Trung Quốc – Điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam năm 2023

0
41
Ở thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất. (Nguồn: VASEP)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho hay, lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản trong quý I/2023 dự kiến sẽ đi xuống so với quý IV/2022 và cùng kỳ.

Ở thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất. (Nguồn: VASEP)

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và các nước Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Giám đốc Truyền thông VASEP Lê Hằng cho biết, giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp nên chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang những nền kinh tế tiềm năng như Trung Đông. 

VASEP dự báo, nửa sau năm tới, nền kinh tế các nước và nhu cầu thị trường sẽ dần hồi phục, điều này thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Vì thế, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu và nguồn lực cũng như nguồn vốn để có thể đón đầu cơ hội.

Đặc biệt, việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.

Sức tiêu thụ của một đất nước 1,4 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì Covid-19. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định: “Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ngày càng tăng, Trung Quốc trong năm 2023 chính là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, sở hữu vị trí địa lý gần trong khi chi phí logistics và rủi ro cũng thấp hơn rất nhiều khi so sánh với các thị trường khác”. 

VASEP cho rằng, ở thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất và các điều kiện, để khi thị trường ổn định và hồi phục thì có thể nhanh chóng gia tăng xuất khẩu, giành thị phần trước các đối thủ khác cũng đang khá mạnh như Ecuador, Ấn Độ trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thời gian tới, các doanh nghiệp thủy sản cần có những biện pháp đặc thù nhằm tiếp thị thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với thời điểm hiện tại. Một trong số những điều quan trọng là thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt và cần xem xét lựa chọn địa phương nào sao cho phù hợp.

Đáng chú ý, ở những tỉnh thành có lượng tiêu thụ lớn như Sơn Đông, Thượng Hải, Phúc Kiến, Liêu Ninh, Bắc Kinh hay Thiên Tân, thủy sản Việt Nam cũng đang chiếm được thị phần đáng kể. Những địa phương này cũng đang chiếm đến 87% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ tính riêng Sơn Đông đã nhập khẩu lên đến 4 tỷ USD thủy sản. 

Về giải pháp cụ thể, ông Trương Đình Hòe chia sẻ: “Thị trường Trung Quốc với khoảng 1,4 tỷ dân cùng với nhiều tỉnh thành, trong khi diện tích của một tỉnh là rất lớn và phong tục, chính sách của mỗi tỉnh khác nhau. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ chính sách của từng địa phương; từ đó có được sách lược phù hợp với từng sản phẩm. Đặc biệt, với sản phẩm tôm cần tính toán một cách kỹ càng hơn vì sự cạnh tranh từ tôm Ecuador và Ấn Độ rất lớn”.

Kim Ngân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here