nhấn mạnh việc mở rộng toàn diện nhu cầu và tiêu dùng trong nước để giúp đất nước ứng phó với những làn sóng và tác động có thể xuất hiện trong môi trường ngoại thương.
Có sự thay đổi về ưu tiên các nhiệm vụ kinh tế
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương họp vào tháng 12 hằng năm là hội nghị công tác kinh tế cấp cao nhất, cũng là chỉ báo có căn cứ xác thực nhất để đánh giá tình hình kinh tế hiện tại và đưa ra chính sách kinh tế vĩ mô cho năm tiếp theo.
Nhìn lại năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức, kể từ cuối tháng 9, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế, gói chính sách mới đã sẵn sàng được triển khai và niềm tin của thị trường được cải thiện. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương lần này, chính sách tiền tệ, tài chính và ngành nghề cho năm tới sẽ được triển khai ra sao đã trở thành tâm điểm của các bên.
Số liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc không quá lý tưởng và thị trường đang quan tâm liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5% hay không. Cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cách đây không lâu thông báo “các mục tiêu và nhiệm vụ chính của phát triển kinh tế và xã hội trong năm nay sẽ được hoàn thành thuận lợi”, bên ngoài nhìn chung đều lý giải điều đó có nghĩa là mục tiêu tăng trưởng kinh tế về cơ bản đã đạt được, dù con số thực tế có thể sai lệch đôi chút so với 5%.
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, việc triển khai kinh tế cho năm 2025 có ý nghĩa kế thừa quá khứ, mở ra tương lai. Cuộc họp tháng 12 của Bộ Chính trị đề cập đến việc phải củng cố nền kinh tế theo hướng tốt lên, đặt nền tảng vững chắc cho Quy hoạch 5 năm lần thứ 15. Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương kết thúc ngày 12/12 cũng đưa ra nhận định tương tự, nhấn mạnh phải hoàn thành với chất lượng cao các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, tạo nền tảng vững chắc để có bước mở màn cho Quy hoạch 5 năm lần thứ 15.
Chính quyền trung ương Trung Quốc nêu rõ cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035, tiếp tục đi sâu cải cách, phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao vẫn là phương hướng phát triển lâu dài của đất nước, bên cạnh đó, đất nước cũng phải tìm cách ứng phó với những thách thức kinh tế hiện nay.
Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương không giấu giếm rằng “những ảnh hưởng bất lợi do sự thay đổi của môi trường bên ngoài hiện nay mang lại ngày càng sâu sắc”, sự vận hành kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu là do nhu cầu trong nước yếu, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, người dân chịu áp lực phải tăng việc làm và thu nhập, rủi ro tiềm ẩn vẫn còn tương đối nhiều.
Hội nghị đề cập đến việc phải thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Thứ nhất là đẩy mạnh tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước về mọi mặt. Thứ hai là đổi mới công nghệ sẽ dẫn dắt sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới và xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại.
Trong khi đó, hội nghị năm 2023 coi đổi mới công nghệ là ưu tiên hàng đầu và mở rộng nhu cầu trong nước là ưu tiên thứ hai. Bản thân sự thay đổi này đã phát đi tín hiệu quan trọng ra bên ngoài, cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã nhận định rằng cần phải điều chỉnh mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ, đẩy mạnh nền kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Cuộc họp của Bộ Chính trị tháng 12 nêu rõ phải thực hiện “chính sách tài khóa chủ động hơn”, “chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý” và “tăng cường các điều chỉnh nghịch chu kỳ bất thường”. Có thể thấy chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã chuyển từ “thận trọng” sang “nới lỏng hợp lý”, là điều chưa từng diễn ra trong 10 năm qua, cho thấy quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm nay, chính sách tiền tệ đã đề cập cụ thể đến việc phải cắt giảm dự trữ bắt buộc và lãi suất vào thời điểm thích hợp, trong khi chính sách tài khóa nhấn mạnh cần “mạnh mẽ hơn” và chỉ rõ cần tăng tỷ lệ thâm hụt tài khóa, tăng cường độ chi tiêu tài chính, tăng phát hành trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn, tối ưu hóa cơ cấu chi tiêu tài khóa, tăng phát hành và sử dụng trái phiếu đặc biệt cho chính quyền địa phương…
Tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh
Tỷ lệ thâm hụt tài chính của Trung Quốc thường được đặt ở mức khoảng 3%. Bên ngoài gần đây dự đoán Chính phủ Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ thâm hụt trong năm 2025 lên khoảng 3,5% – 4%, tình hình cụ thể ra sao thì phải đợi Báo cáo công tác chính phủ được công bố tại kỳ họp Lưỡng hội vào tháng 3/2025.
Cùng với việc Donald Trump sắp nhậm chức, báo chí nước ngoài gần đây đưa tin Trung Quốc đang xem xét tăng khả năng chịu đựng sự mất giá của đồng nhân dân tệ vào năm 2025 để thúc đẩy xuất khẩu và chống giảm phát, đồng thời đối phó với mối đe dọa về thuế quan cao hơn từ Mỹ. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ 2.0 sắp xảy ra, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch và sẽ quyết định những biện pháp cũng như cường độ nào cần thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tình hình lúc đó.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương đã nhắc lại rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ về cơ bản phải được giữ ổn định ở mức hợp lý và cân bằng, cho thấy Trung Quốc sẽ không để đồng nhân dân tệ mất giá đáng kể một cách vội vàng. Trung Quốc luôn nhấn mạnh tiến lên trong khi duy trì sự ổn định và kiểm soát rủi ro, ngay cả khi nhấn mạnh vào việc tăng cường kích thích kinh tế cũng sẽ không đi chệch khỏi nguyên tắc này.
Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương nêu rõ cần duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm 2025, tăng trưởng kinh tế khoảng 5% được cho là mục tiêu của Trung Quốc trong năm tới. Về việc mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước, hội nghị đề cập đến việc phải giảm gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp và trung bình để tăng khả năng tiêu dùng, tăng lương hưu cơ bản cho người về hưu một cách hợp lý và nỗ lực mở rộng phạm vi thực hiện chính sách “hai mới” (tức là đổi cũ lấy mới các thiết bị quy mô lớn và các mặt hàng tiêu dùng), phản ánh chính quyền trung ương vẫn nhấn mạnh cần nhắm mục tiêu mở rộng nhu cầu trong nước song ít có khả năng phát phiếu tiêu dùng trên quy mô lớn. Về phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, hội nghị đặc biệt đề cập đến việc chấn chỉnh toàn diện tình trạng cạnh tranh khốc liệt và quy chuẩn hóa hành vi của chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng trong năm tới.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô và quang điện của Trung Quốc phát triển nhanh, nhưng sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành cũng ngày càng gia tăng, cuộc chiến về giá đã dẫn lợi nhuận của ngành giảm, để giảm chi phí, một số công ty sẽ không trả được nợ gốc và giảm giá nhà cung cấp. Điều này không chỉ làm suy yếu sự ổn định của chuỗi ngành nghề mà còn dẫn đến toàn bộ hệ sinh thái ngành xấu đi.
Các vấn đề liên quan đã được đề cập tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7 và dư luận cho rằng chính quyền trung ương sẽ tăng cường chấn chỉnh vấn đề này trong năm tới. Đối với Hong Kong, một trong 10 nhiệm vụ lớn cần được quan tâm đặc biệt là tăng cường thực hiện chiến lược khu vực và sức sống phát triển khu vực. Việc xây dựng Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau đang được tiến hành với tốc độ tối đa và Hong Kong cần đẩy nhanh quá trình hội nhập vào sự phát triển của Khu vực Vịnh lớn.
Trần Quyên